Giá / Mô hình kinh tế

Khó Mở Rộng Mạng Lưới Tiêu Thụ Rau An Toàn Ở Hà Nội

Khó Mở Rộng Mạng Lưới Tiêu Thụ Rau An Toàn Ở Hà Nội
Tác giả: 
Ngày đăng: 01/07/2012

Theo điều tra mới nhất của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tại Hà Nội, phần đông người tiêu dùng chấp nhận mua rau an toàn (RAT) với mức giá cao hơn rau thường từ 10% đến 20%, thậm chí đến 50%. Tuy nhiên, mạng lưới tiêu thụ RAT trên thị trường chưa được xây dựng ổn định và bền vững.

Tỷ lệ tiêu thụ thấp

Theo TS Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Chính sách chiến lược, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (ISARD), khu vực nội thành Hà Nội tập trung hơn 2,4 triệu người, với nhu cầu tiêu thụ rau khoảng 1.500 tấn/ngày. Mặc dù diện tích sản xuất RAT của Hà Nội đã được mở rộng nhưng sản lượng mới chỉ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu. Thực tế, theo khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội, RAT được tiêu thụ qua hợp đồng rất ít mà hầu hết nông dân tự tiêu thụ qua các tiểu thương. Trong số lượng RAT được tiêu thụ theo đơn đặt hàng thì có đến 70 - 75% cung cấp cho khách hàng lớn là các bếp ăn của bệnh viện, trường học, DN… còn lượng RAT tiêu thụ qua kênh bán lẻ tại các siêu thị, cửa hàng chỉ chiếm 25 - 30%.

Hiện Hà Nội có 22 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ RAT nhưng số lượng quá nhỏ so với nhu cầu. Đã có một số doanh nghiệp (DN) thực hiện liên kết với nông dân trong sản xuất, song kinh nghiệm và sự đầu tư cho khai thác thị trường chưa tốt nên chưa mở rộng được sản xuất. 

Dù số lượng RAT chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng song việc tiêu thụ RAT gặp rất nhiều khó khăn vì người dân chưa có niềm tin vào sản phẩm khi thực tế còn có sự nhập nhèm giữa RAT và rau đại trà. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật nhận định, do chưa có quy định bắt buộc người trồng rau, kinh doanh rau phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên khi phát hiện mẫu rau có dư lượng thuốc trừ sâu quá quy định cũng không thể truy xuất nguồn gốc để xử lý nơi sản xuất. Dù Hà Nội đã gắn nhãn nhận diện cho RAT nhưng mới ở diện tích nhỏ tại Văn Đức, huyện Gia Lâm và vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Hình thành mạng lưới tiêu thụ bền vững

Theo kết quả nghiên cứu về thương mại RAT tại Hà Nội do IPSARD, Viện Rau quả trung ương và chuyên gia Bộ Công thương phối hợp tổ chức, tiến hành tại 50 cơ sở kinh doanh tại các quận nội thành của Hà Nội cho thấy người kinh doanh RAT Hà Nội rất mong muốn mở rộng mạng lưới tiêu thụ RAT. Mặc dù số cơ sở sản xuất xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh RAT chiếm khoảng 48,98%, chứng tỏ mức độ chuyên nghiệp trong sản xuất RAT đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, có tới 62% cơ sở nhận thấy chủng loại RAT hiện đang được bày bán còn nghèo nàn, không đáp ứng được nhu cầu thay đổi các loại rau của người tiêu dùng nên cần tập trung phát triển thêm sản phẩm mới....

Để hỗ trợ cho các điểm bán RAT, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh, bổ sung một số điểm vào đề án sản xuất và tiêu thụ RAT. Trong đó, yêu cầu Sở Công thương xây dựng chợ đầu mối về tiêu thụ RAT trên địa bàn TP, bố trí hệ thống bán lẻ RAT ở khu vực nội thành. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội bố trí 80 - 90 điểm bán RAT trong hệ thống bán lẻ của mình; mỗi quận, huyện, thị xã bố trí từ 10 đến 12 điểm bán RAT trên địa bàn. Chi cục BVTV cũng đã tiếp nhận đề xuất của một số DN về mở rộng mạng lưới tiêu thụ RAT tại các trường học, khu chung cư. Sở NN&PTNT đã cho thành lập sàn giao dịch bán buôn nông sản an toàn để cung cấp các thông tin về sản phẩm này thông qua các giao dịch tại sàn bán buôn trực tuyến và trung tâm giao dịch bán buôn...

Tuy nhiên, để xúc tiến thương mại RAT tại Hà Nội, cần xây dựng và phát triển thương hiệu RAT đủ mạnh để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đặc biệt cần minh bạch hóa thị trường RAT để tạo điều kiện cho các DN và cơ sở sản xuất, kinh doanh RAT chân chính yên tâm sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định. Chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử trong kinh doanh RAT để giúp cho người tiêu dùng thuận tiện hơn trong việc mua rau hằng ngày.

Có thể bạn quan tâm

Sử Dụng Thức Ăn Công Nghiệp Trong Nuôi Lươn Thương Phẩm Ở Tân Châu (An Giang) Sử Dụng Thức Ăn Công Nghiệp Trong Nuôi Lươn Thương Phẩm Ở Tân Châu (An Giang)

Tại xã Vĩnh Xương, Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu (An Giang) tổ chức hội thảo “Sử dụng thức ăn công nghiệp trong mô hình nuôi lươn thương phẩm”. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu, quy trình nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn phần lớn sử dụng thức ăn tươi sống, như: Ốc, cua, cá...

01/07/2012
Nghịch Lý Trong Sản Xuất, Tiêu Thụ Sản Phẩm Chăn Nuôi Thiếu Chuỗi Liên Kết Nghịch Lý Trong Sản Xuất, Tiêu Thụ Sản Phẩm Chăn Nuôi Thiếu Chuỗi Liên Kết

Hiện có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi giá các loại thực phẩm từ thịt lợn, gà, trứng… xuất chuồng đều giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao. Nguyên nhân là các loại thực phẩm đã qua rất nhiều khâu trung gian mới có mặt trên thị trường.

01/07/2012
Nghêu Chết Hàng Loạt Chưa Rõ Nguyên Nhân Ở Tiền Giang Nghêu Chết Hàng Loạt Chưa Rõ Nguyên Nhân Ở Tiền Giang

Theo UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, từ tháng 2-2013 đến nay, nghêu nuôi ở khu vực biển Tân Thành có hiện tượng chết bất thường trên diện rộng, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho người dân nuôi nghêu. Theo nhiều người dân nuôi nghêu ở huyện Gò Công Đông, năm 2013, hoạt động nuôi nghêu của bà con ven biển Tân Thành gặp nhiều khó khăn do nghêu ốm, nhiều cát, giá nghêu sụt giảm mạnh trong khi nghêu nuôi các tỉnh phía Bắc liên tục đổ vào Nam với giá cả rẻ hơn cả nghêu nuôi tại địa phương. Trong vài tháng nay, giá nghêu thương phẩm chỉ ở mức 19.000-21.000 đồng/kg, giảm 10.000-12.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Đến khi nghêu chết, thương lái không mua hoặc mua với số lượng ít, nên người nuôi nghêu khó có thể thu hoạch để chạy bệnh.

01/07/2012