Prices / Tin thủy sản

Một huyện ở Nam Định có nhiều nông dân triệu USD nhờ nuôi tôm công nghệ cao

Một huyện ở Nam Định có nhiều nông dân triệu USD nhờ nuôi tôm công nghệ cao
Author: Kim Huyền
Publish date: Thursday. November 16th, 2023

Về Giao Thủy (Nam Định) những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, đúng vào dịp chuẩn bị vụ nuôi tôm mới phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tôi được tận mắt chứng kiến không khí sôi động trên các ao đầm. Xen kẽ những mái nhà bạt, những bể ao nuôi nổi đang được cấp tập xây đắp, trải cát, bạt nhựa, dựng cột,…

“Chim đầu đàn” nuôi tôm công nghệ cao ở Giao Thủy

Với lợi thế là tỉnh có 72km đường bờ biển, Nam Định xác định kinh tế biển là mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội giúp nâng cao đời sống của người dân. Trong nhiều loại thủy sản được coi là thế mạnh của tỉnh Nam Định như ngao, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, cá vược, cá song,… thì tôm được coi là đối tượng nuôi chủ lực. Những năm qua người dân Nam Định đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào việc nuôi tôm nước lợ, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ở huyện Giao Thủy, khi nhắc đến mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Cao Văn Ba ở xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong thì không ai là không biết. Bởi, đây chính là mô hình nuôi tôm công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện Giao Thủy.

Một góc ao nuôi tôm của ông Cao Văn Ba (xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Hải Hậu). Ảnh: Kim Huyền

Gắn bó với con tôm thẻ chân trắng từ năm 1998, từ một hộ nuôi truyền thống nhỏ lẻ thu nhập thấp, đến nay ông Cao Văn Ba đã sở hữu mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng với quy mô tới 5 ha ứng dụng công nghệ cao.

tu dieu khien Tima

Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa

Ông Cao Văn Ba sinh ra và lớn lên ở quê hương miền biển Giao Thủy, Nam Định, xuất thân từ 1 gia đình nghèo khó và là 1 thương binh trở về sau chiến tranh chống Mỹ. Với khao khát và quyết tâm thoát nghèo, ông Ba đã liều mình chọn cho mình một hướng đi mạo hiểm. Đó là đầu tư 1 số vốn lớn để xây hệ thống ao đầm phục vụ cho nuôi tôm thẻ chân trắng.

Chia sẻ với tôi, ông Cao Văn Ba (xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) thông tin: “Nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải đầu tư bài bản trang thiết bị, như phải có sủi,  có quạt. Tùy theo ao, nếu ao nhỏ khoảng 300 m2 thì cần đầu tư khoảng 2 quạt, nếu ao khoảng 500 m² vào cần đầu tư khoảng 3 quạt kết hợp cả sủi. Mật độ tôm dày đến đâu thì bổ sung thêm quạt đến đó, nếu nuôi tôm với mật độ dày hơn có thể phải dùng đến 5 -6 quạt. Thứ hai là phải có hiểu biết về con tôm rất là tốt thì mới nuôi được công nghệ cao. Nuôi tôm công nghệ cao thì có lợi nhuận cao hơn năng suất tốt hơn từ đó giúp thu nhập cao hơn.

Nhiệt tình dẫn đoàn khách đi xem và chứng kiến tận mắt mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Ba, chúng tôi mới thấy công sức và tâm huyết mà ông Ba đã dành cho việc xây dựng và làm nên khu vực nuôi tôm công nghệ cao này lớn đến nhường nào.

Trên tổng diện tích 5 ha thì có đến 3 ha được ông Ba sử dụng thành 50 ao nuôi tôm với diện tích từ 300 – 1.000 m². 2 ha ta còn lại là diện tích của 5 ao lắng và 1 ao chứa được ông Ba dùng để xử lý nước biển trước khi đưa vào các ao nuôi tôm.

Vừa chỉ tay cho chúng tôi xem, ông Ba vừa ân cần nói: “Tất cả 50 ao nuôi tôm đều được thiết kế là dạng ao nổi. Đó là thay vì đào ao sâu xuống đất thấp hơn mực nước biển theo phương pháp truyền thống trước kia, các ao nuôi này đều được thiết kế có đáy cao hơn mực nước biển từ 30 – 40 cm thành xây cao khoảng 1,7 m và được lót bạt ở bên trong. Nhờ đó ao nuôi đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng đồng thời dễ dàng cải tạo vệ sinh phơi đáy nên hạn chế mầm bệnh, hạn chế được rủi ro cho đàn tôm nuôi”.

