Giá / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Hiệu Quả Sản Xuất Nông Nghiệp

Nâng Cao Hiệu Quả Sản Xuất Nông Nghiệp
Tác giả: 
Ngày đăng: 30/07/2013

Trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống dân sinh thì việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên đầu diện tích đã và đang là đòi hỏi mà ngay cả ngành quản lý đến người sản xuất cần thực hiện.

Đối với tỉnh ta, trong những năm qua việc nâng cao giá trị sản xuất luôn được chú trọng. Được sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp nói chung nhiều nông hộ ở các địa phương trong tỉnh đã chọn, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất… để đạt hiệu quả về sản lượng và giá trị như mô hình sản xuất lúa, bắp lai giống; mô hình trồng nho xanh, táo… Đơn cử như về sản xuất lương thực, trong đó cây lúa là chủ lực, sau 20 năm năng suất tăng từ 37 tạ/ha (năm 1992) lên trên 61 tạ/ha (tính đến vụ đông-xuân năm 2012). Hay như mô hình trồng táo đã cho thu nhập không dưới 600 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung toàn tỉnh thu nhập bình quân đạt trên dưới 55 triệu đồng/ha/năm. Vì sao ?

Có nhiều nguyên nhân làm cho thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh chưa “bật” lên được, đầu tiên có thể nói bình quân diện tích/hộ còn thấp, số nông hộ có “đất mẫu” đếm được trên đầu ngón tay. Đã vậy, do thời kỳ làm ăn tập thể trước đây ruộng đất được chia theo nhân khẩu nên dẫn đến manh mún, “lãng phí” nhất là bờ ruộng quá nhiều, hiếm có những cánh đồng mà diện tích ruộng có từ 3 sào trở lên.

Diện tích ruộng hẹp dẫn đến khó thực hiện cơ giới hóa trong các khâu, không những vậy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ trên cánh đồng cũng khó thực hiện… Yếu tố cũng không kém phần quan trọng là do ruộng đất ít nên nhiều nông hộ ít chú trọng đầu tư để nâng cao hiệu quả mà phần lớn là làm nghề khác để sống…

Để khắc phục một số tình trạng như đã nêu, từng bước tạo lập nên những “cánh đồng mẫu lớn” như một số địa phương trong nước đang thực hiện cần phải có những giải pháp cụ thể, thống nhất trong thực hiện từ ngành nông nghiệp đến các địa phương và nông hộ mà trước tiên theo chúng tôi phải vận động nông hộ “dồn điền đổi thửa”.

Cách làm này vừa tăng diện tích từng thửa ruộng, đất, vừa giảm tỷ lệ bờ bao (thường chiếm đến 15% diện tích). Mặt khác, cần nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả thông qua mối liên kết “4 nhà”, đặc biệt là tạo quan hệ mật thiết giữa nhà nông với doanh nghiệp để tạo ổn định đầu ra cho sản phẩm…

Để người nông dân thực sự nâng cao thu nhập từ chính ruộng đất hiện có rất cần đến sự hỗ trợ tích cực từ ngành nông nghiệp bằng các giải pháp có hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

Mong Được Hỗ Trợ Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng, Vật Nuối Mong Được Hỗ Trợ Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng, Vật Nuối

Hôm qua ông Huỳnh Văn Sơn đã viết thư cảm ơn và cho biết, ông và đa số bà con nông dân cảm thấy hết sức an tâm và tin tưởng những gì mà Bộ trưởng nói.

30/07/2013
“Treo Miệng” Cá Tra “Treo Miệng” Cá Tra

Chuyện người nuôi cá tra “treo ao” đã cũ, giờ người nuôi bắt đầu phải “treo miệng” cá tra - ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) than thở về tình cảnh người nuôi cá tra hiện nay.

30/07/2013
Ứng Dụng Kỹ Thuật, Công Nghệ Mới Trong Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ứng Dụng Kỹ Thuật, Công Nghệ Mới Trong Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng

Với khả năng chống chịu bệnh cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, thời gian nuôi ngắn, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Nam Định liên tục tăng, hiện đạt 486ha ở ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Nhiều hộ nuôi đạt năng suất 10 tấn/ha, có hộ đạt 14 - 15 tấn/ha, cho thu lãi từ 350 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.

30/07/2013