Prices / Tin thủy sản

Muốn phát triển bền vững ngành cá tra, cần nguồn giống chất lượng cao

Muốn phát triển bền vững ngành cá tra, cần nguồn giống chất lượng cao
Author: Phan Ánh/VOV-ĐBSCL
Publish date: Monday. October 23rd, 2017

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, chất lượng con giống suy giảm và không đảm bảo là yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sản lượng cá tra hiện nay.

Cá tra giống

Cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở vùng ĐBSCL, đồng thời là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam sau con tôm. Tuy nhiên, thời gian qua do chất lượng cá giống ngày càng suy giảm ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sản lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế của các cơ sở nuôi.

Để cung cấp con giống chất lượng cao cho các hộ nuôi tại khu vực ĐBSCL, định hướng xây dựng An Giang trở thành trung tâm giống cá tra công nghệ cao cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp.

Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có hơn 100 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra  và gần 1.900 hộ ươm dưỡng cá giống với diện tích khoảng 1.500ha; sản lượng cá bột sản xuất ước đạt hơn 16 tỷ con/năm, tập trung ở các địa phương như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… trong đó An Giang là tỉnh sản xuất và cung ứng cá tra giống chủ yếu của khu vực với 1,5 đến 4 tỷ con/năm.

Tuy nhiên, thời gian qua chất lượng con giống suy giảm và không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ hao hụt trong các ao nuôi, đặc biệt có những ao nuôi cá tra có tỷ lệ hao hụt 40%- 50%. Hầu hết các vùng nuôi đều xuất hiện bệnh phổ biến trên cá tra như: xuất huyết trắng mang, trắng gan, nhất là căn bệnh gan thận mủ… nguyên nhân là do đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết đã xuống cấp đến mức đáng báo động; sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất cá bột, cho cá đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm.

Điều này làm cho chất lượng cá giống ngày càng suy giảm ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sản lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế của các cơ sở nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thuỷ sản, Bộ NN& PTNT cho biết: "Hiện nay, con giống chưa đảm bảo, dịch bệnh nhiều, sản xuất manh mún nên nguồn cung cho thị trường không ổn định. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết nhất thời điểm này là chúng ta phải liên kết sản xuất giống 3 cấp chất lượng cao cung cấp cho ĐBSCL nhằm phát triển bền vững cho ngành cá tra hiện tại và tương lai".

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT thăm cơ sở nuôi cá tra giống bố mẹ.

Để có nguồn cá giống chất lượng cao cung cấp cả vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho tỉnh An Giang xây dựng đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang"; định hướng xây dựng An Giang trở thành trung tâm giống cá tra công nghệ cao cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Từ đó để từng bước đáp ứng đủ về nhu cầu con giống cá tra có chất lượng tốt cho vùng ĐBSCL, góp phần tái tạo ngành cá tra theo hướng bền vững và hiệu quả hướng đến quản lý chặt chẽ và bền vững thông qua các mối liên kết.

Theo ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, An Giang là địa phương có nguồn lao động dồi dào, điều kiện kinh tế - xã hội phù hợp; đồng thời có điều kiện địa hình thuận lợi để phát triển sản xuất cá tra. Đây cũng là một trong những cái nôi của giống cá tra, có nhà máy sản xuất cá tra lớn và cung cấp nguồn cá tra xuất khẩu lớn trong cả nước. Vì vậy chọn An Giang là địa phương triển khai và phát triển cá tra là hợp lý.

"Con cá tra hiện đang bấp bênh, điều đó đặt ra cho chúng ta một yêu cầu, phải hoàn thiện từ khâu sản xuất giống tới đầu ra của thị trường. Từ đó, đưa nó trở thành sản phẩm quốc gia, sản phẩm mang lợi thế so sánh của Việt Nam. Đặc biệt là khâu sản xuất cá giống nếu làm không tốt thì con cá tra vẫn tiếp tục bấp bênh".

Cá tra giống bố mẹ.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang" mới đây, các biểu đã thống nhất, việc thực hiện đề án “liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL là cần thiết; tạo được nguồn giống tốt là rất quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra. Con giống là quan trọng trong phát triển cá tra, có con giống sạch bệnh là căn cơ mang lại hiệu quả cao, nâng chất lượng và thương hiệu.

