Prices / Mô hình kinh tế

Mùa Măng Kiên Thành

Mùa Măng Kiên Thành
Author: 
Publish date: Wednesday. July 24th, 2013

Đến xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) vào những ngày giữa tháng Bảy, đi đến đâu cũng bắt gặp không khí nhộn nhịp, người bán người mua măng tre Bát Độ.

Những búp măng to, nặng 6 - 7kg vừa bẻ từ trên đồi về còn tươi nguyên được bóc vỏ cho vào nồi luộc đem bán cho nhà máy. Cây măng tre đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo ở xã vùng cao này. Với giá bình quân từ 3.200 - 4.000 đồng/kg, cả năm 2013, Kiên Thành thu trên 10 tỷ đồng.

Hai vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hoàn ở thôn 3, xã Kiên Thành vừa lên đồi thu hái măng về phấn khởi cho biết: “Từ sáng đến giờ, hai vợ chồng thu hái được 240kg măng tươi, bán luôn cho tổ thu mua của Công ty Vạn Đạt với giá bình quân 3.400 đồng/kg, thu 816.000 đồng. Tuy mới bước vào vụ được gần tháng nay nhưng nhờ chăm sóc tốt nên 2ha trồng từ năm 2009, gia đình đã thu hái 4 đợt được gần 1,7 tấn măng củ.

Nếu từ nay đến cuối vụ thời tiết thuận lợi thì chắc chắn thu không dưới 14 tấn măng. Trồng măng tre Bát Độ không tốn kém, đầu tư thấp và chỉ sau 3 năm là đã cho thu hoạch đều, bình quân cũng được 20 - 22 triệu đồng/ha/năm. Nhờ trồng măng mà cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn, con cái được học hành đầy đủ”.

Cũng như gia đình anh Hoàn, hàng trăm gia đình ở Kiên Thành đang được hưởng lợi từ cây măng tre Bát Độ, nhiều hộ đã trở nên giàu có. Đứng trước trụ sở UBND xã, Chủ tịch UBND xã Hoàng Minh Tú khoát một vòng tay rồi chỉ lên các quả đồi nói: “Các anh thấy đấy, trước đây, những quả đồi trước mặt này là đồi núi trọc thì nay đã được phủ xanh bằng măng tre Bát Độ. Toàn xã có 879 hộ dân thì trên 700 hộ thuộc 12 thôn, bản tham gia trồng”.

Năm 2012, xã trồng mới 113ha, đưa tổng diện tích măng toàn xã lên 1.000ha, trong đó 800ha đã cho thu hoạch và được quy hoạch thành 3 vùng chính: vùng thôn Đá Khánh có trên 100ha tập trung; vùng Khe Tối, thôn An Thịnh trên 200ha; vùng Khe Lũy trên 150ha.

Năm 2012, toàn xã thu hái được 6.000 tấn măng củ, bán thu về trên 8 tỷ đồng. Vụ thu hoạch năm 2013 mới bắt đầu gần 1 tháng mà bà con đã khai thác được gần 400 tấn măng, bán thu 1,2 tỷ đồng.

Để đảm bảo việc thu mua thuận lợi cho dân, Công ty Vạn Đạt, Ban Quản lý măng tre Bát Độ xã đã mở 15 đại lý thu mua đặt tại các thôn và các vùng măng tập trung, bà con thu hái xuống chân đồi là tổ chức cân thu mua và thanh toán tiền ngay.

Nhờ bán măng mà cuộc sống nhiều gia đình đã dần trở nên khá giả. Gia đình ông Hoàng Văn Luỹ thu 200 triệu đồng từ tiền bán măng; Hoàng Văn Liên thu 120 triệu đồng mỗi năm và một hai, năm nữa, số thu sẽ còn lớn hơn.

Dọc đường lên bản Đồng Ruộng, tre măng Bát Độ được trồng từ vườn nhà, lên đồi, xuống khe, đâu đâu cũng măng tre Bát Độ. Đồng Ruộng - nơi cư trú của 40 hộ dân, trong đó có trên 30 hộ đồng bào dân tộc Mông, trước đây luôn là bản có tỷ lệ hộ đói, nghèo cao nhất xã. Nhưng đến nay, cây măng tre Bát Độ đã làm thay đổi cả bản, gần như tất cả các hộ đều tham gia trồng và nay đã cho thu hoạch. Gia đình Giàng A Sáu trồng 4ha, tất cả đã cho thu hoạch, từ đầu vụ đến nay bán thu 15 triệu đồng.

