Ngư Dân Tự Nguyện Tái Tạo Nguồn Lợi Thủy Sản Ở Thừa Thiên Huế
Bổ sung nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá, tạo sinh kế cho bà con ngư dân, Chi hội nghề cá Hà Giang (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) vừa tự nguyện góp tiền thả 3 tạ cá dìa, kích cỡ 2cm ra đầm phá.
Việc làm đầy ý nghĩa
Góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và ven biển, bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và vận động các tổ chức, cá nhân, thời gian qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh tổ chức nhiều đợt thả tôm, cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản ở thủy vực lợ và mặn.
Anh Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Quản lý khai thác và Nguồn lợi thủy sản (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho biết: “Hiện, Chi hội Nghề cá Hà Giang chưa được cấp quyền khai thác mặt nước và chưa được thành lập khu bảo vệ thủy sản. Tuy nhiên, bà con hội viên của chi hội có ý thức rất cao trong việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nhằm giúp bà con ngư dân bảo vệ tốt hơn nguồn lợi thủy sản, chi cục đang hướng dẫn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang, xã Vinh Hà hoàn thiện các thủ tục để tiến tới cấp quyền khai thác mặt nước với diện tích đầm phá khoảng 331 ha cho Chi hội Nghề cá Hà Giang”.
Anh Hoàng Hồng, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Hà Giang cho biết: “Do nguồn lợi thuỷ sản ở đầm phá bị khai thác quá mức nên số lượng tôm và cá bố mẹ tự nhiên ngày càng khan hiếm. Bà con hội viên của Chi hội nghề cá Hà Giang đồng sức, đồng lòng tự nguyện góp tiền mua 3 tạ cá dìa với kinh phí 7 triệu đồng để tái tạo nguồn lợi thủy sản, với mong muốn nguồn cá sinh sôi nảy nở, tạo sinh kế cho bà con ngư dân trong thời gian tới”.
Cần nâng cao ý thức
Theo thống kê từ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 69 chi hội nghề cá nuôi trồng, khai thác đầm phá và biển. Trước đây, quan điểm các cơ quan Nhà nước thả cá, tôm ra đầm phá, biển là điều kiện thuận lợi để bà con đánh bắt. Thế nhưng, sau nhiều đợt tái tạo, bà con đã thấy được lợi ích mang lại nên đến bây giờ việc tái tạo nguồn lợi thủy sản được cộng đồng ngư dân hưởng ứng cao; lộ trình tái tạo nguồn lợi thủy sản đã mang lại kết quả tốt.
Năm 2011, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thả cá dìa và tôm sú ở vùng đầm phá Tam Giang xã Điền Hải (Phong Điền), sau vài tháng cá dìa trưởng thành, sinh sôi nảy nở, đó là điều kiện thuận lợi giúp bà con nâng cao hiệu quả đánh bắt. Năm 2012, bà con hội viên của Chi hội Nghề cá thôn 8 xã Điền Hải cùng nhau góp tiền mua cá tiếp tục tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hoặc, một số chi hội nghề cá do đời sống của các hội viên còn thấp nên họ chưa có khả năng góp tiền mua cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhưng qua những đợt Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tổ chức tái tạo, ngư dân rất xông xáo, nhiệt tình, góp sức cho buổi thả cá ở đầm phá thành công. Đây là việc làm đầy ý nghĩa, giúp bà con ở vùng ven biển và đầm phá nâng cao ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Anh Nguyễn Văn Bôn cho biết thêm: “Trong quá trình thảo luận cho cộng đồng ngư dân, anh em chi cục ở địa phương này chia sẻ với địa phương kia. Hiện, cán bộ ở Phòng Quản lý Khai thác và Nguồn lợi thủy sản trăn trở tìm ý tưởng để giúp bà con ngư dân thành lập quỹ cố định để có nguồn vốn sử dụng cho việc tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm; góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống cho bà con hội viên”.
Có thể bạn quan tâm
Bước sang đầu tháng 10, tôm sú thương phẩm ở Cà Mau thiết lập mặt bằng giá mới khi tăng bình quân 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Đây cũng là mức giá cao nhất tính từ đầu năm đến nay
Ếch không chịu được rét, suốt mùa đông ếch ẩn nấp trong hang tránh rét, sang mùa xuân ấm áp mới đi lại kiếm ăn. Nên bắt đầu nuôi ếch từ mùa xuân, tháng 2-3 dương lịch
Tôm sú nuôi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... đã và đang chết trên diện rộng, mức độ thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Hàng chục ngàn hộ nuôi tôm như “ngồi trên đống lửa” khi tôm mới thả nuôi được chừng 2 - 3 tháng bỗng dưng lủi đầu vô mé chết hàng loạt