Prices / Mô hình kinh tế

Một Nương Sơn - Một Cót Thóc

Một Nương Sơn - Một Cót Thóc
Author: 
Publish date: Sunday. September 4th, 2011

Năm 1985, từ đống hoang tàn của một HTX, cái tên xã Thọ Văn xuất hiện trong danh sách địa chính huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ra đời muộn nhất huyện, nghèo nhất huyện nhưng với cây sơn, “đứa con út” nay đã vươn vai thành người khổng lồ.

Một đồng, một bầu không bỏ nghề sơn

Ở Phú Thọ có câu ca dao còn lưu truyền đến ngày nay: “Cổ Tích có cây bồ đề. Có giếng tắm mát, có nghề cắt sơn”. Cổ Tích là tên của một xã ở chân núi Đền Hùng đất tổ. Câu ca dao này đã tóm tắt được ba đặc điểm chính của vùng trung du Phú Thọ: Có cây bồ đề lấy gỗ làm diêm, có giếng đá ong đầy nước trong veo để tắm mát, có cây sơn cắt nhựa làm đồ thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật hội họa. Nhưng trải qua nhiều thăng trầm, nhất là những lúc nhựa cây sơn mất giá bị bỏ rơi, hỏi về cây sơn, cái tên xã Thọ Văn được người ta nhắc đến như một thủ phủ của loài cây đã lắm phen lên voi xuống chó.

Dọc theo con đường từ thị trấn Hưng Hóa về xã Thọ Văn là những rừng sơn bạt ngàn xanh thẳm. Người dân bảo, cây sơn một thời chết mòn, chết yểu do bán không được nên bị người dân “bỏ đói” nay đã được bù đắp.

Ông Hà Văn Tấn, Chủ tịch xã Thọ Văn chỉ thích nói chuyện về cây sơn. Lý do? Ông bảo: “Cha ông mình từng nói “một đồng, một giỏ không bỏ nghề trầu, một đồng, một bầu không bỏ nghề sơn”. Cây sơn nhanh ăn lắm, chỉ trồng trong khoảng 36 tháng đã “đẻ” ra tiền rồi, công chăm sóc ít, thu nhập cao. Có được một nương sơn tốt chẳng khác nào có một cót thóc trong nhà, chẳng bao giờ hết. Dân mình nợ cây sơn nhiều quá rồi. Sống nhờ sơn mà có lúc phụ bạc nó nên giờ có nói bao nhiêu vẫn thấy thiếu”.

Hiện Thọ Văn co 200ha sơn, trong đó cho sản phẩm khoảng 150ha. Dân trong xã giờ đã rút ra kinh nghiệm: Không trồng gì bằng trồng sơn. Cây sơn cho đều sản phẩm quanh năm, dao động từ 1,8 kg tới 2,2kg/năm/cây với mức giá tại vườn khoảng 150 đến 200 ngàn/kg thì gấp mấy trồng lúa. 90% dân Thọ Văn giờ sống nhờ sơn. Họ bảo chính loài cây này đã giữ con em ở lại làng mà chẳng phải tha phương cầu thực như những vùng quê khác.

Nói chuyện về vai trò kinh tế của cây sơn, từ việc thiếu ăn giờ đây ở Thọ Văn ô tô, nhà lầu, xe máy và nhiều thứ xa xỉ khác trở thành chuyện nhỏ. Gia đình ông Hồ Sĩ Thạch ở khu 3 là một minh chứng. 1.000 gốc sơn trước đây có lúc mất giá và ông thậm chí đã bỏ quên. Ngày nọ, lão nông này quyết tâm liều một phen khi cầm cố vay vốn của ngân hàng 20 triệu đồng để trồng thêm hơn 3.000 gốc cây sơn. Thời điểm đó ai cũng bảo lão khùng. Nhưng bây giờ, 4.000 cây khùng ấy mỗi ngày nhả ra 2 đến 3 kg sơn khiến mọi con mắt phải nhìn lão với vị thế kẻ lắm tiền nhiều của.

Sự thay đổi của gia đình ông Thạch chỉ là một trong rất nhiều điển hình khá giả ở Thọ Văn. Dân bản địa vẫn thường kháo nhau rằng, nếu ai đã từng 5 năm trở về trước có mặt ở Thọ Văn bây giờ mà trở lại hẳn đã thành người lạ. Họ  khẳng định, trên đất đồi, cây sơn cho mức thu nhập cao nhất so với các loại cây khác. 1 ha cây sơn theo thời giá hiện nay có thể cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, trong khi cây bạch đàn với chu kỳ kéo dài 7 năm nhưng thu nhập không cao. Trồng sơn chắc chắn có thể giàu.

Hãy lấy đất làm tài sản

Dân xã Thọ Văn có một phương châm: Cứ làm hết sức thì đất sẽ chẳng phụ người. Từ nương sơn đến đồng ruộng, hồ sen, dường như ở đây đất là thứ quý giá nhất. Cả xã có gần 800 hộ thì 30% trong số ấy có đất để làm trang trại. 240 hộ làm trang trại này được gọi là có của ăn của để. Cái triết lý sống nhờ đất ấy khiến dân Thọ Văn hầu như chẳng bỏ hoang một tấc đất nào. Hết lúa thì trồng sen, nuôi cá khiến người ta có cảm giác ở vùng quê này chẳng thiếu thứ gì.

