Nâng Cao Hiệu Lực, Hiệu Quả Trong Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản
Thời gian gần đây, việc nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên phải đối mặt với nhiều khó khăn, diện tích ao đìa nuôi trồng thủy sản của năm 2012 chỉ 2.635 ha, giảm 12% so với năm 2011; sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 7.934 tấn, giảm 20%, do dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
Ngoài yếu tố thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kéo dài, hệ thống thủy lợi xuống cấp ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi, thì công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất và ý thức trách nhiệm của người dân còn nhiều tồn tại và bất cập. Công tác thanh, kiểm tra chất lượng giống thủy sản, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở địa bàn tỉnh chưa thường xuyên và quyết liệt.
Công tác quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Bộ máy kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra, thiếu nhân lực, kinh phí và phương tiện, máy móc thiết bị, nên khi dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản xảy ra không thể ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, nguồn con giống cung cấp cho các vùng nuôi trong tỉnh còn thiếu, chủ yếu nhập từ các tỉnh, khiến cho công tác kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý dịch bệnh của ngành chức năng gặp nhiều khó khăn. Việc quy hoạch các khu sản xuất giống tập trung thiếu ổn định, chưa xây dựng và chứng nhận trại giống đạt chuẩn…
Đa số người nuôi tôm thả giống không theo lịch thời vụ, mật độ do cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương hướng dẫn, nên khi dịch bệnh xảy ra thì diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn. Mặt khác, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh không tự giác khai báo kiểm dịch và chưa chấp hành tốt việc kiểm dịch giống; nhiều người nuôi thủy sản chưa chấp hành việc kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống, thậm chí thích mua giống giá rẻ chưa qua kiểm dịch để nuôi. Khi có dịch bệnh xảy ra, người nuôi không báo cáo với cơ quan chức năng mà tự tiến hành tiêu độc, xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh…
Vấn đề đặt ra là các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải sớm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nuôi thủy sản theo đúng quy hoạch, thực hiện tốt lịch thời vụ, mật độ nuôi, cải tạo ao đìa đúng yêu cầu kỹ thuật, chọn thời điểm thả giống thích hợp cho từng vùng, từng đối tượng nuôi.
Khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bất thường, người nuôi cần thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn biết để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không được xả thải bùn đáy ao và mầm bệnh ra kênh rạch khi chưa được xử lý. Ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh tôm hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng nuôi, hình thức nuôi. Đầu tư xây dựng hạ tầng đường, điện, hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất kỹ thuật quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh cho từng vùng nuôi nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân.
Nâng cao hiệu quả công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, nghiên cứu áp dụng lịch thời vụ nuôi tôm hàng năm phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của từng vùng, từng đối tượng nuôi. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nuôi trồng thủy sản ở các địa phương có hoạt động nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh hoạt động các tổ cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản; bắt buộc các cơ sở sản xuất giống phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong việc sản xuất và kinh doanh giống, thực hiện quy định công bố chất lượng sản phẩm, việc ghi chép quá trình sản xuất cũng như xuất bán giống cho các hộ nuôi.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học phải bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định, không bán các loại hóa chất, kháng sinh cấm. Mọi sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản phải có nhãn hàng hóa đúng quy định. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm rà soát, bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ, tạo sự ổn định để bà con yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra các vùng nuôi, xử lý nghiêm các trường hợp thả nuôi trước lịch thời vụ, xử lý triệt để các ao nuôi khi có dịch bệnh xảy ra. Kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống không đạt chất lượng, không khai báo kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định…
Ngoài các cơ quan chức năng và chuyên môn hiện có, cần thiết phải có một cơ quan quản lý chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, thực hiện quản lý toàn diện lĩnh vực này. Ở các tỉnh khác, từ năm 2009 đã thành lập Chi cục Nuôi trồng thủy sản, nên đã quản lý các hoạt động nuôi trồng thủy sản đi vào nề nếp và hiệu quả. Thiết nghĩ, ở Phú Yên cũng cần phải thành lập Chi cục Nuôi trồng thủy sản để thực hiện quản lý toàn diện nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, tạo sự phát triển hiệu quả và bền vững cho lĩnh vực này.
Related news
Nông dân Trần Hữu Thắng ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) được Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) tặng danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”. Đằng sau danh hiệu này là câu chuyện vươn lên không biết mệt mỏi của người nông dân nghèo miền Bắc, lập nghiệp trên vùng đất phương Nam.
Thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ nước mía ở Đà Nẵng tăng mạnh, nhưng đáng buồn, người trồng mía ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại “nếm” thêm một mùa “mía đắng” do tư thương cấu kết thu mua với giá rẻ như bèo.
Từ 5/7, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản sẽ được siết chặt hơn bằng Thông tư 26/2013 về quản lý giống thủy sản mà Bộ NN&PTNT vừa ban hành.