Giá / Tin thủy sản

Nghệ An: Nuôi cá trắm giòn và chép giòn bằng thức ăn đậu tằm

Nghệ An: Nuôi cá trắm giòn và chép giòn bằng thức ăn đậu tằm
Tác giả: Vũ Xuân Nam - Trạm Khuyến nông TP Vinh, Nghệ An
Ngày đăng: 29/06/2017

Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2016, Trạm Khuyến nông TP Vinh đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá trắm giòn và cá chép giòn bằng thức ăn đậu tằm trong ao đất tại xã Hưng Lộc.

So với phương pháp nuôi cá truyền thống trước đây, phương pháp này chất lượng thịt cá cải thiện rất nhiều, thịt cá dai, giòn, không có mùi tanh như các loại cá nuôi bằng thức ăn thông thường dẫn tới thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt. Khi cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp đạt trọng lượng 1 kg/con trở lên thì tiến hành nuôi bằng thức ăn đậu tằm.  

Trạm khuyến nông TP Vinh đã thống nhất chọn hộ ông Nguyễn Văn Khai (xóm Hòa Tiến - xã Hưng Lộc) để thực hiện mô hình với quy mô 1.500 m2; thả 700 cá trắm và 350 cá chép. Trong quá trình triển khai tuy có gặp một vài khó khăn nhưng  hộ dân tham gia mô hình tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá nên tỷ lệ sống cao (95%), cỡ cá trắm đạt 3,1 kg/con, cá chép đạt 2,1 kg/con, năng suất thu hoạch cao.

Sau 5 tháng nuôi, tổng sản lượng thu hoạch là 2.759,75 kg; trong đó, sản lượng cá trắm thu 2061,5 kg, trọng lượng bình quân 3,1 kg/con, cá chép 698,25 kg, trọng lượng bình quân 2,1 kg/con; với giá bán bình quân cho cả vụ nuôi là 100.000 đồng/kg, số tiền thu về 275.975.000 đồng. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí mua cá giống, thức ăn, thuốc chế phẩm nuôi cá, công chăm sóc và chi khác lãi ròng 83.545.000 đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi, ông Khai cho biết, trước hết phải cải tạo ao đầm theo đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống đảm bảo có chất lượng tốt để đạt được tỷ lệ sống cao tránh hao hụt, cỡ cá giống thả ban đầu 1 kg/con, mật độ thả phù hợp nhất là 0,7 con/m2, thời vụ nên thả nuôi vào tháng 4 - 5 kéo dài đến tháng 10 - 11. Ngoài ra, thức ăn chính cho cá cá trắm, chép giòn bằng thức ăn đậu tằm là để tạo độ giòn, dai thịt của cá. Trước khi cho cá trắm ăn, cần ngâm hạt đậu tằm với nước và pha ít muối, trong thời gian 12 - 14h; sau đó, vớt đậu tằm ra, rửa qua nước ngọt, bỏ vào bì ủ cho đến khi nứt mầm thì mới cho cá ăn. Trong giai đoạn đầu, cho cá ăn hoàn toàn bằng đậu tằm. Lượng thức ăn hàng ngày của cá được tính theo 3 - 2% tổng trọng lượng cá nuôi trong ao, mỗi ngày cho cá ăn 1 lần. Dùng nhá để điều chỉnh lượng thức ăn, nhá được làm từ khung sắt có đường kính 80 cm, rộng 3 - 4 m2, chiều cao đáy 25 - 30 cm, đặt ở đáy ao. Nhá được vây xung quanh 1 lớp lưới để giữ cho đậu không bị trôi ra ngoài. Trong suốt quá trình dùng nhá, phải định kỳ kiểm tra, vệ sinh tối thiểu 4 lần/tháng để phòng bệnh cho cá.


Có thể bạn quan tâm

Cần Thơ: Hiệu quả nuôi cá tra của HTX Thắng Lợi Cần Thơ: Hiệu quả nuôi cá tra của HTX Thắng Lợi

Tạo sản lượng lớn để thuận lợi trong ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.Trong đó, hoạt động sản xuất cá tra có nhiều triển vọng

29/06/2017
Sóc Trăng: Khá lên nhờ tôm - lúa Sóc Trăng: Khá lên nhờ tôm - lúa

Hiện nay, gia đình ông Khai vẫn sản xuất tôm - lúa với 2 ha, riêng nuôi tôm cả sú lẫn thẻ chân trắng một năm lời hơn 100 triệu đồng.

29/06/2017
Xuất khẩu thủy sản: Tăng trưởng trong gian khó Xuất khẩu thủy sản: Tăng trưởng trong gian khó

Mặc dù phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhưng 5 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu thủy sản vẫn thu được nhiều kết quả tích cực

29/06/2017