Mở Rộng Mô Hình Chăn Nuôi Hươu Quy Mô Lớn Ở Hương Sơn (Hà Tĩnh)
Lâu nay, nghề chăn nuôi hươu ở huyện miền núi Hương Sơn đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đặc biệt trong thời gian gần đây bằng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp nên nghề chăn nuôi hươu trên địa bàn đã có bước phát triển vượt bậc, việc xây dựng mô hình theo hướng tập trung hàng hóa thực sự có sức lan tỏa rộng lớn trong nếp nghĩ, cách làm của hầu hết người dân.
Sơn Thủy là xã có địa bàn rộng, dân số đông và đây cũng là địa phương có nghề chăn nuôi hươu khá phát triển. Trên dọc trục đường từ ngã ba Nầm đi vào trung tâm xã đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân kháo nhau về chuyện vay vốn hỗ trợ lãi suất, đầu tư xây dựng chuồng trại, lựa chọn mua con giống, chủ động nguồn thức ăn đàn hươu…
Được tiếp xúc với những người dân luôn coi đàn hươu là vật nuôi chủ lực, mới cảm nhận hết niềm vui và thấu hiểu cả những khó khăn mà họ gặp phải khi gắn bó với nghề chăn nuôi truyền thống. Bởi họ cho rằng hươu là vật nuôi dễ mang lại lợi nhuận kinh tế nhưng cũng không ít những rủi ro. Vì có thời điểm hươu hay ăn, chóng lớn, sản phẩm nhung được giá, nhưng cũng có không ít khi hươu ốm yếu, giá nhung bị trượt mạnh nên thu nhập chưa đủ chi phí đầu tư, công chăm sóc, nuôi dưỡng.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Đoàn Quang Thưởng ở xóm Hương Thủy xã Sơn Thủy cho biết: Gia đình anh hiện nuôi 24 con hươu. Để đàn hươu sinh trưởng, phát triển tốt bên cạnh tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp, anh phải giành gần như toàn bộ quỹ đất vườn để trồng cỏ cao sản và các loại cây nguyên liệu khác nhau nhằm chủ động nguồn thức ăn. Nhờ chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đúng quy trình nên trong vài năm trở lại đây đàn hươu của gia đình đã bắt đầu cho hiệu quả kinh tế.
Bình quân mỗi năm gia đình anh Thưởng thu nhập từ 5-6kg nhung hươu và kết hợp bán từ 4-5 con hươu giống, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi trên 70 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn, song trên thực tế chi phí đầu tư, công chăm sóc cho đàn hươu cũng không hề đơn giản. Vì theo anh Thưởng ở xã Sơn Thủy đã từng có một số hộ dân đầu tư nguồn vốn khá lớn nhưng chăn nuôi không đúng khoa học kỷ thuật, thức ăn kém nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, thậm chí có hộ còn rơi vào cảnh nợ nần khi hươu bị ốm, bị chết hoặc các rủi ro chẳng may gặp phải.
Sau một thời gian đầu tư phát triển, đến nay, tổng đàn hươu ở huyện Hương Sơn đạt trên 28.500 con, tăng bình quân mỗi năm là 12%. Điểm nổi bật là huyện đã xây dựng thành công 125 mô hình chăn nuôi hươu quy mô từ 10 con trở lên, trong đó có 9 mô hình quy mô trên 50 con. Năm 2012 thu nhập từ nhung hươu và bán hươu giống trên địa bàn toàn huyện ước đạt khoảng 120 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với các vật nuôi khác. Các xã có phong trào chăn nuôi hươu phát triển mạnh, cho thu nhập cao gồm: Sơn Lâm, Sơn Giang, Sơn Quang, Sơn Trung và Sơn Thủy.
Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Xác định hươu là vật nuôi chủ lực trong đề án phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy để thực hiện mục tiêu đến cuối năm nay nâng tổng đàn hươu toàn huyện đạt trên 31 nghìn con, huyện Hương Sơn đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi cho nhân dân. Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Quyết định 24, 26 của UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban ngành trong huyện đang tích cực phối hợp triển khai thực hiện Quyết định 117 của UBND huyện Hương Sơn.
Theo đó, huyện sẽ áp dụng hình thức hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi hươu từ 10 con trở lên là 1 triệu đồng/con và mô hình từ 50 con trở lên sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng/mô hình. Những chính sách hỗ trợ này thực sự đã và đang tạo nhiều thuận lợi cho bà con nhân dân trong đầu tư xây dựng mô hình đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các hộ chăn nuôi gặp phải.
Cũng theo ông Thọ, điều đáng ghi nhận là sau khi được tuyên truyền vận động hầu hết người dân đã thay đổi tư duy nhận thức, mạnh dạn vay vốn, mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại đúng quy chuẩn và mua hươu giống về nuôi. Đặc biệt hơn đối với các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn trong dịp này thì trước đó đã được các cấp, các ngành khảo sát, lựa chọn về nhu cầu năng lực và có định hướng đầu tư rõ ràng, nên không ai vay vốn sử dụng vào mục đích khác.
Ngoài ra, nhằm tạo hướng phát triển lâu dài, bền vững UBND huyện Hương Sơn đang tục tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và các Hợp tác xã chăn nuôi hươu tiếp tục phối hợp tập huấn chuyển giao KHKT, phòng chống dịch bệnh cho đàn hươu. Mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nhung hươu và hươu giống để giúp bà con nhân dân mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, chăn nuôi tập trung hàng hóa.
Hươu là vật nuôi khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất đồi Hương Sơn và đã từng mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Từ việc xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi hươu đã và đang mở ra nhiều triển vọng để cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hương Sơn tiếp tục đầu tư phát triển nghề nuôi hươu, góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Related news
Tại xã Phú Sơn (Chợ Lách - Bến Tre), phong trào làm cây giống phát triển gần 10 năm nay, với 2 loại cây chủ lực là mít và xoài. Nhờ sản xuất cây giống, không ít hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Ngày 20.6, ông Nguyễn Đình Xuân – cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn (Bình Đinh) cho biết: Hơn một tuần qua, tôm hùm giống xuất hiện nhiều tại vùng biển ven bờ ở Nhơn Lý, thuyền của ngư dân chuyên làm mành tôm tập trung khai thác, một đêm mỗi thuyền khai thác được từ 30 – 100 con tôm hùm giống.
Dừa xiêm lùn là loại cây trồng thích nghi với nhiều vùng đất, có sức sinh trưởng và phát triển mạnh, chống chịu với sâu bệnh tốt, ngoài ra còn tạo cảnh quang, bảo vệ môi trường, che chắn gió bão,... Ngoài ra, dừa hiện nay được xem là loại cây ăn quả có nhiều tiềm năng và triển vọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao và lợi ích xã hội.