Prices / Mô hình kinh tế

Ngành Chăn Nuôi Trước Những Khó Khăn Kép

Ngành Chăn Nuôi Trước Những Khó Khăn Kép
Author: 
Publish date: Wednesday. March 30th, 2011

Năm 2011, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng 7,5-8% so với năm 2010, chiếm tỷ trọng 30-32% trong nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng cao, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nguy cơ người chăn nuôi bỏ chuồng đang trở thành thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành.

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), mới bước vào những tháng đầu năm nhưng ngành chăn nuôi đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Đầu tiên phải kể đến tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không ngừng gia tăng. Trong 3 tháng qua, cả nước có tới 70.000 con trâu, bò bị chết rét; hàng nghìn con gia súc, gia cầm phải tiêu hủy vì dịch lở mồm long móng và cúm gia cầm.

Song ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành hiện nay là giá các mặt hàng TĂCN tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi. Cụ thể, năm 2009, giá TĂCN hỗn hợp gà thịt bình quân 7.125 đồng/kg; năm 2010 là 8.163 đồng/kg thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011, đã tăng lên 9.772 đồng/kg, tăng 24,6% so với năm 2010; giá TăCN hỗn hợp của lợn thịt từ 5.896 đồng/kg năm 2009 lên mức 8.596 đồng/kg trong 3 tháng đầu năm 2011, tăng gần gấp đôi.

Theo ông Dương, sở dĩ giá TĂCN tăng mạnh là bởi tất cả các nguyên liệu đầu vào đều tăng: ngô hiện lên tới 7.300 đồng/kg, tăng 35,5% so với năm 2010; cám gạo 6.500 đồng/kg, tăng 21,3%. Những năm gần đây, ngành chế biến TĂCN nước ta đã chuyển dần một phần nguyên liệu ngô sang thay thế bằng sắn, với mục đích tăng sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu sắn hàng năm đều tăng mạnh, hiện giá lên tới 5.800 đồng/kg, tăng 36% so với năm ngoái.

Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết, công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất TĂCN trong nước hiện đạt 14 triệu tấn. Năm 2010, cả nước sản xuất được 7.392 triệu tấn thức ăn hỗn hợp và 1.036 triệu tấn thức ăn đậm đặc, song mỗi năm vẫn phải chi tới 2 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN phân tích, việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu khiến các doanh nghiệp TĂCN luôn bị động, chịu rủi ro cao bởi phải sử dụng ngoại tệ mạnh, trong khi hiện nay giá vàng, đồng USD đang mất ổn định, khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại không nhỏ.

Ưu tiên giảm thuế

Về lý thuyết, chi phí đầu vào tăng tỷ lệ thuận với sản phẩm bán ra, nhưng trên thực tế, việc tăng giá TĂCN lại gây tác động ngược lại. Chính sự tăng giá “ghê gớm” của nó đã làm không ít người chăn nuôi phải “treo” chuồng vì không có vốn

Anh Nguyễn Văn Hiền ở xã Xuân Thu (Sóc Sơn – Hà Nội), chủ trang trại nuôi 500 con gà lai phân bua: “Giá các sản phẩm chăn nuôi đang tăng cao, tuy nhiên lợi nhuận lại rơi vào tay thương lái, còn người chăn nuôi hầu như không có gì. Năm ngoái, cám giá 190.000-230.000 đồng/bao, nay đã vọt lên 255.000 đồng/bao, trong khi giá gà bán ra không thay đổi, chỉ đạt 48.000 đồng/kg. Càng chăn nuôi càng lỗ”.

Hiện, xu hướng chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp đang được quan tâm, trong khi đó, chăn nuôi nông hộ giảm dần. Cả nước hiện có trên 20.800 trang trại, tăng 18% so với năm 2009. Do đó, chăn nuôi ngày càng phụ thuộc nhiều vào TĂCN công nghiệp.

Ông Lịch cho biết, nước ta đang thiếu nguyên liệu chế biến TĂCN trầm trọng, phải nhập tới 60% ngô, cám, bột cá, khô đậu tương... Quỹ đất của nước ta mới chỉ tính đến cân đối lương thực cho người và xuất khẩu, chưa tính tới phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nên việc thiếu nguyên liệu sẽ còn kéo dài. Các doanh nghiệp vì thế đều phải chủ động nhập khẩu, tự lo liệu thị trường, chịu rủi ro và khó mở rộng kinh doanh nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, Chính phủ cần có những chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp vay vốn, mua USD... để phát triển ngành chế biến TĂCN, góp phần giảm giá thành sản xuất, chia sẻ gánh nặng với nông dân.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đoàn Trọng Lý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu chia sẻ, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần hoạch định mục tiêu trồng sắn để đáp ứng nhu cầu trong nước, không nên phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Để bình ổn giá TĂCN, ngoài việc giảm thuế, Chính phủ cần chỉ thị cho các cảng ưu tiên cho tàu chở nguyên liệu TĂCN được vào bốc dỡ hàng trước.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi kiến nghị, Chính phủ giảm thuế nhập khẩu ngô và lúa mỳ từ 5% xuống còn 0%; giảm thuế nhập khẩu TĂCN thành phẩm từ 3% xuống 0%. Đồng thời, tăng thuế xuất khẩu sắn từ 5% lên 10%, ưu tiên cho nhu cầu trong nước. Song song với đó, các ngân hàng cũng cần ưu tiên cho doanh nghiệp được mua đủ ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu TĂCN.


Related news

Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Thep Phương Pháp Sinh Học Đạt Hiệu Quả Cao Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Thep Phương Pháp Sinh Học Đạt Hiệu Quả Cao

Về thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, hỏi những người nuôi tôm ai cũng biết anh Phạm Sơn, người nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả nhất của xã Cẩm Thanh nói riêng và thành phố nói chung trong hai năm qua. Một trong những bí quyết thành công của anh là nuôi tôm thẻ theo phương pháp sinh học, hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất trong quá trình nuôi, một hướng nuôi tôm bền vững đang được ngành nông nghiệp khuyến cáo.

Wednesday. March 30th, 2011
Thoát Nghèo Từ Mô Hình Trang Trại Thoát Nghèo Từ Mô Hình Trang Trại

Những năm gần đây, ở xã miền núi huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định không ít nông dân tận dụng tốt tiềm năng đất đai để đầu tư sản xuất và đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó có chị Huỳnh Thị Sương ở thôn Định An, thị trấn Vân Canh.

Wednesday. March 30th, 2011
Nuôi Cá Bống Tượng Xóa Nghèo Nuôi Cá Bống Tượng Xóa Nghèo

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong những năm gần đây ở xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều gia đình khá lên nhờ mô hình nuôi cá bống tượng trong lồng bè. Trong số đó phải kể đến anh Lương Ngọc Hải - một trong số những người đầu tiên nuôi cá bống tượng.

Wednesday. March 30th, 2011