Một Mô Hình Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu
Tác giả:
Ngày đăng: 14/06/2012
Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp triển khai nhằm tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thiên nhiên trước những tác động do biến đổi khí hậu thông qua việc phục hồi và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vùng ven biển Bến Tre
Dự án đã chọn xã An Thủy (Ba Tri) để nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản trong điều kiện sinh thái rừng ngập mặn đang bị tác động bởi người dân và làm rõ vai trò của việc cải thiện hệ thống rừng ngập mặn nhằm đảm bảo tính bền vững nghề nuôi thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu. Địa điểm chọn thí điểm là cồn Tròn, cồn Hố tiếp giáp với biển, là nơi rất dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Diện tích của hai cồn khoảng 700 ha, trong đó đất nuôi thủy sản chiếm 360 ha, gồm 50% số hộ nuôi quảng canh cải tiến có diện tích nhỏ hơn 5 ha, 40% có diện tích từ 5 - 10 ha, 10% có diện tích nuôi lớn hơn 10 ha.
Tham quan ao nuôi tôm ở huyện Ba Tri.
Quá trình biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân, nhất là việc nuôi trồng thủy hải sản. Kết quả điều tra cho thấy, triều cường và quá trình biến đổi của thời tiết là hai nhân tố chính ảnh hưởng đến mô hình nuôi. Trong đó, triều cường chỉ tác động trực tiếp đến những hộ tiếp giáp ven biển, đặc biệt là những hộ không có trồng rừng ngập mặn phía bên ngoài để che chắn cho đầm nuôi của họ. Triều cường mỗi năm đều tăng dần lên. Thêm vào đó, những năm gần đây biển ở khu vực cồn Hố và cồn Tròn không còn bồi lắng như trước; ngược lại, biển đang xâm lấn vào nội địa làm ranh giới an toàn giữa đầm nuôi và biển ngày càng nhỏ lại. Vào mùa gió chướng, sóng to kết hợp với triều cường lớn thì việc duy trì và giữ vững các bờ bao vốn đã nhỏ là một việc hết sức khó khăn. Do đó, vào mùa này, có nhiều đầm nuôi bị vỡ bờ bao dẫn đến hiện tượng tôm, cua và cá thoát ra bên ngoài. Hộ nuôi không chỉ phải tốn công sức và chi phí để gia cố lại bờ bao mà còn thiệt hại nặng nề về kinh tế, thậm
chí còn phải làm lại bờ bao. Với diễn biến của thời tiết và biển đổi khí hậu như hiện nay, đất của người nuôi có thể bị mất dần. Ngoài ra, quá trình biến đổi phức tạp của thời tiết cũng tác động gián tiếp đến mô hình nuôi. Trước hết, lượng mưa làm thay đổi cả lịch mùa vụ. Những năm trước đây, mùa mưa thường kết thúc vào tháng 11, độ mặn của nước xung quanh khu vực cồn Hố và cồn Tròn tăng dần và có thể đạt trên 10 phần ngàn ở tháng 12. Khi đó, mùa vụ nuôi tôm sú có thể bắt đầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng mưa kéo dài, làm cho độ mặn xuống thấp. Kết quả đến tháng 1 năm sau vẫn chưa thả giống được. Vấn đề này không chỉ làm chậm đi mùa vụ nuôi mà còn làm xáo trộn việc cung ứng tôm giống, việc mua con giống sẽ trở nên khó khăn, giá cả sẽ đắt hơn nhưng chất lượng sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, sự biến động nhiệt độ giữa ngày và đêm cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của sinh vật nuôi. Ban ngày thì quá nóng, ban đêm thì quá lạnh. Quá trình này diễn biến thường xuyên sẽ làm cho sinh vật nuôi bị sốc và mầm bệnh sẽ
