Một Mô Hình Nuôi Ếch Thành Công Ở Bến Tre
Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, đầu năm 2009, anh Nguyễn Văn Công, ngụ tại ấp Cầu Vĩ, xã Mỹ Chánh (Ba Tri - Bến Tre) đã phát hiện giống ếch Thái Lan khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất này. Gần 4 năm qua, gia đình anh nuôi ếch Thái Lan đạt hiệu quả kinh tế cao.
Từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu chưa đầy 2 triệu đồng, anh Công đã đầu tư làm hồ và nuôi khoảng 500 con ếch giống. Hồ được làm khá đơn giản, với diện tích 12 m2. Đáy hồ chỉ được làm bằng tấm nhựa để trữ nước, vách hồ được làm bằng lưới. Hồ nuôi đảm bảo kín đáo, không để ếch thất thoát. Sau thời gian nuôi 75 ngày là thu hoạch. Lúc này, ếch có trọng lượng trung bình mỗi con từ 250g đến 300g. Ở ngay lứa đầu, anh Công đã thu lãi trên 3 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư.
Thấy được hiệu quả khá cao từ việc nuôi ếch Thái Lan, anh Công tiếp tục giữ lại gần 100 con ếch to, khỏe làm giống; đồng thời, làm thêm 3 hồ nuôi. Hiện tại, anh có tất cả là 4 hồ và 4 vèo nuôi ếch Thái Lan. Trong đó, 4 hồ với tổng diện tích 64 m2 được dùng để nuôi ếch thương phẩm; 1 vèo diện tích 4 m2 nuôi trên ao để ươm ếch con; 2 vèo nuôi ếch giống sinh sản và 1 vèo để điều trị ếch bị bệnh.
Anh Công cho biết, từ 8 đến 10 tháng tuổi, ếch bắt đầu sinh sản. Trung bình mỗi con ếch có thể sinh sản từ 1.000 đến 4.000 trứng. Tỷ lệ trứng nở thành nòng nọc là khá cao. Nếu được chăm sóc tốt, có thể đạt từ 80 đến 90%. Trong thời gian 25 đến 28 ngày, nòng nọc sẽ rụng đuôi, thành ếch con. Ở giai đoạn này, nòng nọc chỉ ăn sinh vật phù du và thức ăn bổ sung khác. Vèo ươm nòng nọc thường có độ sâu từ 30 đến 50cm. Để hạn chế thất thoát do dịch bệnh, nguồn nước nuôi phải tương đối sạch và cần xử lý các mầm bệnh.
Anh Công cho biết thêm, ếch nuôi trong bể có mật độ dày thường mắc một số bệnh như: lở loét đỏ chân, sình bụng, mù mắt, quẹo cổ, thân có những đốm trắng. Khi mắc các bệnh này, nếu không chữa trị kịp, ếch sẽ chết rất nhanh. Do vậy, cần nhanh chóng phòng trừ khi phát hiện bệnh. Giống ếch Thái Lan rất dễ nuôi, nhưng cũng đã có khá nhiều hộ gặp thất bại do thực hiện chưa đúng kỹ thuật nuôi. Anh Công chia sẻ: Để đàn ếch phát triển, ít bị bệnh, điều quan trọng nhất là nguồn nước phải đảm bảo sạch và được khử khuẩn trước khi đưa vào bể nuôi. Thường xuyên thay nước trong bể nuôi. Ngoài ra, cần phân loại ếch đúng kích cỡ để tránh việc chúng ăn thịt lẫn nhau. Khi thấy ếch bị thương hay lở loét, phải tách riêng ra để dễ chăm sóc, điều trị.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi, đàn ếch của anh Công luôn sinh trưởng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi hồ nuôi 1.000 con, khi thu hoạch anh có lãi trên 5 triệu đồng. Hiện tại, 4 hồ nuôi ếch thương phẩm của anh đạt trên 1 tấn và đang trong giai đoạn thu hoạch. Ngoài ra, anh đang ươm trên 10.000 con ếch giống (khoảng 1 tháng tuổi) để chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo và cung cấp ếch giống cho những người có nhu cầu nuôi.
Nhiều hộ dân trong ấp đã học tập kinh nghiệm của anh để áp dụng. Điều mà anh Công đang hướng đến trong thời gian tới là liên kết với các hộ nuôi khác để tạo sản lượng lớn, đủ cung cấp cho thị trường; đồng thời, giúp các hộ nuôi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
“Nuôi dế tính ra sướng hơn nuôi heo” - đó là nhận xét của anh Phạm Quốc Nam (37 tuổi) ở ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu (Tây Ninh). Trước đây anh Nam đã từng nuôi heo, nay đã chuyển qua nghề nuôi dế.
Dịch cúm gia cầm ở Hà Tĩnh đang lây lan nhanh trên diện rộng và có nguy cơ trở thành đại dịch.
Nắng tháng 5 xối vào mặt, mồ hôi ướt đẫm lưng, nhưng hoạt động thu hoạch cá lóc tại ao nuôi cá nhà anh Huỳnh Văn Lượng (xóm 7, thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) rất sôi động. Vụ này cá nuôi phát triển tốt, lại được giá nên người nuôi cá rất mừng. Tuy nhiên, một vấn đề làm bà con “đau đầu” là ô nhiễm môi trường từ nuôi cá…