Giá / Mô hình kinh tế

Năng Động Vươn Lên Làm Giàu

Năng Động Vươn Lên Làm Giàu
Tác giả: 
Ngày đăng: 24/06/2013

Những năm qua,  nông dân huyện Phú Tân đẩy mạnh thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các tầng lớp nhân dân chung lòng xây dựng nông thôn mới, đời sống của nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngư - nông - lâm nghiệp chiếm 39,41%, công nghiệp - xây dựng  33,28%, dịch vụ 27,31%. Thu nhập bình quân đầu người 18,6 triệu đồng (tương đương 846 USD). Hiện toàn huyện còn 8,1% hộ nghèo, thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh.

Mô hình nuôi ốc len của hộ ông Nguyễn Văn Tấn, ấp Cơi 6B, xã Nguyễn Việt Khái, mỗi năm lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Đa dạng hoá các mô hình

Huyện Phú Tân có hơn 39.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, chiều dài bờ biển trên 37 km với ngư trường rộng lớn. Là vùng ven biển nên Phú Tân chủ yếu phát triển nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản với nhiều loại hình phong phú, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Đến nay, toàn huyện có trên 1.000 ha đất nuôi tôm công nghiệp, đạt 143% so với nghị quyết năm 2012, tăng 487 ha so cùng kỳ, năng suất bình quân từ 5-6 tấn/ha đối với tôm sú công nghiệp và 7-8 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng. Có trên 4.600 ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến, đạt 115% kế hoạch năm, tăng trên 2.694 ha so cùng kỳ, năng suất bình quân từ 400-450 kg/ha.

Đáng chú ý là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến có bước phát triển, vừa mang tính bền vững, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, là bước đệm để tích luỹ kinh nghiệm vốn để nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả.

Năm 2012, sản lượng khai thác và nuôi thuỷ sản của huyện trên 46.250 tấn, đạt 102% kế hoạch, trong đó có trên 20.800 tấn tôm, số còn lại là các loài thuỷ sản khác.

Đến nay, huyện có gần 19.000 hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, với mức thu nhập từ 30 triệu đến 2 tỷ đồng/năm.

Nổi bật trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp là ông Huỳnh Minh Luân, khóm 7, thị trấn Cái Đôi Vàm, với trên 10 năm kinh nghiệm, có thể nuôi tôm sú đạt năng suất từ 7-8 tấn/ha. Riêng năm 2012, với 15 đầm tôm thẻ chân trắng, năng suất khoảng 13-14 tấn/ha, ông thu nhập trên 2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Hồng Văn Quỳnh, ấp Tân Quảng Tây, xã Nguyễn Việt Khái có 9.000 m2 đất nuôi tôm quảng canh cải tiến. Sau hơn 3 tháng thả giống, tôm đạt trọng lượng 25 con/kg. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau vụ nuôi đầu tiên, ông thu hoạch với sản lượng 1.200 kg, thu nhập sau khi trừ chi phí 156 triệu đồng.

Nhiều mô hình hiệu quả

Không chỉ nuôi tôm, mô hình sản xuất đa canh còn là điểm nhấn của nhiều nông dân trong huyện. Mô hình sản xuất chung là nuôi tôm kết hợp nuôi cua, cá, sò huyết trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Huỳnh Văn Phước, thương binh 3/4, cựu chiến binh ở ấp Má Tám, xã Việt Thắng, là một điển hình trong phong trào sản xuất giỏi. Từ khi huyện thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ông Phước áp dụng nuôi đa con: tôm - cua - cá kết hợp trên diện tích mặt nước gần 2 ha.

Đồng thời, kết hợp trồng nhiều loại cây ăn trái như: ổi, xoài, sa pô, mít, chuối và các loại hoa màu trong vườn, nuôi cá nước ngọt. Thu nhập sau khi trừ chi phí mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Bé, ấp Má Tám, xã Việt Thắng, thành công với mô hình nuôi sò huyết trong vuông nuôi tôm hơn 3 năm nay. Ông thu hoạch được trên 10 tấn sò thương phẩm, lợi nhuận đạt trên 400 triệu đồng.

Song song đó, mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2006, Sở NN&PTNT cho phép huyện hợp đồng giao đất rừng phòng hộ để dân quản lý bảo vệ rừng và kết hợp nuôi ốc len dưới tán rừng.

Đến nay, tổng diện tích được giao khoán 61,5 ha, gồm 17 hộ thuộc ấp Cơi 6B, xã Nguyễn Việt Khái và thị trấn Cái Đôi Vàm. Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời rừng được bảo vệ tốt hơn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Tấn, ở ấp Cơi 6B, xã Nguyễn Việt Khái, hợp đồng 6 ha đất rừng được giao khoán từ năm 2006, mỗi vụ nuôi thả khoảng 2 tấn ốc len giống, khoảng 5-7 tháng cho thu hoạch, lãi trên 100 triệu đồng.

Ngoài ốc len, người dân còn nuôi thêm cá kèo, cua… từ đó giúp bà con có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo. Mặt khác, họ còn thực hiện cam kết gìn giữ và bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng phòng hộ được giao.

Mô hình này bước đầu góp phần giảm thiểu tình trạng chặt phá cây rừng trái phép. Bởi một khi đời sống của người dân được ổn định, kinh tế phát triển thì ý thức bảo vệ rừng cũng được nâng lên. Đây còn là hướng mở cho mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.


Có thể bạn quan tâm

Rau Quả Xuất Khẩu Sang EU Bị Cảnh Báo Về Chất Lượng Rau Quả Xuất Khẩu Sang EU Bị Cảnh Báo Về Chất Lượng

Ngày 11.6, ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cảnh báo số vụ rau quả vi phạm chất lượng xuất khẩu sang các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày càng gia tăng.

24/06/2013
Trồng Bí Đỏ Lấy Hạt Cho Thu Nhập Cao Trồng Bí Đỏ Lấy Hạt Cho Thu Nhập Cao

Trong thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã áp dụng mô hình trồng bí đỏ lấy hạt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 6 lần so với trồng bắp.

24/06/2013
Thức Ăn Chăn Nuôi Giá Cao, Chất Lượng Kém Thức Ăn Chăn Nuôi Giá Cao, Chất Lượng Kém

"Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới nhưng người nuôi trồng vẫn còn quá khổ". Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đánh giá như vậy tại hội nghị “Tìm giải pháp nâng cao chất lượng, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi” do Bộ NN-PTNT tổ chức ở TPHCM ngày 6-12

24/06/2013