Hệ thống ao, bể nuôi được ông Ba đầu tư trang thiết bị bài bản. Ảnh: Kim Huyền

Theo quan sát của tôi, bên trên các ao nuôi được ông Ba dựng thêm khung mái. Mùa hè ông Ba dùng lưới lưới đen che toàn bộ ao để giảm cường độ ánh sáng còn mùa đông đông dùng ni lông phủ kín đến chân ao để giữ ấm cho tôm. Nhờ đó môi trường ao nuôi ít biến động, nhiệt độ ổn định giúp ông Ba nuôi tôm được quanh năm kể cả trong mùa Đông.

Từ từ kể cho chúng tôi nghe, ông Ba chia sẻ: “Chúng tôi đang nuôi tôm mùa Đông. Khoảng từ tháng 9 đến đầu tháng 10 (âm lịch) thì bắt đầu lợp mái lên để giữ nhiệt cho ao nuôi. Để làm sao cho ở bên ngoài nhiệt độ vào khoảng 15 độ C thì ở trong sẽ khoảng 25 độ C. Có như vậy thì mới đảm bảo được nhiệt độ để con tôm ăn và phát triển tốt được. Nếu không lợp mái và không làm nhà bạt thì con tôm khi lột ra nhiệt độ thấp dễ bị chết và tôm sẽ không lớn được.”

Để thu được lợi nhuận cao, ông Ba thường chọn thả nuôi tôm từ tháng 6 (âm lịch) rải rác cho đến tháng 9 (âm lịch), tôm sẽ cho thu hoạch từ tháng 10 (âm lịch) đến dịp lễ 30/4 và 1/5. Đây chính là nuôi tôm trái vụ đồng thời cũng là thời điểm giá tôm cao nhất trong năm. Nuôi tôm trái vụ -điều mà trước đây nuôi trong ao truyền thống không làm được bởi những tháng cuối năm ở miền Bắc nhiệt độ thấp rất khó để nuôi tôm.

Tôm thương phẩm được bán cho lái thương ngay tại đầm.

Ông Cao Văn Ba hồ hởi chia sẻ chi tiết với chúng tôi: “Thứ nhất, mật độ nuôi tôm công nghệ cao nên ở vào khoảng 300 con/m² , trung bình 1.000 m² vào thì nuôi được khoảng 6 tấn tôm so với phương pháp truyền thống thì 1.000 m² chỉ nuôi được khoảng 2 – 3 tấn tôm. Rõ ràng, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn dẫn đến việc thành công sẽ lớn hơn”.

Chính nhờ mạnh dạn đầu tư và áp dụng vào mô hình nuôi tôm công nghệ cao mà suốt 10 năm qua vụ tôm nào gia đình ông Cao Văn Ba cũng thắng lợi. Tôm nuôi lớn nhanh khỏe mạnh đạt được kích cỡ to từ 28 đến 30 con/kg. Từ đó giúp tăng sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích, tôm thương phẩm bóng đẹp không có dư lượng kháng sinh nên được khách hàng rất ưa chuộng.

Ông Cao Văn Ba chia sẻ, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hàng năm thu nhập hàng tỷ đồng. Từ năm 2018 – 2022 đạt doanh thu 6 tỷ đồng/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2023 thu hoạch 60 tấn tôm thẻ đạt 14 tỷ đồng, trừ chi phí còn thực lãi 6 tỷ đồng.

Nuôi tôm công nghệ cao ở Giao Thủy: Mỗi ha cho ra…tiền tỷ

Cũng đang sở hữu mô hình nuôi tôm công nghệ cao, anh Trần Văn Thủy thuộc thế hệ những nông dân 8x ở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy cũng học hỏi đức rút kinh nghiệm từ những hộ nuôi trước cùng với sự năng động của tuổi trẻ cùng với sự năng động của tuổi trẻ, anh Thủy đã thiết kế mô hình nuôi tôm công nghệ cao của mình một cách quy mô và bài bản.

Trên diện tích gần 3 ha toàn bộ các ao nuôi tôm đều được anh Thủy xây dựng trong nhà với hệ thống mái che cố định phủ bạt của Israel có thể chịu được thời tiết nắng mưa trong nhiều năm.

Anh Trần Văn Thủy kiểm tra tình hình phát triển của tôm. Ảnh: Đào Cảnh.

