Prices / Tin nông nghiệp

Nếu không nuôi lợn thì nông dân làm gì?

Nếu không nuôi lợn thì nông dân làm gì?
Author: Nguyễn Lân Hùng
Publish date: Wednesday. September 20th, 2017

Tôi tới dự hội thảo của Bộ NN-PTNT về tình hình sản xuất, tiêu thụ thịt lợn thời gian qua và một số biện pháp ổn định, phát triển chăn nuôi lợn thời gian tới.

Nhiều hộ dân ở Bến Tre nuôi bò sữa khấm khá

Qua hội thảo mới biết, cả nước đã chung tay để chúng ta vượt qua được biến cố bất thường và đột xuất trong thời gian vừa qua với đàn lợn của nước mình.

Từ Thủ tướng tới tận người dân đều đồng lòng và quyết tâm chung sức giải cứu cho đàn lợn. Mọi việc đã dần dần được ổn định. Nhưng, cách nào để đảm bảo cho sự an toàn và chắc chắn lâu dài thì… ta phải bàn bạc thêm.

Chúng ta biết từ xưa tới nay, khi nói tới sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thì người ta thường nhắc tới hai từ là “lúa - lợn”. Cây lúa và con lợn là hai đối tượng sản xuất chính của bà con ta (chứ chả ai lại nói sản xuất ở Việt Nam là “khoai - gà" hay “ngô - vịt”…).

Trong thời kỳ bao cấp, sản xuất lúa thì đã có hợp tác xã, còn con lợn thì được nuôi trong các trang trại tập thể. Thế nhưng, dựa vào phần đất 5% mà mỗi nhà được tự do tăng gia thì đa phần bà con ta đều dùng nó để phục vụ cho việc nuôi nấng con lợn cho gia đình. Đó là phần tài sản riêng nên mọi nhà đều rất quan tâm. Và cho tới tận bây giờ, bài ca “lúa - lợn” vẫn hình như không chùn bước ngay cả sau những biến cố nghiệt ngã từ cuối năm 2016 tới nay.

Nhiều báo cáo trong hội thảo cũng chỉ rõ tình hình cung vượt cầu một phần còn do sản xuất nhỏ lẻ ở từng gia đình đã không theo quy hoạch, việc đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó kiểm soát. Nếu tiếp tục để bà con chăn nuôi lợn như hiện nay thì rất khó quản lý, rất dễ vướng vào các rào cản về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như khó đảm bảo đúng theo kế hoạch.

Thế nhưng, câu hỏi lớn nhất mà bà con mong muốn là: Nếu những nhà không nuôi lợn nữa thì làm gì để họ có thêm thu nhập?

Theo tôi, đó là mấu chốt của vấn đề và cũng là chủ trương hiện nay của Đảng và Chính phủ về chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi.

Chúng tôi luôn nghĩ rằng, tiềm năng sinh học của đất nước ta là vô cùng phong phú. Chúng ta còn có thể đi lên bằng việc tổ chức sản xuất nhiều đối tượng khác bên cạnh 2 đối tượng là lúa và lợn. Thực tế đã chứng minh cho điều đó. Chỉ có điều, người lãnh đạo ngành có nhìn ra được vấn đề này hay không? Nếu anh không phát huy được thế mạnh này lên cho đất nước thì anh có tội với nhân dân. 

Rất mừng là đồng chí Bộ trưởng của chúng ta trên mặt trận nông nghiệp đã đánh giá rất cao những tiềm năng đó. Ông luôn nhắc từng địa phương phải tìm ra thế mạnh của riêng mình và phát huy nó lên. Mỗi làng một nghề, mỗi vùng một sản phẩm đặc sắc. Vì vậy, công cuộc chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp đang rộn rã khắp nơi. 

Theo chúng tôi, đây cũng là thời cơ để bà con ta xem xét lại cơ cấu sản xuất của từng gia đình. Sao cứ nhất nhất nhà nào cũng phải nuôi lợn!? Ngoài nuôi lợn ra, ta còn vô vàn công việc có thể đưa tới thu nhập cao cho bà con. Nhiều nghề còn cao hơn cả nuôi lợn! 

Chúng ta đã có hàng vạn hộ nông dân thu tới bạc tỷ mà không phải do nuôi lợn. Với sự tiếp sức của các nhà khoa học, họ đã vươn lên để chuyển đổi sản xuất và làm giàu cho gia đình. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí chính giữa - tiêu chí số 10 là quan trọng nhất! Chúng ta phải nâng cao được thu nhập cho người dân thì mới có nông thôn mới. Do đó, mọi biện pháp giúp cho nông dân tăng được thu nhập thì chúng ta cần gắng sức làm.

Tôi ngồi điểm mặt những nông dân sản xuất giỏi mới thấy, bà con mình năng động lắm. Các nhà khoa học, các nhà quản lý phải theo sát bà con để vừa học hỏi, vừa giúp đỡ họ. Tuyệt đối tránh tình trạng quan liêu và phán quyết bừa bãi, cản trở bước đi của nông dân.

