Mường Đăng Xây Dựng Môi Trường Nông Thôn Mới
Xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng là một trong nhiều địa phương ở tỉnh ta đang chờ phê duyệt Đề án xây dựng Nông thôn mới. Hầu hết các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới xã đều chưa triển khai thực hiện được. Song từ thực tế hiện nay, một số tiêu chí xã có thể triển khai ngay mà không cần đợi phê duyệt, đó là một số mục tiêu trong tiêu chí thứ 17 về xây dựng môi trường nông thôn.
“Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường, có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp và chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định” là 2 trong 5 chỉ tiêu được quy định trong tiêu chí thứ 17 của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện hai chỉ tiêu này, yếu tố quan trọng là ở hành động tự giác của mỗi cá nhân và gia đình ở địa phương. Do đó, xã Mường Đăng xác định: Trước mắt là tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các việc như: vệ sinh nơi ở, các điểm công cộng, khu dân cư… trong đó chú trọng việc đưa vật nuôi ra khỏi gầm sàn, làm chuồng, trại để không thả rông gia súc, gia cầm. Vận động các hộ xây dựng hệ thống công trình phụ hợp vệ sinh... Đây là những việc bà con có thể tự làm, không tốn kém hoặc tốn kém ít kinh phí.
“Việc nào có thể làm mà chưa cần đến kinh phí thì triển khai ngay trong thời gian chờ đợi đề án được phê duyệt” là việc mà ít có địa phương nào có thể làm được trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng cảnh quan và giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn là việc cần làm hàng ngày, kể cả có chương trình xây dựng nông thôn mới hay không. Hơn nữa, đây cũng là việc mà nhân dân muốn được thực hiện từ lâu nay. Ông Lường Văn Họp, bản Đắng chia sẻ: “ Bà con cũng muốn có một môi trường sạch sẽ để ăn ở cho dễ chịu và khỏe khoắn. Nếu được hướng dẫn cách làm mà không tốn nhiều tiền thì chúng tôi cũng sẽ làm nhà tiêu hợp vệ sinh, làm chuồng trâu, bò, lợn, gà ra xa nhà. Nếu làng bản tổ chức dọn vệ sinh công cộng thì nhà tôi cũng làm theo…”
Tuy nhiên, hiệu quả của việc làm này không thể có trong ngày một ngày hai. Bởi trên địa bàn xã còn đến trên 30% số hộ vẫn chăn nuôi thả rông và nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn. Chất thải sinh hoạt chưa được thu gom hoặc thu gom không đúng nơi quy định và chưa được xử lý. Việc tổ chức dọn vệ sinh môi trường công cộng còn rải rác và chưa có tính định kỳ. Số hộ có công trình nhà tiêu hợp vệ sinh còn quá ít, chiếm dưới 10% tổng số hộ toàn xã. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do thói quen sống theo tập quán cũ của bà con từ bao đời nay và do điều kiện kinh tế khó khăn.
Hiện việc xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường ở nông thôn Mường Đăng mới đang thực hiện ở việc tuyên truyền, vận động. Nhân dân nơi đây cũng mới đang làm quen với việc vệ sinh môi trường công cộng có định kỳ; làm hố rác, hố ủ phân và chuẩn bị kinh phí để làm công trình phụ hợp vệ sinh. Dù những việc làm này chưa thật sự đồng bộ, thực hiện chưa rộng rãi, nhưng đã ít nhiều góp phần làm tiền đề để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí 17 về môi trường khi Đề án xây dựng nông thôn mới của Mường Đăng được phê duyệt và đi vào thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 02/8/2013, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thi "Nông dân nuôi cá tra giỏi vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013".
Là thạc sĩ thể dục thể thao nhưng Thuyết lại có đam mê trái ngành. Không chỉ làm giàu từ rắn mối, anh còn nuôi thêm lươn, dế, bồ câu, nhím, heo rừng và cả sâu bọ.
Ông Phan Văn Phúc, thương lái chuyên thu mua tôm ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg được các thương lái đến tận ao thu mua với giá 220.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với tuần trước; tôm sú loại 40 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; đối với tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được các thương lái thu mua tăng 5.000 - 8.000 đồng/kg so với tuần trước, có giá 95.000 - 98.000 đồng/kg.