Nắng Nóng Ảnh Hưởng Đến Tiến Độ Thả Nuôi Tôm Càng Xanh Ở Đồng Tháp
Ngày 10/4/2013, Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã đi kiểm tra tiến độ thả nuôi tôm càng xanh năm 2013. Đến nay đã có 18 hộ nông dân ở xã Phú Thọ, Phú Thành B, An Long và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông thả nuôi được trên 90 ha tôm càng xanh. Diện tích tôm giống thả nuôi đạt từ 10 ngày đến trên 75 ngày, đàn tôm đang phát triển tốt, chưa thấy dấu hiệu bị bệnh.
Kỹ sư Nguyễn Sĩ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông cho biết: “Năm nay, việc thả nuôi chậm do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ban ngày cao có khi lên tới 36 - 37 độ C, thủy vực nước kênh thấp, chất lượng nước kém, việc bơm nước để ương nuôi tôm rất khó khăn nên các hộ nuôi rất ngán ngại xuống giống sớm. Dự kiến, cuối tháng này và giữa tháng 5 mới thả nuôi tập trung...”.
Theo kế hoạch năm 2013, toàn huyện Tam Nông sẽ tăng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 1.000 ha, ước sản lượng đạt 1.700 tấn. Trạm Thủy sản sẽ tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho người nuôi; đồng thời phối hợp với Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp triển khai mô hình vùng nuôi an toàn theo tiêu chuẩn GMP, GAP để làm tiền đề cho việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Mặc dù tiến độ thả nuôi chậm, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch nuôi tôm càng xanh năm 2013 của huyện.
Kỹ sư Nguyễn Sĩ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông khuyến cáo: “Các hộ nuôi cần chủ động liên hệ với các trại giống ký hợp đồng trước để cung cấp đủ số lượng giống. Thay vì mọi năm thả 3 đợt, năm nay thả dồn 2 đợt cuối, khả năng thiếu giống có thể xảy ra. Do đó, bà con phải chủ động, tuy tiến độ thả nuôi chậm nhưng vẫn đảm bảo diện tích nuôi như mọi năm”.
Related news
Từ lần gặp đầu tiên, tôi rất ấn tượng với chú bởi tác phong nhanh nhẹn và cởi mở. Chú là người biết nắm bắt cơ hội để làm kinh tế gia đình: nuôi ong lấy mật và làm du lịch. Chú Lê Hữu Phước, 58 tuổi, một nông dân chân chất, thích học hỏi, ngụ ở ấp Phú Hiệp - xã Vĩnh Bình (Chợ Lách - Bến Tre).
Thời gian qua, một số nông dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bỏ cây tràm chuyển qua trồng cây xà cừ. Theo các hộ dân, trồng xà cừ lợi nhuận cao hơn 3 lần trồng tràm và tốn ít công hơn. Ông Hồ Sơn Tư, chủ trang trại lớn ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai), cho biết với diện tích khoảng 25 hécta xà cừ năm thứ 12 - 13, hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất gỗ tới hỏi mua với giá 2,5 - 3 triệu đồng/m3. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 600 triệu đồng/hécta.
Huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) có trên 9.240ha trồng cây ăn trái, trong đó có 2.408ha cam sành. Nhờ làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa cây có múi xuống chân ruộng đang được nông dân huyện Trà Ôn phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.