“Mùa Vàng” Với Người Trồng Sắn Sóc Trăng
Đến thời điểm này, những hộ nông dân trồng củ sắn (củ đậu) ở 4 ấp thuộc xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng) đạt lợi nhuận gần 50 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí. Đây được xem là “mùa vàng” với người trồng củ sắn ở xã An Thạnh Đông khi giá bán đạt... “kỷ lục” 7.000 đồng/kg!
Với giá cao như thế, trung bình mỗi công sắn ở xã An Thạnh Đông cho thu nhập cao gấp 5 lần thu nhập từ cây mía (giá mía tại huyện Cù Lao Dung hiện dao động từ khoảng 850 đồng - 1.000 đồng, tùy chữ đường).
Ấp Trương Công Nhựt được xem là “thủ phủ” củ sắn của xã An Thạnh Đông với diện tích gần 80 công, chiếm hơn 50% diện tích trồng củ sắn toàn xã. Tại đây, hộ trồng ít nhất 1 công, hộ trồng nhiều nhất trên 4 công. Bà Huỳnh Thị Kiến - ở ấp Trương Công Nhựt - vừa thu hoạch được trên 10 tấn củ đậu/công. Sau khi trừ chi phí, bà thu lãi trên 50 triệu đồng.
Bà Liến cho biết, từ lúc củ đậu... bén duyên với vùng đất này, chỉ mới năm nay, người trồng củ đậu mới đạt được lãi cao như vậy. Còn anh Quách Văn Út - ngụ cùng ấp - cũng đã có lời gần 200 triệu đồng từ 4 công sắn của mình.
Theo các hộ dân chuyên trồng củ sắn, chỉ cần sắn có giá từ 3.000 đồng trở lên là người trồng đảm bảo có lãi. Sở dĩ củ sắn năm nay có giá cao “kỷ lục” là do diện tích trồng ít, trong khi nhu cầu của thị trường lại cao (niên vụ vừa rồi, giá sắn chỉ có 4.000 đồng/kg).
Xuống giống vào đầu tháng 7 dương lịch và thu hoạch khoảng tháng 12, diện tích trồng củ sắn hằng năm ở An Thạnh Đông dao động từ 10 - 15 ha với năng suất trung bình từ 8 - 10 tấn/công, còn chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/công. Sau khi thu hoạch vụ sắn, bà con nông dân có thể trồng xen thêm một vụ bắp, khoai; sau đó là dâm mía giống để chuẩn bị cho vụ mía năm sau. Với củ đẹp và tròn, giống thuần chủng địa phương nên củ sắn trồng tại địa phương này luôn được các thương lái đến từ Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ... thu mua với giá cao.
Ông Phan Văn Đực - Trưởng ban Nhân dân ấp Trương Công Nhựt - cho biết, mặc dù mía được xem là cây trồng chủ lực của huyện Cù Lao Dung với diện tích trên 7.000 ha, thế nhưng ở xã An Thạnh Đông, ngoài cây mía thì trồng sắn luôn được duy trì và đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều năm trở lại đây, nhờ “đầu ra” ổn định nên người dân An Thạnh Đông càng yên tâm duy trì mô hình sản xuất hiệu quả này.
Có thể bạn quan tâm
Anh Nguyễn Đắc Hồng - Trưởng thôn Vạn Tuế (xã Tân Việt - Thanh Hà - Hải Dương) là một trong những người đi đầu trong phong trào nuôi rắn của huyện Thanh Hà.
Hiện nay, phong trào trồng xen canh trong vườn dừa, vườn cây ăn quả ở huyện Giồng Trôm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Đặng Công Bình (ấp 3 - xã Long Mỹ - tỉnh Bến Tre) là nông dân đầu tiên của huyện trồng thành công cây hồ tiêu xen trong vườn bưởi, đang trong giai đoạn thu hoạch.
Trà là thức uống quen thuộc của người Việt. Tại các chợ, lá trà xanh được bày bán như rau và luôn đắt hàng. Nắm bắt được nhu cầu, nhiều người đã tranh thủ phát triển loại cây trồng này trong diện tích vườn nhà hiện có để tăng thu nhập