Nghề Trồng Ấu Gặp Khó Khăn

Nhiều năm qua, người dân thuộc ấp An Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) chọn cây ấu làm cây trồng cải thiện thu nhập vào mùa nước nổi.
Những cánh đồng ấu không ngừng gia tăng diện tích. Chỉ riêng ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò đã có hàng trăm hécta mặt nước được trồng ấu. Với 4 công đất ruộng nằm gần quốc lộ 80, vào mùa nước nổi, vợ chồng anh Lê Phước Dũng ngụ ấp An Nhơn, xã Long Hưng B đã trồng và bán hàng trăm giạ ấu trái. Giống ấu mà vợ chồng anh đang trồng là ấu Đài Loan. Với kinh nghiệm trồng ấu lâu năm, anh Dũng cho biết, trồng ấu đầu tư công sức, phân thuốc nhiều hơn trồng lúa, nhưng thu nhập cao hơn nên bà con chuộng trồng ấu.
Theo anh, quy trình trồng ấu như sau: Khi thu hoạch lúa hè thu xong, sử dụng máy xới trục đất rồi khai nước để cấy ấu giống, (rải củ ấu già xuống ươm). Vài hôm sau, khi ấu mọc lên trên nước, thân như cọng bông súng, sau đó nhổ củ ấu đem giậm lên đất ruộng, khi ấu nở lên khoảng 5 - 7 buội thì đem trồng lên cả ruộng. Mỗi buội ấu cách nhau từ 1 - 1,5m, một công có thể trồng được khoảng 800 buội ấu.
Trồng ấu cũng phải xịt thuốc trừ sâu, tưới phân như trồng lúa. Ít người nắm vững kỹ thuật trồng ấu để cho ấu trúng mùa, nên phần lớn là trông cậy vào thiên nhiên. Sau 3 tháng trồng có thể thu hoạch, từ 7 - 10 ngày hái ấu 1 lần. Cây ấu sẽ ít củ dần và tàn lụi sau 6-7 đợt thu hoạch.
Hiện giá ấu sống khoảng 5.000 đồng/kg, ấu đã nấu chín có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Những năm trước, sau khi thu hoạch trừ chi phí người trồng ấu còn lời khoảng 4 - 5 triệu đồng/công. Năm nay, tình hình trồng ấu không thuận lợi bằng mọi năm, năng suất giảm chỉ còn 50%, giá ấu thấp nên số tiền lời chỉ còn bằng nửa năm ngoái. Nguyên nhân giảm năng suất là do ấu trồng lâu năm nên bị thoái hóa, mắc bệnh nhiều. Hơn nữa, ấu là mặt hàng độc quyền của các công ty Đài Loan, chính vì vậy đã xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu và giá ấu ngày càng giảm dần theo mỗi năm.
Thời gian qua, nghề trồng ấu cũng giải quyết được vấn đề lao động nông thôn. Bà con nông dân theo nghề đều mong chính quyền địa phương quan tâm đến việc lai tạo giống ấu, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cách phòng bệnh trên cây ấu và tạo điều kiện cho sản phẩm đến với thị trường, tiêu thụ thuận lợi hơn.
Có thể bạn quan tâm

Cuối tuần qua, nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai, TP. HCM và khu vực ĐBSCL cho biết, giá heo hơi hiện chỉ còn xấp xỉ 40.000 đồng/kg. Không chỉ heo hơi giảm giá, nhiều chủ trại heo giống cũng “than ngắn thở dài” khi cả tháng trở lại đây, họ không bán heo con ra được mặc dù giá đã liên tục giảm sâu.

Hằng năm, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hàng ngàn ha rơm phải bỏ tại ruộng hoặc rải rác tại các cặp bờ kênh. Lũ về, những hạt lúa còn sót lại trôi theo dòng nước tứ tán rơi đều trên mặt ruộng, nằm im trong lòng đất chờ cơ hội phát triển thành lúa von. Còn những đống rơm, trôi lênh đênh trên mặt nước, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm cản trở giao thông đường thủy. Có không ít nông dân cũng đã tận dụng nguồn rơm dư thừa này để trồng nấm.

Sóc Trăng là một trong 5 tỉnh ở ĐBSCL (gồm Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau) triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 - 2013 trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên dịch bệnh tôm vẫn diễn biến phức tạp, tôm chết nhiều, dẫn tới thủ tục đền bù thiệt hại gặp rắc rối.