Mô hình sen - cá cộng với cấy lúa một vụ, đầm Bạch Thủy khiến Thọ Văn ngày một giàu có

Vượt đỉnh đồi Tăng Teo, xã Thọ Văn cao chót vót trong cái nắng chói chang, vòng xe xuống tới khu 6, khu 2 là những ao đầm màu xanh ngút ngát của sen Bạch Thủy. Đã cuối vụ nhưng hương hoa sen vẫn thơm mát ngàn ngạt bay theo gió trưa òa vào không gian làm cho cái nắng dịu lại.

Với hướng đi đúng đắn, cuộc sống người dân Thọ Văn không ngừng được nâng lên, hiện mức thu nhập bình quân khoảng 17 triệu đồng/người/năm. Rất phấn khởi, nhưng cũng có một điều mà người trồng sơn lo lắng, nhựa sơn làm ra đều xuất khẩu ra nước ngoài với giá rất rẻ, họa may chỉ những cơ sở sản xuất sơn mài có uy tín, những người thấu hiểu giá trị của công nghệ sơn mài truyền thống Việt Nam mới sử dụng sơn ta.

Ngoài ra nhiều nhà sản xuất đã chuyển đổi sang sử dụng sơn polycite nhập từ Nhật Bản. Sơn polycite được điều chế từ nguyên liệu là sơn ta của Việt Nam, mủ sơn Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác. Loại sơn này rẻ chỉ bằng khoảng 2/3 giá sơn ta.

Đang thu hoạch sen, ông chủ đầm Trương Xuân Đài bỏ dở lên khoe với nhà báo: “Vụ sen này gia đình tôi thu được khoảng 35 triệu, còn gần 2ha cá dự tính thu lãi khoảng 100 triệu. Trong những năm qua với chủ trương khoanh vùng và cho đấu thầu của xã đưa ra không những gia đình tôi mà có hàng chục hộ dân trồng sen nuôi cá đã cho thu nhập cao”.

Không chỉ riêng cây sen, từ mô hình sen - cá cộng với cấy lúa một vụ, đầm Bạch Thủy đang sinh lợi. Riêng hạt sen ở thời điểm hiện tại có giá 50 ngàn/kg hạt khô thì số tiền có được từ cây sen cũng không phải nhỏ. Trừ chi phí, mỗi vụ ông Đài thu trên trên 135 triệu đồng. Lão nông này bảo chắc chắn sẽ nâng diện tích trồng sen lên 25 - 30 ha trong nay mai. Và khi đó, số tiền lãi sẽ không chỉ dừng lại ở con số trăm triệu một năm như hiện tại.

“Cây sen không khó nhân cấy, rất dễ trồng, trong lúc đó đầu ra cho khối lượng sản phẩm lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng sen nuôi cá đang phát huy thế mạnh, đem lại nguồn lợi lớn cho người dân và góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Việc tận dụng và phát huy tốt lợi thế của địa phương, cây sen, con cá không chỉ là hướng thoát nghèo mà nó còn mang trong đó “gan làm giàu” của không ít người dân say mê với cách làm ăn mới” - Chủ tịch xã Thọ Văn Hà Văn Tấn lại khoe.


Related news

Đến Lượt Miền Núi Phía Bắc Thê Thảm Cùng Sắn Đến Lượt Miền Núi Phía Bắc Thê Thảm Cùng Sắn

Còn hơn một tháng nữa là đến mùa trồng sắn, người dân không thể hiểu nổi giá sắn năm nay lại rớt thảm hại như vậy. Những tỉnh trồng nhiều sắn như Lào Cai, Yên Bái hiện còn cả chục ngàn ha sắn, nhổ cũng chết mà không nhổ cũng chết.

Sunday. September 4th, 2011
Nuôi Cá Tra Ở Đồng Tháp Mười Hướng Đột Phá Độc Đáo Nuôi Cá Tra Ở Đồng Tháp Mười Hướng Đột Phá Độc Đáo

Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng đất nhiễm phèn vốn không phù hợp với việc nuôi cá tra. Vậy mà hiện nay, mỗi năm đã có hàng chục ngàn tấn cá tra được nuôi ở ĐTM nhờ sức sáng tạo của nông dân địa phương. Một hướng đột phá độc đáo đang mở ra triển vọng lớn cho ĐTM và cả nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Sunday. September 4th, 2011
Nuôi Con Đặc Sản Chịu Nhiều Rủi Ro Nuôi Con Đặc Sản Chịu Nhiều Rủi Ro

Nắm bắt được nhu cầu thị trường ưa chuộng các loại thịt động vật ngoài những gia súc truyền thống, nhiều hộ dân ở các huyện ngoại thành (TP.HCM) đang rộ lên phong trào nuôi con đặc sản (thỏ, ếch, nhím, cá sấu…) để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu. Nghề này có thể giúp người dân thu lãi lớn nhưng cũng đối mặt với không ít rủi ro...

Sunday. September 4th, 2011