Mục tiêu xuất khẩu nông sản 2018 khoảng 37-38 tỷ USD
Với những thành quả tích cực trong năm 2017, Bộ NN&PTNT cho biết mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2018 khoảng 37 - 38 tỷ USD, tăng 0,63- 1,63 tỷ USD so với năm 2017.
Tại "Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn", Bộ NN&PTNT cho biết mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành trong năm 2018 đạt khoảng 2,8 - 3,0%. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu khoảng 37 - 38 tỷ USD, tăng 0,63- 1,63 tỷ USD so với năm 2017.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết cho biết GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Nếu không bị thiệt hại nặng bởi các cơn bão 10, 12 thì khả năng đóng góp của ngành vào GDP sẽ tăng trên 3,0%. Năm 2017 chứng kiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản mạnh nhất từ trước đến nay đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016. Thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.
Bộ trưởng cho biết trong năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào 3 chương trình then chốt là tái cơ cấu theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị; tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và cuối cùng là tập trung thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, Bộ sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng; rà soát diện tích lúa kém hiệu quả chuyển sang các cây trồng khác có lợi thế hơn hoặc nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt từ 2,2-2,3%, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt khoảng 20 tỷ USD. Bên cạnh đó cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao cũng sẽ được tập trung để phát triển mạnh.
Năm 2017 đánh dấu bước tăng trưởng lớn của mặt hàng rau quả khi kim ngạch xuất khẩu tăng tới 40,5% đạt 3,45 tỷ USD. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét "Lần đầu tiên xuất khẩu rau củ quả vượt dầu thô và gạo. Đây là con số rất đáng mừng". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng có được điều này là do thực hiện lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, trong đó xác định hướng đi là khai thác tốt thị trường thế giới và tập trung nhóm giải pháp biến đổi khí hậu.
Năm nay, diện tích tích rau đậu các loại dự kiến đạt khoảng 1,12 triệu ha đồng thời ưu tiên phát triển các loại rau, hoa có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ. Diện tích cây ăn quả các loại dự kiến sẽ được nâng lên 930.000 ha, tăng 6.100 ha so với năm 2017.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Bộ sẽ tiếp tục rà soát chiến lược và điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường hơn, tránh tình trạng "giải cứu" nông sản như năm vừa qua. Song song với đó, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ dẫn chuyển sang quy mô công nghiệp tập trung, liên kết theo chuỗi và ứng dụng khoa học công nghệ; mở rộng chăn nuôi theo VietGAP. Năm nay, Bộ phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi từ 3,5-4,0%; khai thông thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, nhất là thị trường tiêu thụ thịt lợn.
Đối với ngành thủy sản , Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản từ 5,3 - 5,8% và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp dự kiến đạt 6,2 - 6,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
Kỹ thuật trồng cây sưa làm sao để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất quả thực không hề đơn giản. Bởi cây sưa là loài trồng lâu năm lại quý hiếm
Kỹ thuật trồng cây hoa Hồng sa mạc hiện được rất nhiều người quan tâm bởi đây là loài hoa dễ trồng, dễ chăm sóc lại có màu sắc rực rỡ, lạ mắt.
Kỹ thuật trồng cây hoa hồng leo tứ quý để tạo cho không gian ngôi nhà thêm phần lãng mạn, rực rỡ chỉ cần chú ý một chút tới khâu cắt tỉa