xuất hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trong đầm nuôi tôm ở cồn Hố và cồn Tròn. Đặc biệt là ở những đầm nuôi có ít sự che chắn bởi rừng ngập mặn. Qua quá trình điều tra, người nuôi tôm cho rằng thời tiết trong những năm gần đây luôn tác động đến nghề nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT). Ngoài yếu tố thời tiết, còn có yếu tố khác như môi trường và con giống. Do đó, dự án chưa đủ số liệu đánh giá được tác động của yếu tố thời tiết như thế nào lên những đầm nuôi quảng canh có trồng nhiều rừng ngập mặn, và những đầm nuôi quảng canh ít có trồng rừng ngập mặn. Từ đó, mức độ thiệt hại do dịch bệnh chiếm 50% - 70%, đặc biệt có khoảng 10% hộ bị thiệt hại đến 100%. Vì vậy, hiệu quả kinh tế rất thấp. Có 60% số hộ đầu tư dưới 5 triệu đồng/ha/năm, 40% hộ đầu tư 5 - 10 triệu đồng/ha/năm. Có khoảng 21% số hộ nuôi ở cồn Hố, 40% hộ nuôi ở cồn Tròn có tổng thu nhập thấp (dưới 10 triệu đồng/ha/năm). Trong khi đó, số hộ có thu nhập trung bình từ 10 - 20 triệu đồng/ha/năm chiếm 50% số hộ ở cồn Hố và 40% số
hộ ở cồn Tròn. Đặc biệt, số hộ có thu nhập cao trên 20 triệu đồng/ha/năm chỉ chiếm 28%. Các hộ có thu nhập cao nhờ thả thêm cua giống. Như vậy, tổng thu nhập cho 1 ha nuôi tôm QCCT chỉ 11,3 triệu đồng/năm.
Từ thực tế thí điểm của dự án cho thấy, để nghề nuôi tôm QCCT hiệu quả hơn thì cần có các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu thiết thực, hiệu quả hơn. Trước tiên, phải xây dựng hệ thống đê biển, đê sông, phương án chắn gió triều cường, qui hoạch trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ để hạn chế xói mòn và xâm lấn của biển, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn và đất ngập mặn ven biển. Đối với những đầm nuôi quảng canh tiếp giáp với biển, thì người nuôi nên trồng một số cây rừng ngập mặn (mắm, đước, tra, bần…) ven biển hoặc sát bờ sông để hạn chế xói mòn hay sự xâm lấn của biển. Đối với những đầm nuôi quảng canh không tiếp giáp với biển, người nuôi cũng nên trồng một số cây rừng ngập mặn (mắm, đước, tra, bần…) ngay bên trong đầm nuôi nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu giữa ngày và đêm. Đó cũng là nơi cư trú và là nguồn cung cấp thức ăn cho sinh vật thủy sản. Xây dựng hệ thống cảnh báo môi trường giúp tránh các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Xây dựng mối liên hệ cộng đồng giữa các hộ nuôi với nha
, giữa các hộ nuôi với các phòng, ban như: Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Khuyến ngư; đồng thời, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, quản lý mô hình nuôi, thiết kế đầm nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nông Dân Giỏi Và Trang Trại Khá Đặc Biệt
Ông có một trang trại khá đặc biệt. Từ trang trại này, ông trở thành nông dân SXKD giỏi của TP.Đà Nẵng và vinh dự được về Hà Nội dự Hội nghị Nông dân SXKD giỏi toàn quốc lần thứ IV sắp tới.
14/06/2012
Thí Điểm Mô Hình Chăn Nuôi Heo Sạch
Cục Chăn nuôi cho biết vừa đề nghị huyện Thống Nhất, vùng nuôi heo lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, xây dựng vùng điểm sản xuất thịt heo sạch.
14/06/2012
Ủ Chua Ngọn Và Lá Mía Để Nuôi Bò Thịt
Kinh nghiệm này xuất phát từ đề tài "Nghiên cứu biện pháp ủ chua ngọn lá mía làm thức ăn chăn nuôi bò thịt" của các nhà khoa học Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội do TS. Đặng Vũ Bình làm chủ nhiệm. Cận tôi xin ghi lại để bà con các nơi tham khảo, áp dụng.
14/06/2012