Đơn vị cấp 1 sẽ là các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia nguồn lực và nghiên cứu; Cấp 2 là các trung tâm và doanh nghiệp sản xuất giống; Cấp 3 là các cơ sở ươm giống. Trong đó, doanh nghiệp là nòng cốt đóng vai trò quan trọng trong đề án; doanh nghiệp kết hợp với các hộ dân ươm giống đồng thời phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để tạo ra giống tốt đảm bảo chất lượng. Đây thực sự là mong muốn chung của người làm giống, người nuôi cá thương phẩm và các cơ quan ban ngành nhà nước...

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT, Kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Úc cho biết: "Những người tham ra phải thực sự tìm được giải pháp năng động, hiệu quả. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò vị thế là người dẫn đầu, có tiềm lực tài chính, tiềm năng quản trị để tìm công nghệ và đưa ra các giải pháp để phát triển; người dân là những người trực tiếp sản xuất, làm ra sản phẩm thì cần phải có tư duy cởi mở để đón nhận những tiến bộ về khoa học công nghệ. Trong chuỗi liên kết này thì mỗi người tham gia cần phải có gắng đóng góp nhiều hơn nữa cái vai trò của mình.

Còn về mặt chính sách, nhà nước nên đi theo hướng dài hạn như: sản xuất giống thì nên đề ra những chuẩn mực, bình đẳng và cả ngành phải vận hành theo chuẩn mực này và mục đích cuối cùng là hướng tới chất lượng thì nó sẽ tạo ra sự phát triển bền vững hơn cho ngành cá tra".

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, mục tiêu đến năm 2020, cung cấp khoảng 50% nhu cầu giống cá tra và đến năm 2025 cung cấp 70% nhu cầu giống cá tra tương đương gần 2,5 – 2,8 tỷ giống cá tra cung cấp cho các địa phương tại khu vực ĐBSCL.

Điều này cho thấy tạo được nguồn giống tốt là rất quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra, do đó việc phải hoàn thiện "liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp" để tạo ra giống có chất lượng có tính di truyền chọn lọc có khả năng tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, chất lượng thịt tốt... phục vụ cho nuôi thương phẩm là điều cấp thiết hiện nay, để phát huy tiềm năng, thế mạnh và phát triển bền vững thị trường cá tra.

"Bộ nông nghiệp sẽ hỗ trợ An Giang để hoàn thành đề án này, trong đó quy hoạch thành 3 vùng sản xuất giống tập trung, có sự đầu tư của ngân sách nhà nước đối với các cơ sở hạ tầng thiết yếu và có sự hỗ trợ về khoa học công nghệ và các chính sách khác, làm sao để tạo ra sản phẩm cá tra chất lượng cao khắc phục tình trạng hiện nay.

Tới đây Bộ cũng xây dựng hoàn thiện toàn bộ các quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là quy định rất là cụ thể về điều kiện sản xuất, từ giống đến toàn bộ chuỗi sản phẩm cá tra. từ đó không những xây dựng thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng được tất các yêu cầu của thị trường, kể cả là thị trường khó tính nhất" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở vùng ĐBSCL, đồng thời là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Việc liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao là một khâu rất quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra góp phần để con cá tra phát triển bền vững./.


Related news

Nigeria: Nuôi thủy sản thân thiện môi trường Nigeria: Nuôi thủy sản thân thiện môi trường

Với tốc độ phát triển như vũ bão của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) thời gian qua, Nigeria đã phải đau đầu tìm giải pháp xử lý nước thải.

Monday. October 23rd, 2017
Kỹ thuật nuôi ếch thịt nhàn tênh lại 'lãi ròng' Kỹ thuật nuôi ếch thịt nhàn tênh lại 'lãi ròng'

Kỹ thuật nuôi ếch không khó nhưng đòi hỏi môi trường nuôi đảm bảo, giống tốt,... Đối với loài này chỉ với thời gian nuôi ngắn thì đã có thể thu hoạch.

Monday. October 23rd, 2017
Một số biện pháp để tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản Một số biện pháp để tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản

Trong quá trình nuôi trồng thủy sản, người nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản, để giúp giảm thiểu vật nuôi bị mắc bệnh.

Monday. October 23rd, 2017