Giá / Tin thủy sản

Mỹ Latinh: Gia tăng giá trị cá rô phi xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Mỹ Latinh: Gia tăng giá trị cá rô phi xuất khẩu vào thị trường Mỹ
Tác giả: Hồng Hạnh (theo Global Aquaculture Advocate)
Ngày đăng: 23/11/2016

Các nhà sản xuất cá rô phi Mỹ Latinh đang nỗ lực đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Khi các nước châu Á và Mỹ Latinh tiếp tục tăng sản lượng cá rô phi, gia tăng giá trị của cá là một cách tiếp cận kinh tế chiến lược nhằm thu hút người tiêu dùng quốc tế nhiều hơn, thâm nhập các thị trường xuất khẩu và tăng doanh số. 

Xu hướng gia tăng giá trị gần đây đã đem lại kết quả làm tăng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hải sản truyền thống như cá đông lạnh và cá tươi. Gia tăng giá trị không chỉ phục vụ một phân đoạn thị trường như nhiều năm trước. Trong trường hợp cá rô phi tươi, chủ yếu được sản xuất ở nhiều nước Mỹ Latinh, gia tăng giá trị đã trở nên phổ biến đối với thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác. 

Gia tăng giá trị để thâm nhập thị trường

Gia tăng giá trị có lẽ là cách nhanh nhất để thâm nhập cả thị trường truyền thống và thị trường mới. Gia tăng giá trị sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng cá ở những nơi vốn ưa thích các sản phẩm protein được sản xuất trên đất liền hơn là các sản phẩm hải sản. Một số chuyên gia về hải sản tin rằng sự tăng trưởng và mở rộng thị trường cá rô phi ở Mỹ và nhiều nước châu Âu chỉ có thể đạt được nhờ các sản phẩm chất lượng cao và được gia tăng giá trị, chẳng hạn như cá thành phẩm được giới thiệu đến người tiêu dùng dưới nhiều dạng khác nhau (cắt lát, khoanh lườn), theo những cách thức khác nhau (chia thành từng phần, dễ chế biến) và với nhiều hương vị khác nhau (tẩm ướp).

Tiến hành các chiến lược khoanh vùng được lên kế hoạch kĩ càng và nhận biết thị hiếu của người tiêu dùng là cách để tìm đến khách hàng mới và mở rộng thị trường ở những nơi vẫn chưa được tiếp cận với những chủng loại sản phẩm này. Và ở những thị trường đã ổn định, yêu cầu đối với cá thành phẩm ngày càng khắt khe cả về hình thức sản phẩm, giá trị dinh dưỡng, đóng gói và nhiều đặc điểm khác. Điều này thúc đẩy sự cần thiết phải tăng mức độ đầu tư của các thành viên trong chuỗi sản xuất, từ các nhà sản xuất đến các đầu bếp nhà hàng và tất cả các bên liên quan.   

Cá tươi được cho là có lợi cho sức khỏe hơn

Cá tươi luôn được người tiêu dùng coi là lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn cá đông lạnh, sản phẩm mà họ coi là ‘đồ được đóng gói và bảo quản lâu ngày’. Kết quả là ở hầu hết các nước sản xuất, chi phí nhân công thấp đã tạo điều kiện cho việc gia tăng giá trị thông qua quá trình chế biến. Lợi thế địa lý (ở gần thị trường Mỹ) của các nhà sản xuất Mỹ Latinh và tiến bộ nhanh chóng cả về chất lượng lẫn độ tin cậy của các phương tiện vận chuyển đường hàng không và đường bộ đã góp phần rõ rệt vào việc nâng cao khả năng cung cấp và chất lượng cá rô phi thành phẩm vào thị trường Mỹ.  

Các nhà sản xuất có thể đầu tư lượng lớn nguồn lực tài chính và nhân công nhằm tạo ra những sản phẩm mang giá trị gia tăng mới lạ, nhưng một trong những cách đơn giản nhất là nâng cao hình ảnh của chính cá thành phẩm. Một nhà sản xuất ở Mỹ Latinh đã hướng đến mục tiêu này bằng cách cắt cá theo hình dạng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng hơn. Thực tế, điều đó đã đặt nền tảng cho việc củng cố quan hệ hợp tác giữa nhà cung cấp này với một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất ở miền nam đất nước.

