Giá / Tin thủy sản

Cần Thơ: Hiệu quả nuôi cá tra của HTX Thắng Lợi

Cần Thơ: Hiệu quả nuôi cá tra của HTX Thắng Lợi
Tác giả: Bảo Bình
Ngày đăng: 29/06/2017

HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi (HTX Thắng Lợi) được thành lập vào năm 2010. Mục đích tạo sản lượng lớn để thuận lợi trong ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Trong đó, hoạt động sản xuất cá tra có nhiều triển vọng.

Ảnh: Duy Khương 

HTX Thắng Lợi có 44 xã viên, trong đó 12 xã viên nuôi cá tra, còn lại 33 xã viên tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác (lúa và rau màu). Với 12 xã viên nuôi thủy sản, có tổng diện tích ao nuôi và hạ tầng phục vụ hơn 200.000 m2, bình quân mỗi thành viên có diện tích ao nuôi gần 22.000 m2.

Theo Ban quản lý - Điều hành HTX Thắng Lợi, năm 2014 sản lượng sản xuất và tiêu thụ cá tra của HTX đạt 5.300 tấn, đến năm 2016 đạt 6.670 tấn và dự kiến năm 2017 cũng đạt từ mức 6.600 tấn trở lên. Doanh thu của HTX cũng tăng từ 116 tỷ đồng (năm 2014) lên hơn 137,47 tỷ đồng (năm 2016), với thu nhập bình quân của hộ xã viên nuôi cá (gồm 2 lao động) được nâng theo từng năm từ 345 triệu đồng lên 370 triệu đồng (năm 2016).

Để đạt được hiệu quả này, Ban lãnh đạo HTX đã luôn năng động, nhanh nhạy tìm hiểu thị trường (đây là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của HTX). Cùng đó, HTX luôn phát huy sức mạnh hợp tác tương hỗ lẫn nhau, tạo cơ hội cho từng thành viên nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như nâng cao sức mạnh của HTX trong quan hệ với các đối tác. Ngoài ra, HTX còn tranh thủ khá tốt các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị trong và ngoài nước để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến các thành viên. Qua đó, giúp nông dân nắm bắt, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý trong quá trình sản xuất, giảm rủi ro.

Với sản xuất cá tra, nếu như trước đây, HTX thực hiện ký hợp đồng với Tập đoàn Sao Mai - An Giang theo phương thức giá cố định, với điều kiện giá thị trường lúc thu hoạch cá nếu giảm doanh nghiệp vẫn phải mua theo giá đã ký, còn giá tăng thì doanh nghiệp cho người dân hưởng thêm 50% mức tăng. Hình thức này có nhiều ưu điểm nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế, nhất là khả năng người nuôi cá thiếu vốn để sản xuất. Sau đó, HTX đàm phán, ký lại hợp đồng mới theo phương thức doanh nghiệp cung cấp thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. HTX chỉ tổ chức nuôi, giao sản phẩm cho công ty và hưởng giá trị trên cơ sở sản lượng và phần chi phí do tiết kiệm trong quá trình nuôi. Cách làm mới này giúp các xã viên HTX không phải đầu tư vốn nhiều, ít rủi ro. Qua 4 năm triển khai, người nuôi cá có thu nhập khá ổn định, dao động trong khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg cá, tùy điều kiện của từng hộ nuôi.

>> Đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, để phát triển cá tra bền vững, những người nuôi nhỏ lẻ phải liên kết thành những HTX với vùng nuôi theo đúng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Còn như hiện nay, toàn vùng có 4.785 ao nuôi cá tra thương phẩm, nhưng chỉ có 32 ao nuôi của HTX hoặc tổ hợp tác. Qua đó cho thấy, sản xuất manh mún và khó áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật nuôi lươn không bùn Kỹ thuật nuôi lươn không bùn

Nuôi lươn không bùn khắc phục được những hạn chế của mô hình nuôi lươn truyền thống và khả năng thâm canh cao đáp ứng yêu cầu của nhà nông.

29/06/2017
Nhu cầu dinh dưỡng của tôm bố mẹ và ấu trùng Nhu cầu dinh dưỡng của tôm bố mẹ và ấu trùng

Nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của tôm bố mẹ; Nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng và thức ăn cho giai đoạn ấu trùng và hậu ấu trùng; Quản lý chất lượng nước

29/06/2017
Nhân rộng mô hình nuôi sò huyết Nhân rộng mô hình nuôi sò huyết

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn huyện Cái Nước, tỉnh tỉnh Cà Mau có hơn 600 ha sò huyết được nuôi xen canh trong vuông tôm quảng canh truyền thống

29/06/2017