Giá / Tin thủy sản

Chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu

Chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu
Tác giả: Thu Hiền
Ngày đăng: 23/11/2016

Sau 10 tháng, sản lượng thu hoạch cá tra ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã tăng 9,1%, nhưng theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu trong thời gian tới.

Thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi cá tra từ tháng 10 đã tăng trở lại. Sau 10 tháng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi 5.352 ha, tăng 4% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 996.000 tấn, tăng 9,1% với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng mạnh, ở mức 22.200-22.500 đồng/kg. 

Mặc dù vậy, theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu trong thời gian tới. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 9 tháng đầu năm 2016, số lượng cá giống nuôi ước đạt gần 1,4 tỷ con, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng thu hoạch tăng, diện tích nuôi giảm, thiếu cá giống… Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dự đoán, có thể từ nay đến hết tháng 2/2017, lượng cá tra nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long không đủ cho chế biến và xuất khẩu. Do nguồn cung thiếu nên giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Cũng theo VASEP, hết tháng 9/2016, tổng sản lượng cá tra thu hoạch của vùng ĐBSCL đã đạt 860,9 nghìn tấn. Như vậy, quý IV cuối năm chỉ còn chưa đầy 300 nghìn tấn cá nguyên liệu. Như vậy, dự kiến, các DN cá tra sẽ thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu.

Tại Đồng Tháp, cho đến cuối tháng 10/2016, giá cá giống đã tăng 7.000 – 9.000 đồng so với thời điểm 3 tháng trước đó nhưng lượng cá giống ước hụt từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước.

Thiếu hụt nguồn cung cộng với thời tiết diễn biến thất thường cũng là những nguyên nhân đẩy giá cá tra tại ĐBSCL tăng mạnh, theo thống kê của Sở NN và PTNT Tiền Giang, cuối tháng 10/2016, giá cá tra nguyên liệu có thời điểm lên đến 21.000 – 22.500 đồng/kg, tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với tháng 9/2016.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp tại Cần Thơ, hiện nay, trong khi nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến bị thiếu hụt thì lại xuất hiện hiện tượng Trung Quốc tìm kiếm và thu mua cá tra cỡ nhỏ từ 350 – 400 gam/con.

Giải pháp

Theo quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, đến năm 2016, mục tiêu diện tích mặt nước nuôi cá tra đạt từ 5.300 - 5.400 ha, sản lượng cá tra nuôi từ 1,25 - 1,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 2 - 2,3 tỷ USD. Trong giai đoạn 2015 - 2016, không nâng tổng công suất chế biến cá tra phi lê đông lạnh, tập trung đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị trong các nhà máy hiện có. Đẩy mạnh chế biến sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm cá tra. 

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện nay diện tích nuôi cá tra của doanh nghiệp chiếm khoảng 80%, còn lại khoảng 20% là của hộ nuôi. Tương ứng với đó, sản lượng thu hoạch cá tra của doanh nghiệp chiếm 84%, còn lại là 16% của hộ nuôi. Thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi, hộ nuôi có thể yên tâm về đầu ra của nguyên liệu và lãi cao hay thấp tùy vào năng lực quản lý kỹ thuật của nông hộ. Tuy nhiên, liên kết với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu hiện nay chưa thực sự bền vững vì sau khi thu hoạch xong doanh nghiệp có thể không đầu tư lại cho người nuôi vụ tiếp theo. 

Để ngành cá phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Do vậy, cần thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra. Thúc đẩy môi trường cạnh tranh được thực hiện ở tất cả các phân khúc từ hộ nuôi, khu vực giống, chế biến và các ngành dịch vụ hỗ trợ. Nhà nước cần hỗ trợ ở những khâu doanh nghiệp hiện nay chưa làm được như nghiên cứu về giống, bảo vệ giống - gien, nghiên cứu công nghệ - kỹ thuật. Tái cấu trúc ngành hàng cá tra thực hiện ở các khâu: thị trường, sản phẩm, chất lượng, quản trị doanh nghiệp… 

Bên cạnh đó, ngành Cá tra cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện việc cấp mã số ao nuôi, áp dụng đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi và xác nhận hợp đồng xuất khẩu nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với thị trường. Đồng thời, ngành Cá tra cũng cần sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu; trong đó tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác… gắn với việc ứng dụng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và các chứng nhận quốc tế. Tổ chức các cơ sở chế biến, tiêu thụ gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu và nhu cầu của từng thị trường. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp chế biến là trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị.


Có thể bạn quan tâm

Cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu cá tra Cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu cá tra

Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn nhất của VN và đã vượt qua Mỹ về nhu cầu nhập khẩu cá tra. Trung bình mỗi tháng Trung Quốc nhập từ 40 - 50 triệu USD...

23/11/2016
Cá tra hưởng lợi lớn từ Việt Nam – EAEU Cá tra hưởng lợi lớn từ Việt Nam – EAEU

Những năm qua, thủy sản, đặc biệt là mặt hàng cá tra của Việt Nam luôn được chấp nhận và liên tiếp mở rộng thị phần tại những thị trường tại Nga, Asean,...

23/11/2016
Quảng Ngãi: Cá bớp rớt giá thê thảm Quảng Ngãi: Cá bớp rớt giá thê thảm

Hai tháng qua, cá bớp thương phẩm liên tục rớt giá, đầu ra lại không ổn định nên nhiều hộ nuôi huyện Bình Sơn đứng ngồi không yên. Bán cá giá rẻ thì lỗ vốn...

23/11/2016