Nâng Cao Chất Lượng Tôm Giống
Đề án nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau do Sở NN&PTNT triển khai thực hiện đang được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá đáp ứng nhu cầu của người nuôi tôm trong tỉnh.
Trước khi đưa vào thực hiện, đề án được các ngành có liên quan phân tích, đánh giá rất kỹ quy trình sản xuất con giống từ tôm bố mẹ, trại sản xuất giống cho đến cách thả tôm giống của người nuôi. Sau đây là những ý kiến có tính chất quyết định đến sự thành công của đề án:
* Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Giải quyết những bất cập trong quản lý
Những năm qua, Sở NN&PTNT có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng tôm giống. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên như: cơ chế, chính sách trong công tác quản lý chất lượng tôm giống còn một số bất cập, chồng chéo; cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, trang thiết bị hạn chế, ý thức người nuôi tôm chưa quan tâm đúng mức trong việc lựa chọn con giống chất lượng tốt…
Nếu có bước đột phá phát triển về tôm giống và kỹ thuật nuôi, tổ chức lại sản xuất, xây dựng định hướng phát triển thích hợp thì sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành thuỷ sản nói chung và lĩnh vực nuôi tôm nói riêng.
Do đó, Đề án Nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau là rất cần thiết và cấp bách vào thời điểm hiện nay. Đề án được triển khai thực hiện sẽ tạo bước đột phá trong quản lý chất lượng tôm giống, góp phần nâng cao chất lượng tôm giống thông qua việc khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý đã qua, từng bước nâng cao được chất lượng tôm giống phục vụ nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh trong thời gian tới.
* Ông Phạm Văn Đức, nguyên Giám đốc Sở Thuỷ sản, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật: Cần tập trung cho giải quyết công nghệ
Việc giải quyết giống tôm khó hơn so với một số loại giống khác, nếu như chúng ta ghép nó vào đề án nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tôm - lúa thì chúng ta không bao giờ giải quyết nổi vấn đề con tôm. Đề án có đề ra nguồn kinh phí khoảng 182 tỷ đồng cho đến năm 2020, chúng ta nhìn con số này thì lớn, nhưng theo tôi thì không lớn, nếu đề án thành công.
Qua nội dung của đề án, chúng ta chưa thấy nhiều điểm mới, còn nhiều vấn đề mà chúng ta nghi ngờ về hiệu quả cuối cùng, cần thực hiện điều chỉnh quy hoạch, nhất thiết phải sắp xếp lại cơ sở kinh doanh giống để quản lý chặt hơn.
Theo đó, cần tập trung đầu tư tốt hơn cho giải pháp công nghệ, đặc biệt tìm kiếm những công nghệ mới để nâng cao chất lượng tôm giống. Theo đó, công tác quản lý cũng thực hiện đồng bộ hơn, bởi tôm giống chưa được kiểm dịch thì vẫn tràn lan, tôm đã kiểm dịch thì vẫn không bảo đảm… Chúng ta xử lý vấn đề này như thế nào? Giải pháp nào?
* Tiến sĩ Đoàn Xuân Diệp, Trưởng Phòng Quản lý khoa học cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ: Cần triển khai đề án theo tiến độ
Chúng ta có nguồn tôm sú bố mẹ lớn nhất, diện tích nuôi lớn nhất và nhu cầu con giống thả nuôi cũng lớn, nhưng ngược lại số lượng tôm giống tại chỗ chưa đáp ứng được 50% nhu cầu. Trong khi đó, các tỉnh trên lại đi mua tôm bố mẹ từ Cà Mau sau đó bán lại cho Cà Mau.
Từ nghịch lý này, chúng ta phải làm như thế nào cho người ta thấy mục tiêu của đề án là cần thiết cũng như những giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống thì khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sử dụng con giống có chất lượng như trong đề án là phù hợp. Với cách làm này, chúng ta nên chọn phương án làm theo tiến độ để có thể định lượng được kinh phí và thời gian thực hiện.
Qua đó, cần xem xét yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tôm giống để xây dựng kế hoạch phù hợp, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như: tổ chức lại cơ sở sản xuất và kinh doanh giống.