Gia đình Giàng A Khay cũng trồng 3,5ha, thu bán được 12 triệu đồng. Nhà Giàng A Vừ có 5ha thì 4ha đã cho thu hoạch, giá trị đạt 19 triệu đồng/ha/năm. Chỉ cách đây ba, bốn năm về trước, Đồng Ruộng còn nghèo lắm, cứ tháng 8 hàng năm là cả bản cháo không đủ ăn. Bây giờ từ tiền bán măng, bà con đã chủ động được lương thực ăn hàng ngày.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Minh Tú quả quyết: “Nhằm xóa đói giảm nghèo, trước đây, xã đã đưa nhiều loại cây vào trồng, nào là quế, keo, bồ đề, luồng Thanh Hóa... nhưng không loại cây nào cho hiệu quả kinh tế cao và nhanh như cây măng tre Bát Độ.

Cây quế, cây keo hay bồ đề nếu chăm sóc tốt đều cho giá trị cao nhưng thời gian thu hoạch lâu, tối thiểu phải mất từ 8 - 10 năm, trong khi cuộc sống người dân còn nghèo. Với cây măng tre Bát Độ chỉ trồng 3 năm là đã cho thu hoạch thường xuyên, lâu dài. Không chỉ có vậy, trồng măng Bát Độ phát triển thành rừng nhanh, giảm tối đa trôi mòn đất, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Anh Thành ở thôn Gốc Đa đang gánh măng đi bán cho đại lý chia sẻ: “Tiếc quá các anh ạ, khi dự án măng đưa về trồng, cán bộ xã, huyện đến tận nhà vận động, công ty ứng giống, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì tôi không trồng. Sau thấy bà con trồng nhiều, gia đình cũng trồng thử 1ha, bây giờ cho thu hoạch, măng được giá thì lại không có mà bán.

Mùa trồng tới, tôi sẽ phá bỏ hết diện tích vườn tạp để trồng măng tre Bát Độ. Cây măng tre này cho hiệu quả kinh tế rất khá, nếu đầu tư chăm sóc bài bản phải đạt trên 10 tấn/ha”. Rõ ràng, cây măng tre Bát Độ đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét. Đó chính là thành quả của mối liên kết “4 nhà”.

Nhờ trồng quế, măng tre Bát Độ cùng với đầu tư thâm canh lúa nước, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, Kiên Thành từng bước thay da đổi thịt. Số hộ đói nghèo ngày một giảm, đã có 20% số hộ giàu, thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên; 99% số hộ mua được xe máy, ti vi. Trên 1.000 ha măng tre Bát Độ và hàng ngàn héc-ta cây nguyên liệu giấy đã và đang đến kỳ thu hoạch là cơ sở để xã vùng cao này thoát nghèo, đi lên làm giàu.


Related news

Mít Thái Siêu Sớm Cho Lợi Nhuận Cao Ở Hậu Giang Mít Thái Siêu Sớm Cho Lợi Nhuận Cao Ở Hậu Giang

Thời gian qua, nhà vườn ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) rầm rộ phát triển diện tích vườn cây ăn trái, từ đó nhiều nông sản của người dân tiêu thụ gặp không ít khó khăn, thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, đối với một số nhà vườn ở xã Đông Phước A thì ngược lại, đã chọn trồng và làm giàu từ cây mít Thái.

Wednesday. July 24th, 2013
Cá Chết Trắng, Người Dân Đắng Lòng Ở Thừa Thiên Huế Cá Chết Trắng, Người Dân Đắng Lòng Ở Thừa Thiên Huế

Trong mấy ngày qua, nhiều hộ nông dân nuôi cá lồng trên sông Bồ (huyện Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) hốt hoảng khi phát hiện cảnh cá chết và nổi trắng trên mặt sông.

Wednesday. July 24th, 2013
Nuôi Nghêu Hứa Hẹn Thắng Lớn Nuôi Nghêu Hứa Hẹn Thắng Lớn

Sau 2 năm liên tục nghêu bị thiệt hại nặng nề, năm nay, nghêu nuôi phát triển ổn định, không có hiện tượng chết bất thường và giá nghêu đang tăng cao. Do đó, diện tích nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang dần phục hồi, hứa hẹn thắng lớn.

Wednesday. July 24th, 2013