Giá / Mô hình kinh tế

Chủ Rừng Xứ Cát

Chủ Rừng Xứ Cát
Tác giả: 
Ngày đăng: 21/03/2011

Sinh năm 1988 ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy (Lệ Thuỷ - Quảng Bình), học hết lớp 9, Lê Đăng Tây đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Sau nhiều năm làm thuê trong Nam, Tây về quê, một mình lên đồi khai hoang trồng keo, tràm và trở thành chủ rừng xứ cát khi tuổi đời còn rất trẻ.

Từ miền Nam về quê, Tây mang trong mình bao trăn trở: “Miền cát trắng chẳng trồng được cây gì, ngoài phi lao chắn cát và tràm”. Bao đêm trằn trọc, nghĩ tới cảnh nghèo với mẹ già thường xuyên đau ốm và ba đứa em đang tuổi ăn học, chàng trai xứ cát quyết định một mình lên đồi khai hoang hơn 5ha ruộng để trồng lúa lấy lương thực, lo cho gia đình. Khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng cho dân, Tây đã mạnh dạn đứng ra nhận rừng. “Nhận 15ha rừng thông của dự án trồng rừng Việt - Đức để chăm sóc, bảo vệ, mình lo lắm, vì ở đây chưa trồng thông bao giờ. Trong khi đó, mình cũng vừa khai hoang và trồng được gần 10ha keo, tràm nữa. Nhưng thấy đây là cơ hội để thoát nghèo nên dù gặp rất nhiều khó khăn, mình vẫn quyết tâm làm”, Tây tâm sự.

Bà Đinh Thị Ngọc, mẹ Tây cho biết: “Thấy con ngày đêm chăm lo rừng quên ăn, quên ngủ, tôi lo lắm nhưng cũng chỉ biết động viên con”. Gần 10ha keo, tràm của Tây sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, đến nay đã cho thu hoạch; rừng thông cũng sắp cho thu hoạch mủ. Tây ước tính, mỗi năm trừ chi phí cây giống, phân bón, công chăm sóc, có thể lãi hơn 100 triệu đồng. Số lãi này Tây dự tính sẽ làm vườn ươm cây con, trồng thử nghiệm một số cây gỗ quý như lim, táu, dó bầu.

Bác Đinh Duy Nhất, 51 tuổi, người giúp việc cho Tây chia sẻ: “Thấy cháu Tây còn trẻ mà say mê làm rừng, trong xóm ai cũng khen ngợi, còn đến học hỏi kinh nghiệm”.

Nhận thấy việc mở rộng trang trại sẽ là bước đi mới nhưng hứa hẹn nhiều thành công, Tây đã mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư mua cây -con giống. Hiện Tây đã có hơn 40 con lợn, 10 con bò, 200 con gà, 150 gốc hồ tiêu. Sắp tới, anh sẽ đầu tư nuôi thêm gà công nghiệp, lợn siêu nạc để nhanh xuất chuồng, rút ngắn thời gian chăn nuôi.

Luôn đi đầu trong công tác trồng và bảo vệ rừng, Tây đã được bầu làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Sen Thủy. Trong bất cứ hoạt động nào, anh cũng là người năng động, tích cực và đầy trách nhiệm, luôn đi đầu trong các hoạt động trồng rừng gây quỹ, thanh niên tình nguyện, hoạt động thể dục thể thao... Anh Lê Đăng Thỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Sen Đông cho biết: “Tây là cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi lại nhiệt tình, năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao. Mọi hoạt động Chi bộ thôn giao, anh luôn hoàn thành một cách xuất sắc”.

Chia tay Tây, chúng tôi vẫn chưa hết ấn tượng và khâm phục nghị lực vượt khó của chàng thanh niên 23 tuổi này. Tin rằng, với những gì đã làm được, Tây sẽ còn thành công hơn nữa..


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Đa Canh, Đa Con Kết Hợp Khép Kín Mô Hình Nuôi Đa Canh, Đa Con Kết Hợp Khép Kín

Vào những ngày này, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Văn Quýt cư ngụ ở ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Ông là người thành công với mô hình nuôi đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 03 ha

21/03/2011
Phục Hồi Rừng Ngập Mặn Ven Biển Phục Hồi Rừng Ngập Mặn Ven Biển

Theo Dự án Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn (RNM) ven biển giai đoạn 2011 - 2015 của Sở NNPTNT Khánh Hoà thì toàn tỉnh sẽ trồng mới 600ha RNM, nâng tổng diện tích RNM tập trung lên 625ha.

21/03/2011
Mùa Vải Bình Khê: Mất Mùa + Đổi Tên = Được Giá Mùa Vải Bình Khê: Mất Mùa + Đổi Tên = Được Giá

Xã Bình Khê vốn là vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất của huyện Đông Triều, riêng diện tích trồng vải của xã là 500 ha. Những năm được mùa vải như năm 2011, sản lượng đạt khoảng 5.000 - 6.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch càng lớn thì nỗi lo “được mùa - mất giá” lại càng nhiều. Giá bán vải quá thấp chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg

21/03/2011