Anh Trần Văn Thủy tâm sự: “Quy mô nuôi tôm công nghệ cao của tôi bao gồm từ khu xưởng ương giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến giai đoạn tôm thịt là gồm ba giai đoạn. Tất cả quy trình đều xử lý nước và nuôi tôm khép kín trong nhà kính.  Việc làm này sẽ giúp kiểm soát được sự dao động của nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm đồng thời kiểm soát được dao động giữa môi trường nước thì con tôm sẽ khỏe hơn so với nuôi ở ngoài trời rất nhiều”.

Hiện tại, cả 30 ao nuôi tôm thì cả 30 ao đều được anh Thủy làm bằng xi măng có lót bạc. Ao nào cũng được anh bố trí đường ống dẫn nước nước sạch vào và thải nước bẩn từ trong ra. Các ao đều được lắp đặt hệ thống máy quạt nước, hệ thống sủi bọt tạo oxy, giúp tôm có được môi trường tốt nhất để phát triển.

Anh Thủy ckhông ngần ngại chia sẻ: “Mặc dù nuôi tôm công nghệ cao nhưng tôi không nuôi tôm trực tiếp trong một bể từ lúc thả đến lúc xuất bán mà chia thành 3 giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1, ương tôm từ lúc thả cho đến lúc khoảng 30 ngày tuổi. Lúc này, khi tôm đạt kích cỡ từ 500 đến 700 gram sẽ được đưa sang ao nuôi ao khác nuôi tiếp ở giai đoạn 2.

Ở giai đoạn 2 tôm sẽ được san vào các bể với số lượng con giảm đi, tôm được nuôi đến khi đạt kích thước từ 120 đến 200 con/kg thì chuyển sang giai đoạn 3.

Và ở giai đoạn 3, đây là giai đoạn nuôi tôm thương phẩm, tôm sẽ tiếp tục được chuyển vào các ao có diện tích lớn hơn và được nuôi từ 30 đến 40 ngày cho đến khi đạt kích thước từ 30- 40 con/ kg”.

Theo anh Thủy thì việc chia tôm trên thành từng giai đoạn như trên sẽ giúp anh dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước, từ đó giúp tôm sinh trưởng phát triển đồng đều và cho trọng lượng lớn hơn.

“Nuôi tôm công nghệ cao thì mình sẽ nuôi được mật độ tôm dày hơn và tôm sẽ có size to hơn, sức khỏe của tôm sẽ tốt hơn”, anh Trần Văn Thủy kể tường tận với chúng tôi.

Đoàn công tác của lãnh đạo huyện Giao Thủy thăm mô hình nuôi tôm cho thu nhập cao của hộ gia đình anh Trần Văn Thủy.

Nếu như trước kia với việc nuôi tôm trong ao đất truyền thống, mỗi năm anh Thủy chỉ có thể thực hiện được 2 vụ và chỉ nuôi trong mùa Hè do thời gian của mỗi vụ kéo dài có khi tới 5 tháng thì nay nhờ áp dụng công nghệ cao, mỗi vụ tôm của anh Thủy rút ngắn chỉ còn hơn 3 tháng, đặc biệt anh Thủy còn có thể nuôi tôm quanh năm, từ mùa Hè sang mùa Đông liên tục nhiều vụ hối nhau. Hơn nữa giá tôm nuôi vụ Đông có thể cao gấp đôi nuôi chính vụ trong mùa Hè.

“Nuôi tôm công nghệ cao thì sản lượng ra tương đối tốt, gấp khoảng 2 đến 3 lần so với phương pháp nuôi tôm truyền thống và độ rủi ro cũng được giảm thiểu tối đa” – anh Thủy cho biết.

“Nuôi tôm công nghệ cao, với khoảng 300m2 có thể đạt năng suất từ 1,6 – 2 tấn. Hiện, mỗi năm gia đình cung cấp khoảng 150 – 250 tấn tôm thương phẩm ra thị trường, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng”, anh Thủy phấn khởi nói.

Áp dụng khoa học công nghệ để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững

Là một trong những huyện trọng điểm nuôi thủy sản của tỉnh Nam Định, huyện Giao Thủy hiện có đến 60 cơ sở nuôi tôm công nghệ cao với diện tích gần 50 ha chiếm tới 12% tổng diện tích nuôi tôm của cả huyện tập trung ở các xã: Giao Phong, Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Quất Lâm. Sản lượng trung bình của một ha nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 40 đến 50 tấn, cho doanh thu khoảng từ 15 đến 20 tỷ đồng một ha một vụ, đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao truyền thống.

