Nghịch Lý Trong Sản Xuất, Tiêu Thụ Sản Phẩm Chăn Nuôi Thiếu Chuỗi Liên Kết
Hiện có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi giá các loại thực phẩm từ thịt lợn, gà, trứng… xuất chuồng đều giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao. Nguyên nhân là các loại thực phẩm đã qua rất nhiều khâu trung gian mới có mặt trên thị trường.
Người chăn nuôi khóc, thương lái cười
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), khoảng một tuần nay, giá các loại thực phẩm có tăng chút ít nhưng vẫn ở ngưỡng… người nuôi lỗ. Hiện giá lợn hơi tại miền Bắc dao động từ 39.000 đến 40.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp khoảng 32.000 - 33.000 đồng/kg… Chị Nguyễn Thu Thủy, chủ trang trại (TT) chăn nuôi lợn (Chương Mỹ) cho biết, hiện giá lợn hơi nhích lên được 1-2 giá (khoảng 40.000 đồng/kg), tuy nhiên với giá này người nuôi vẫn lỗ 500.000 đồng/1 tạ lợn. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trong khi giá lợn liên tục giảm thì giá thức ăn chăn nuôi lại tăng tới 6, 7 đợt, mỗi đợt tăng khoảng 200-300 đồng/kg. Không những thế, giá điện, nhân công… đều tăng nên việc chăn nuôi càng khó khăn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại (Ba Vì) cho biết, trước đây xã có 170 TT chăn nuôi gà, sau một thời gian thua lỗ đến nay chỉ còn 70 TT hoạt động cầm chừng. Giá càng rẻ, thương lái càng ép người nuôi và mua với mức độ nhỏ giọt. Nếu như thời điểm giá cao, thương lái chỉ bắt trong 2-3 ngày là hết khoảng 5.000 con gà của một TT nhưng nay, thời gian thu gom tới 10 ngày và giá tính theo ngày. Mặc dù bị thương lái chèn ép về giá nhưng người nuôi vẫn phải chấp nhận do phụ thuộc hoàn toàn vào họ.
Trong khi người nuôi đang khốn đốn vì thua lỗ thì thương lái vẫn ung dung thu lợi. Mặc dù trên thực tế giá lợn, gà xuất ra tại TT rất rẻ nhưng người tiêu dùng vẫn chịu giá cao. Chị Đỗ Thị Hiền, bán thịt lợn tại chợ Hà Đông, cho biết, sau khi lấy thịt lợn ở các lò mổ về bán tại chợ này, trung bình một ngày lãi 500.000 - 1 triệu đồng. Không chỉ người bán thịt tại chợ có lãi mà những người chuyên thu gom lợn, gà trong dân bán cho các lò mổ cũng lãi một khoản tương đối.
Anh Bùi Văn Điệp, ở huyện Thanh Oai, cho biết, mỗi con lợn mua ở trong dân bán lại cho các lò mổ, anh lãi được 100.000 -200.000 đồng. Điều này cho thấy, có nhiều khâu trung gian từ sản xuất tới người tiêu dùng và qua mỗi khâu, giá thực phẩm bị "thổi" lên rất nhiều so với giá mua tại chuồng. Hậu quả, người chăn nuôi không thể trụ vững vì thua lỗ, trong khi người tiêu dùng vẫn è cổ mua giá cao.
Tăng cường mối liên kết
Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, do người chăn nuôi chưa biết cách liên kết với nhau để chủ động "đầu vào" và "đầu ra" của sản phẩm mà hoàn toàn phụ thuộc thương lái nên xảy ra nghịch lý người chăn nuôi liên tục thua lỗ vì giá xuất chuồng giảm còn người tiêu dùng chịu thiệt vì mua thực phẩm giá cao. Để người chăn nuôi có lãi mà người tiêu dùng không thua thiệt, Nhà nước luôn khuyến khích người dân nuôi theo mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ.
Hiện nay, trung tâm đang hỗ trợ một số TT xây dựng mô hình chăn nuôi theo chuỗi an toàn như chuỗi trứng sạch của Công ty cổ phần Tiên Viên (Chương Mỹ)… Qua chuỗi liên kết này, không những chất lượng sản phẩm được bảo đảm mà người nuôi cũng không còn phải lo lắng về "đầu ra" và hạn chế được các khâu trung gian. Các chủ TT chăn nuôi đề nghị, ngoài việc quy hoạch các lò mổ tập trung ở các vùng, Nhà nước nên hỗ trợ các TT chăn nuôi quy mô lớn xây dựng lò mổ nhỏ bảo đảm an toàn vệ sinh.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để người chăn nuôi và người tiêu dùng đều có lợi và hạn chế được các khâu trung gian, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì người chăn nuôi cần tự cứu mình, tìm cách hạ giá thành sản xuất.
Các hộ, chủ trang trại nên pha chế, tự phối trộn thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ, liên kết thành các tổ hợp sản xuất để chủ động trong việc tìm đối tác, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm trong và ngoài nước. Mặt khác, Nhà nước cần tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thị trường để người chăn nuôi có định hướng đầu tư (từ quy mô TT đến số lượng đầu con cho hợp lý).
Có thể bạn quan tâm
Tiền Giang có hơn 550.000 con heo và sản lượng thịt hơi hằng năm cung cấp cho thị trường trên 120.000 tấn. Tuy nhiên, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh một thời gian dài, khiến nông dân chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thua lỗ nặng, nhiều hộ không còn khả năng tái đầu tư đành ngậm ngùi "treo chuồng".
Củ Chi huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa của thành phố. Củ Chi có tổng đàn bò 74.430 con trong đó số lượng bò sữa 58.700 con được nuôi nhiều tại các xã An Phú, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng, Phạm Văn Cội…
Trở về từ chiến trường Campuchia sau năm 1982, anh Phạm Hiền ở thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), chỉ có hai bàn tay trắng nay đã có một cơ ngơi khá giả, là một trong những tấm gương điển hình của địa phương vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.