Cho phép tôi nêu ra một số đối tượng và ngành nghề mà bà con ta đang làm.

Trong chăn nuôi, ngoài con lợn ra, ta có thể tổ chức nuôi bò sữa, bò thịt, trâu, dê, thỏ, gà thịt, gà trứng, gà cảnh, công, đà điểu, bồ câu, vịt, ngan, ngỗng, cầy hương, nhím, nhông cát, tắc kè, rắn nước, rắn độc, v.v.

Trong thủy sản, ta có thể nuôi cá ao, cá ruộng, nuôi cá lồng trên biển, nuôi ngao, sò huyết, tu hài, ốc hương, tảo biển, tôm hùm, tôm sú, lươn, cua biển… và đẩy mạnh các hoạt động đánh bắt trên biển.

Còn với cây trồng thì ta có vô vàn các loại cây cho thu nhập cao ngoài các cây lương thực và cây thực phẩm mà chúng ta vẫn thường canh tác.

Với cây ăn quả ta có cam, chanh, quýt, bưởi, na, chuối, mít, ổi, thanh long, nho, nhãn, vải, chôm chôm, măng cụt, dứa, bơ, dưa hấu... Ở đồng bằng sông Cửu Long, do chuyển đổi sản xuất mà nhiều loại cây ăn trái đã lên ngôi, đưa thu nhập của hàng vạn gia đình nông dân vươn lên rõ rệt.

Với các cây lâm nghiệp đa tác dụng ta có trám, sấu, dẻ hạt lớn, mắc ca, mắc mật… và nhiều loại cây lấy dầu, lấy nhựa, lấy hoa, lấy lá khác. Ta đừng nghĩ, cây lâm nghiệp chỉ có keo và bạch đàn. Các chuyên gia về lâm nghiệp cho biết, ta còn rất nhiều loại cây lâm nghiệp quý mà chưa phát huy hết tác dụng…

Nông dân Bình Phước giàu nhờ trồng bưởi da xanh

Riêng với cây dược liệu thì ta có cả một kho tàng tuyệt vời mà thế giới thèm khát. Chỉ riêng việc biết đẩy mạnh sản xuất cây dược liệu và chế biến làm thuốc thì chúng ta cũng đã có thể đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ. Ở Singapore, người ta có trồng được dược liệu đâu. Họ đi mua dược liệu của các nước khác về và chế biến làm thuốc. Thế mà, thuốc của họ bán rất chạy trên khắp thế giới….

Thế còn, các loại rau ở ta đều có thể sản xuất được quanh năm. Nếu đưa công nghệ cao vào sản xuất thì Việt Nam chắc chắn sẽ là một vựa rau lớn cho khu vực và cho cả thế giới.

Ngoài ra, các ngành nghề thủ công và các công nghệ chế biến nông sản của chúng ta nếu được coi trọng và nâng cao thì hàng hóa của chúng ta cũng sẽ được cải tiến và có thể đi xa hơn nhiều.

Kể lể ra như vậy để bà con mình thấy trước mắt chúng ta còn rất nhiều cách làm ăn mà có thể đưa tới thu nhập cao. Những gia đình nào đủ sức đầu tư để tổ chức chăn nuôi lợn theo quy mô lớn và hiện đại thì nên tiếp tục làm. Đó vẫn là hướng sản xuất chính ở nông thôn của chúng ta. Còn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ hay gặp nhiều rủi ro thì bà con nên xem xét kỹ. Ta có thể chọn ra một hướng đi mới như nhiều nhà đã làm hay không?

Hy vọng, ngoài trồng lúa và nuôi lợn ra, ở nông thôn chúng ta sẽ có thêm nhiều ngành nghề mới đủ sức giúp cho bà con vươn lên, xây dựng thành công nông thôn mới văn minh và hiện đại.


Related news

Gặp 3 Gặp 3 "siêu nhân" nuôi bồ câu, vịt, trồng bưởi bỏ túi 3.500 USD/tháng

Gặp 3 "siêu nhân" nuôi bồ câu, vịt, trồng bưởi bỏ túi 3.500 USD/tháng. 3 gương mặt nông dân có mô hình khởi nghiệp điển hình.

Wednesday. September 20th, 2017
Vĩnh Long cũng có chuyện thương lái ồ ạt mua cau non Vĩnh Long cũng có chuyện thương lái ồ ạt mua cau non

Những ngày này, tại huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) nhiều thương lái khắp nơi đổ xô đến mua cau non với giá khá cao.

Wednesday. September 20th, 2017
'Chiếc đũa thần' giúp tăng sản lượng dừa sáp 'Chiếc đũa thần' giúp tăng sản lượng dừa sáp

Dừa sáp là một loại đặc sản có tiếng của tỉnh Trà Vinh nói chung cũng như huyện Cầu Kè nói riêng. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân

Wednesday. September 20th, 2017