Ông Trần Quang Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Giao Thủy nhận định: “Kết quả nuôi tôm công nghệ cao những năm gần đây cho thấy việc nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao giúp người nông dân kiểm soát được nhiều vấn đề như môi trường nước, nhiệt độ và các yếu tố khác đặc biệt là về môi trường nước.

Thứ hai, nuôi tôm công nghệ cao cũng giúp cho việc kiểm soát các đối tượng là côn trùng, động vật bên ngoài là môi giới trung gian lây truyền bệnh vào các vùng nuôi.

Thứ ba, trong nuôi tôm công nghệ cao đó là giúp điều hòa nhiệt độ tốt hơn so với nuôi truyền thống. Và hiệu ứng nhà bạt giúp cho giảm nhiệt độ trong mùa Hè và tăng nhiệt độ trong mùa Đông giúp cho môi trường nuôi ổn định hơn so với thông thường. Đặc biệt nuôi theo hướng công nghệ cao sẽ nuôi được mật độ cao hơn hẳn so với thông thường và sử dụng các loại thức ăn phù hợp đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm dẫn đến giúp cho con tôm khỏe mạnh đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với nuôi truyền thống.”

Nuôi tôm công nghệ cao giúp cho nghề nuôi tôm của tỉnh Nam Định phát triển bền vững

Bà Hoàng Thị Tố Nga – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định cho biết: “Nam Định hiện có khoảng 150 ha nuôi tôm công nghệ cao với gần 100 hộ tham gia. Với mô hình này sẽ giúp cho nghề nuôi tôm của tỉnh Nam Định phát triển bền vững. Bởi, khi nông dân nuôi tôm công nghệ cao thì sẽ chủ động trong sản xuất và không bị phụ thuộc vào thời tiết mùa Đông hay mùa Hè nhiệt độ cao hay nhiệt độ thấp, chủ động hoàn toàn trong khâu sản xuất. Ngoài ra, họ có thể nuôi được quanh năm giúp sản lượng tương đối ổn định”.

Bà Nga cũng nhấn mạnh: “Đặc biệt là với nuôi tôm công nghệ cao, người nông dân dễ dàng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chủ động được nguồn nước, phòng chống dịch bệnh. Tỉnh Nam Địnhncũng khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ nông dân nuôi tôm công nghệ cao hoạt động tập trung trong những vùng đã được quy hoạch”.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã giúp giảm thiểu những bất lợi của thời tiết và dịch bệnh cho người nuôi tôm trong những năm gần đây với một môi trường nơi khép kín cách ly dịch bệnh có thể nuôi thâm canh với mật độ cao đã mang đến cho người nuôi tôm nhiều lợi ích như giảm rủi ro dịch bệnh cho tôm, nâng cao năng suất và chất lượng con tôm, người nuôi hoàn toàn có thể chủ động về thời vụ trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tránh tình trạng được mùa mất giá từ đó tăng giá trị của con tôm.

Giao Thủy cùng với Hải Hậu hiện là hai huyện có diện tích nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất của tỉnh Nam Định. Các mô hình công nghệ cao này đã giúp người nuôi tôm nước lợ của tỉnh Nam Định những năm qua phát triển ổn định đem lại hiệu quả kinh tế cao và tạo nên rất nhiều tỷ phú nuôi tôm ở đây.

may quat nuoc HS

MÁY QUẠT NƯỚC HS

- Oxy hoà tan cao

- Tạo dòng mạnh, xi phong tốt

- Ưu điểm:

   + Tiêu thụ điện năng thấp

   + Tiêu chuẩn ISO-9001

   + Chất lượng vượt trội

- Ứng dụng:

   + Nuôi tôm thâm canh

   + Nuôi tôm trong nhà

   + Hệ thống ương nuôi tôm


Related news

Các giải pháp phòng chống hạn mặn, mùa khô năm 2023-2024 của ngành thủy sản Các giải pháp phòng chống hạn mặn, mùa khô năm 2023-2024 của ngành thủy sản

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh.

Thursday. November 16th, 2023
Nghệ An sản xuất thủy sản phát triển ổn định Nghệ An sản xuất thủy sản phát triển ổn định

Theo Chi cục Thủy sản Nghệ An, thời tiết tháng 10/2023 thuận lợi cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Thursday. November 16th, 2023
Độ ẩm yếu tố dinh dưỡng quan trọng Độ ẩm yếu tố dinh dưỡng quan trọng

Tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản đang là thách thức của toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều hãng đã bỏ qua một yếu tố quan trọng là quản lý độ ẩm

Thursday. November 16th, 2023