Hiện nay, chúng ta thiếu quy trình kỹ thuật tiên tiến để sản xuất ra con giống chất lượng cao, do đó, chúng ta cần tích cực tìm kiếm kỹ thuật thành công từ các tỉnh, các nước tiên tiến về công nghệ để áp dụng trong tỉnh.
Cần tăng cường quản lý chặt tôm bố mẹ, môi trường cũng như hệ thống chất lượng nước, quan trắc môi trường phục vụ cho khu vực sản xuất nhu cầu giống tập trung; đồng thời nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn từng khâu… Có như vậy, con giống Cà Mau mới đáp ứng được cho người nuôi tôm trong thời gian tới.
* Ông Nguyễn Đức Trung, Công ty Sản xuất tôm giống Sú Chân Đỏ, huyện Năm Căn: Cần quy định tiêu chuẩn trong sản xuất
Phải đưa ra tiêu chuẩn về công nghệ, con giống hiện tại để các trại sản xuất tôm giống chúng tôi đưa ra chất lượng con giống tốt. Phải có kích cỡ chuẩn cho tôm bố mẹ.
Với kích cỡ từ 150 g trở xuống, qua kinh nghiệm sản xuất nhiều năm, tôi cho rằng tôm bố mẹ kích cỡ này khi sản xuất ra tôm giống không đạt tiêu chuẩn cao. Để có được con tôm bố mẹ có kích cỡ từ 160 g trở lên thì cần có khoá đào tạo cho những người khai thác có ý thức khai thác ở chuẩn đó.
Thời gian qua chúng ta sợ thiếu nguồn tôm bố mẹ mà chấp nhận tôm bố mẹ có trọng lượng thấp nên dẫn đến tình trạng tôm giống kém chất lượng như hiện nay. Chúng ta thà thiếu nguồn tôm bố mẹ, nhưng ngược lại chúng ta có được những con tôm bố mẹ chất lượng thì chắc chắn sẽ sản xuất ra con giống chất lượng phục vụ cho người nuôi.
Gần đây có tình trạng xuất hiện tôm bố mẹ nuôi tại trại ở Rạch Gốc, những loại tôm này cho ra con giống không bảo đảm chất lượng. Những trại nuôi này thường dồn nhiều loại tôm, nhiều con tôm bố mẹ vào sản xuất để bán, đây là vấn đề mà ngành chức năng cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Cần tuyên truyền cho các trại sản xuất tôm giống trước khi xả thải tôm bị bệnh ra môi trường cần phải xử lý hoá chất để tránh sự lây lan mầm bệnh. Theo đó, phía Nhà nước cần hỗ trợ hoá chất cho các trại giống gặp phải trường hợp này.
Vấn đề quản lý các trại kinh doanh giống chưa đúng thực tế. Một số trại quy mô chỉ đạt 20 bể nhưng công bố là công ty, bảo đảm cam kết các tiêu chuẩn. Thậm chí, một số trại quảng bá là có sự liên kết với các công ty nước ngoài… nhưng thực chất không đúng như vậy.
Do đó, ngành chức năng cần có biện pháp cụ thể trong việc quản lý, quy định chuẩn con giống, trại sản xuất, kinh doanh giống, có như vậy con giống Cà Mau mới dần tiến đến chất lượng.
Related news
VASEP dự báo, nguồn cung tôm năm 2013 giảm so với 2012 do dịch bệnh tại Thái-lan và nhiều nước khác dẫn tới giá tôm sẽ giữ xu hướng tăng và ở mức cao trong sáu tháng cuối năm 2013. Nhờ đó, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam dự kiến sẽ tăng 9% lên 2,4 tỷ USD so với 2012.
Vụ 2 nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đang bước vào kỳ thu hoạch rộ. Được mùa lại được giá, nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ nhờ đầu tư mô hình nuôi tôm bài bản, chú trọng đến yếu tố đảm bảo môi trường.
Chúng tôi đến thăm vườn nhãn lồng của gia đình ông Hứa Văn Kháy ở thôn Chùa, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đúng lúc ông đang thu hoạch.