Giá / Mô hình kinh tế

Mở Rộng Diện Tích Trồng Màu Xen Mía

Mở Rộng Diện Tích Trồng Màu Xen Mía
Tác giả: 
Ngày đăng: 10/02/2012

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao và bù đắp một phần tổn thất trong vụ mía vừa qua, trong niên vụ mía 2011-2012, nông dân vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp tập trung phát triển diện tích rau màu ngắn ngày xen với cây mía, đây được xem là mô hình “lấy ngắn nuôi dài” mang lại hiệu quả cao.

 
Trong năm 2011, do ảnh hưởng của nước lũ nên nhiều diện tích lúa, mía, cây ăn trái của nông dân Hậu Giang bị ngập sâu trong nước. Đặc biệt, ở vùng nguyên liệu mía huyện Phụng Hiệp, nếu như các năm trước, sau khi thu hoạch xong vụ mía, bà con tranh thủ xuống giống một vụ lúa liếp, còn năm qua hầu như không xuống giống được vì bị ngập nước khá sâu. Do đó, diện tích lúa Đông xuân 2011-2012 trên liếp của huyện giảm đi khá nhiều (khoảng 4.200ha). Để bù đắp lại diện tích lúa trên nền liếp mía đã mất, hiện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh cùng chính quyền địa phương đang vận động bà con trồng hoa màu xen với cây mía ngay đầu vụ sản xuất nhằm tăng thêm nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.Theo kế hoạch, trong niên vụ mía 2011-2012, toàn huyện Phụng Hiệp sẽ trồng khoảng 1.100ha hoa màu ngắn ngày xen với cây mía, tăng 530ha so với cùng kỳ năm trước, các giống màu chủ yếu như: bầu, mướp, bí, bắp, dưa leo, khổ qua,… Theo tính toán của người dân, một công mía trồng xen rau màu, qua gần 2 tháng chăm sóc, sau khi thu hoạch cho lợi nhuận từ 1,5-3 triệu đồng. Tuy số tiền không lớn, nhưng phần nào giúp người dân san sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Đây được xem là mô hình “lấy ngắn nuôi dài” mang lại nhiều kết quả khả quan và đang được các địa phương nhân rộng. Ông Mai Thanh Rồi, nông dân trồng mía ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Năm nay, gia đình tôi đã dành toàn bộ 14 công mía để trồng màu, mô hình trồng màu xen với mía nhằm tăng nguồn thu nhập trên cùng một diện tích canh tác đã được người dân nơi đây biết đến từ lâu và tùy theo điều kiện lao động của mỗi gia đình mà diện tích trồng ít hay nhiều. Riêng năm nay, tại ấp Quyết Thắng B, nhà nào cũng trồng màu xen mía, một mặt được chính quyền địa phương vận động, mặt khác qua nhiều năm sản xuất người dân thấy đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn trồng để có tiền xoay xở”.
 Năm nay, việc mở rộng nhiều diện tích trồng màu xen với mía nên vấn đề đầu ra của sản phẩm đang là điều trăn trở của bà con nông dân. Anh Nguyễn Văn Đời, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng màu xen với mía ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, bộc bạch: “Mọi năm, thị trường đầu ra của rau màu rất thuận lợi, tuy có lúc giá cả hơi bấp bênh, nhưng người dân không mấy lo lắng. Còn năm nay, bà con mở rộng trồng thêm diện tích nên tôi đang lo tới đây khi mặt hàng cung ứng dồi dào thì đầu ra sẽ gặp trở ngại. Bên cạnh nỗi lo về thị trường đầu ra, bà con nơi đây đang mong các ngành, các cấp có chính sách hỗ trợ về cây, con giống để giúp nông dân vượt qua khó khăn để an tâm sản xuất vụ mía mới”.
 Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho hay, đến thời điểm này, nông dân đã cơ bản xuống giống xong diện tích trồng màu xen với mía trong vụ mía 2011-2012. Để giúp bà con giảm một phần chi phí trong sản xuất và thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện đang lập danh sách những hộ trồng màu để có chính sách hỗ trợ lại tiền mua hạt giống cho bà con. Năm nay, diện tích trồng màu xen với mía trên địa bàn huyện tăng khá nhiều so với các năm trước, nên ngay từ đầu vụ sản xuất ngành đã vận động bà con trồng đa dạng hóa các mặt hàng nhằm tránh tình trạng dội chợ, bị thương lái ép giá. Đồng thời, để có được vụ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành cũng khuyến cáo nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh, bón phân, tưới nước hợp lý để cây phát triển tốt. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV phải thận trọng, đúng quy tắc để nông sản an toàn cho người sử dụng, tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm. Đặc biệt, theo dõi chặt thị trường để có hướng sản xuất hợp lý, cung ứng đúng nhu cầu của thị trường cần để thu được lợi nhuận cao.


Có thể bạn quan tâm

Công Bố Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Sóc Trăng Công Bố Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Sóc Trăng

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành quyết định công bố dịch bệnh trên tôm nuôi tại 3 huyện, thị xã gồm: Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Đây là các đơn vị có tỷ lệ tôm bị bệnh và chết nhiều nhất tỉnh với hơn 50% diện tích thả nuôi. Trước khi công bố dịch ở 3 huyện, thị xã này, tỉnh Sóc Trăng cũng đã công bố dịch tại các xã Hòa Đông, Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu), Liêu Tú và Trung Bình (của huyện Trần Đề) và một số xã tại huyện Mỹ Xuyên.

10/02/2012
Bất Chấp Khuyến Cáo, Hàng Trăm Hộ Dân Có Nguy Cơ Mất Trắng Bất Chấp Khuyến Cáo, Hàng Trăm Hộ Dân Có Nguy Cơ Mất Trắng

Trước cảnh “lúa trúng mùa, rớt giá” như hiện nay nhiều nông dân đang “rầu thúi ruột” nhưng có người ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lại xuống giống vụ 3 ngoài chủ trương của chính quyền địa phương để tăng sản lượng lúa và nâng cao thu nhập bất chấp nước lũ từ thượng nguồn đang đổ về… Chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp “cứu” hàng trăm hộ dân này.

10/02/2012
Nông Dân Thu Lãi Khá Nhờ Trồng Lúa Chất Lượng Cao Nông Dân Thu Lãi Khá Nhờ Trồng Lúa Chất Lượng Cao

Vụ lúa hè thu năm nay, nông dân Sóc Trăng đã thu hoạch được trên 50% diện tích trên tổng diện tích gần 200.000 ha xuống giống. Giá lúa năm nay thấp hơn trung bình khoảng 500 đồng/kg so với vụ lúa hè thu năm trước. Nếu trồng loại lúa thường thì sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi không đáng kể. Tuy nhiên, với những hộ làm lúa giống chất lượng cao, lúa đặc sản thì lợi nhuận vẫn đạt trên 30% so với giá thành sản xuất.

10/02/2012