Nâng cao nguồn gien và chọn giống

Nâng cao nguồn gien và chọn giống là yếu tố then chốt trong việc cải thiện chất lượng thịt cá, thông qua việc giúp cá thành phẩm lớn hơn và dày thịt hơn. Nếu nguyên liệu thô (cá nguyên con) không đạt được những tiêu chuẩn này, thị trường có thể sẽ không phản hồi tích cực với sản phẩm cuối cùng (thịt cá). Vài năm trước, các nhà sản xuất Mỹ Latinh đã nhập nhiều giống cá rô phi với kiểu hình (độ dày thịt cá) được cải thiện từ nhiều khu vực khác trên thế giới, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm cuối cùng. Đây là trường hợp của Ecuador, Colombia, Honduras và Costa Rica, nơi khái niệm sản phẩm giá trị gia tăng đã được phát triển xuất phát từ nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Thu hoạch và vận chuyển

Thu hoạch và vận chuyển đúng cách đến nhà máy chế biến là yếu tố quan trọng đảm bảo hình ảnh và chất lượng cá thành phẩm khi tiêu thụ trên thị trường. Một cách tiếp cận thành công trong việc cải thiện hoạt động này là rút ngắn khoảng cách giữa nơi sản xuất và chế biến. Một cách khác là vận chuyển cá sống đến nhà máy chế biến, ở đó chúng sẽ được lọc sạch nếu cần thiết và chế biến đúng cách. Vận chuyển cá sống đóng vai trò quan trọng đảm bảo độ tươi của sản phẩm khi đưa đến nơi chế biến.  

Nếu nơi chế biến ở xa, cá thu hoạch để chế biến được xếp gối đầu trong các thùng vận chuyển để có thể giữ được hình dạng thẳng ban đầu, tránh việc thân cá bị cong tạo ra những ‘khe hở’ thịt cá khi các cơ co cứng lại.

Thiết bị chế biến

Việc sử dụng thiết bị phù hợp trong chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng như cá rô phi cần được các chủ doanh nghiệp nhận biết một cách đầy đủ, nếu không sản phẩm sẽ không đáp ứng được kì vọng của thị trường và người tiêu dùng. Đào tạo bài bản là việc cần thiết và chủ doanh nghiệp cần phải hiểu được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm.

Các nước Mỹ Latinh sản xuất cá rô phi đào tạo cho công nhân các kĩ năng lột da, cắt lát và lọc thịt cá. Công nhân chuyên trách phải cắt và lọc phần thịt lưng rất tỉ mỉ để đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.

Những khía cạnh cơ bản trong chế biến, chẳng hạn như sử dụng dao cắt đủ độ sắc, là yếu tố thiết yếu giúp gia tăng giá trị cho cá thành phẩm. Góc cắt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa sản lượng và tránh các lỗ hổng trên thịt cá, có thể làm xấu đi hình ảnh của sản phẩm cuối cùng.   

Xây dựng thương hiệu, củng cố quan hệ hợp tác

Trong những năm gần đây, nhiều nhà nhập khẩu và kinh doanh cá rô phi đã củng cố quan hệ hợp tác kinh tế với các nhà cung cấp bằng việc trực tiếp đến thăm nhà máy chế biến ở các nước sản xuất. Nhìn từ góc độ của các công ty chế biến thì điều này có vẻ như một sự xâm phạm, tuy nhiên đây là một hoạt động hữu ích giúp tạo nên sự đồng bộ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.  Người tiêu dùng cũng được lợi từ những đổi mới xuất phát từ phản hồi của các chủ thể khác nhau trong chu trình sản xuất.  

Cuối cùng, nâng cao thương hiệu và xây dựng lòng tin đối với thương hiệu là nhân tố thiết yếu đối với sản phẩm giá trị gia tăng trên thị trường. Cần phải nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng để tránh sản phẩm bị thay thế bằng một sản phẩm khác với mức chi phí tiêu dùng tương đương.


Có thể bạn quan tâm

Cá tra hưởng lợi lớn từ Việt Nam – EAEU Cá tra hưởng lợi lớn từ Việt Nam – EAEU

Những năm qua, thủy sản, đặc biệt là mặt hàng cá tra của Việt Nam luôn được chấp nhận và liên tiếp mở rộng thị phần tại những thị trường tại Nga, Asean,...

23/11/2016
Quảng Ngãi: Cá bớp rớt giá thê thảm Quảng Ngãi: Cá bớp rớt giá thê thảm

Hai tháng qua, cá bớp thương phẩm liên tục rớt giá, đầu ra lại không ổn định nên nhiều hộ nuôi huyện Bình Sơn đứng ngồi không yên. Bán cá giá rẻ thì lỗ vốn...

23/11/2016
Chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu Chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu

Sau 10 tháng, sản lượng thu hoạch cá tra ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã tăng 9,1%, nhưng theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

23/11/2016