Ngư Dân Mang “Lộc Biển” Về Đất Liền

Sau gần một tháng trời lênh đênh, đón giao thừa trên biển, hàng chục tàu cá của ngư dân Phú Yên đã tấp nập về bến ngày 24-1 (mùng 2 tết, mang theo “lộc biển” đầu năm: hàng trăm tấn cá ngừ đại dương.
Trong hai ngày đầu năm mới, tại cảng cá phường 6 và Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên) hàng trăm tàu câu cá ngừ đại dương lần lượt vào bến, mang theo gần 100 tấn cá ngừ đại dương. Bình quân mỗi tàu đánh bắt được 20-30 con, tương đương 1-1,5 tấn/tàu.
Ngư dân Trần Văn Xếp (phường 6, TP Tuy Hòa) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có hai tàu, hiện đã có một tàu vào bến. Với hơn 1,5 tấn cá đánh bắt được trong chuyến đầu tiên trong năm, tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Đây là số tiền rất có ý nghĩa trong ngày đầu năm. Chiếc thứ hai đang trên đường về còn “thắng” hơn chiếc này".
Cùng chung niềm vui với ông Xếp, ông Mai Thanh Minh chủ tàu PY-92628 TS cho hay: “Tàu tôi đi chuyến này mất gần một tháng và câu được hơn 1,5 tấn cá ngừ đại dương. Hiện cá ngừ xuất hiện nhiều, tôi dự tính cho anh em nghỉ ngơi, chơi tết vài ngày và chuẩn bị vật tư, lương thực thực phẩm cho một chuyến sắp tới, không bỏ lỡ cơ hội”.
Theo bà Nguyễn Thị Xinh, chủ doanh nghiệp tư nhân thu mua cá ngừ Khải Vỹ, chỉ riêng ngày mồng 2 tết, đã mua được gần 10 tấn cá loại một, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và khoảng 10 tấn loại hai cung cấp các doanh nghiệp chế biến trong nước.
Để giải phóng nhanh tàu cho ngư dân, doanh nghiệp đã huy động tối đa nhân công và bốn xe đông lạnh, cấp tốc cân, vận chuyển cá để bà con tranh thủ thời gian ăn tết, sớm quay lại biển.
“Trong hai ngày đầu năm, doanh nghiệp của tôi đã nhập gần 20 tấn cá ngừ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Số cá trên đã được chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong nước”, ông Lê Văn Lợi, chủ doanh nghiệp thu mua cá ngừ Lợi Anh cũng cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao và bù đắp một phần tổn thất trong vụ mía vừa qua, trong niên vụ mía 2011-2012, nông dân vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp tập trung phát triển diện tích rau màu ngắn ngày xen với cây mía, đây được xem là mô hình “lấy ngắn nuôi dài” mang lại hiệu quả cao.

Những cơn mưa lớn xuất hiện đột ngột trong những ngày qua làm môi trường ao nuôi tôm biến động, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài vi khuẩn, vi-rút phát triển gây bất lợi cho tôm nuôi, đặc biệt ở loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các loại bệnh lạ xuất hiện và phát sinh trên diện rộng như bệnh gan tụy.

Qua 10 năm đầu tư chăn nuôi heo, chị Nguyễn Dương (thôn Di Đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) rút ra kinh nghiệm: Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, muốn thoát nghèo, làm giàu phải từ chăn nuôi.