Mô Hình Trồng Rau An Toàn
Hiện nay, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học đang được mở rộng trên toàn quốc vì đây là mô hình thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, an toàn cho người tiêu dùng và không hại đến môi trường. Tại huyện Bình Đại, diện tích trồng rau an toàn đang dần được mở rộng, đặc biệt hai xã Châu Hưng và Phú Long là 2 xã tiên phong trong phong trào chuyển đổi canh tác trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học, đem lại an toàn và lợi nhuận cho người dân.
Từ nhiều năm trước đây, đa số bà con nông dân trồng theo kinh nghiệm của mình, sử dụng phân bón, thuốc hóa học chưa được hợp lý. Từ đó, đưa đến nhiều hệ quả ngấm ngầm nhưng vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, đất đai bị thoái hóa, năng suất cây trồng ngày càng giảm, sâu bệnh hại rau ngày càng phát triển và khó khăn trong việc kiểm soát, phòng trừ. Vì vậy, việc áp dụng mô hình “Sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học”, ứng dụng các chế phẩm vi sinh vào trong sản xuất rau đang là nhu cầu bức thiết và cần được nhân rộng trong cộng đồng.
Năm 2009, Châu Hưng là xã đầu tiên của huyện được chọn thí điểm thực hiện mô hình và thành lập 1 tổ trồng màu an toàn gồm 13 thành viên với diện tích trồng khoảng 10 ha. Theo nhiều nông dân ở xã cho biết, việc dùng phân hữu cơ để trồng màu đã được áp dụng từ nhiều năm trước nhưng bà con trồng theo không quy hoạch, chưa biết áp dụng kỹ thuật và còn phụ thuộc nhiều vào thuốc hóa học dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được thí điểm triển khai, bà con nông dân trong xã được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dần dần nghề trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học được định hình và lan rộng diện tích trồng. Đến nay, diện tích trồng rau theo mô hình này là 30 ha, chiếm diện tích trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học nhiều nhất huyện.
Đối với Xã Phú Long thì còn khá mới trong việc áp dụng mô hình này. Xã có tài nguyên đất đai màu mỡ, nhất là đất nông nghiệp chiếm 85,83% diện tích toàn xã, người dân sống chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Từ tháng 5/2011, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bến Tre, Trạm khuyến nông-Khuyến ngư huyện phối hợp với UBND xã Phú Long thực hiện mô hình canh tác rau màu theo hướng hữu cơ sinh học tại xã. Tham gia mô hình gồm 19 hộ nông dân trồng màu tại ấp Giồng Kiến với diện tích là 4 ha. Qua đó, bà con nông dân được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách sử dụng chế phẩm phục vụ trong trồng trọt, các phương pháp và kỹ thuật canh tác rau an toàn theo hướng sinh học, cách trồng và chăm sóc rau. Đồng thời, nông dân còn được hỗ trợ 4 triệu đồng/1 ha đất trồng rau theo mô hình. Theo báo cáo tổng kết, qua quá trình thực hiện cho đến nay, bà con nông dân đã nắm vững các quy trình sản xuất, các chế phẩm đã được ứng dụng một cách đồng bộ đạt kết quả khá cao. Phân hữu cơ, phân vi sinh có thể thay thế tương đương phân hóa học mà vẫn đảm bảo được năng suất và chất lượng rau, lượng thuốc và phân hóa học giảm từ 9%-14% so với trồng đại trà. Từ đó, vào 1 vụ trồng rau ngắn ngày như rau muống, cải bẹ xanh... Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 4-5 triệu đồng/1.000m2 đất, tăng lên gần 1.000.000 đồng so với cách trồng trước đây.
Hiện nay, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học đang được triển khai thí điểm tại vùng đất giồng cát ven biển, xã Thừa Đức được chọn thí điểm đầu tiên từ đầu tháng 11/2011. Tham gia mô hình gồm 5 hộ canh tác trên 4 ha đất giồng cát, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông -Khuyến ngư huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ phân vi sinh với tổng kinh phí trên 5 triệu đồng. Theo kế hoạch của Trạm khuyến nông-Khuyến ngư huyện, năm 2012 trạm sẽ thí điểm mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học tại vùng ngọt hóa ấp Bình Phú, xã Thạnh Trị.
Theo bà Đỗ Thị Nga-Kỹ sư nông nghiệp tại Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Bình Đại cho biết: “Mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học là trồng rau màu theo phương pháp dùng các loại phân hữu cơ thay thế cho phân hóa học. Công thức bón phân chủ yếu là 25 kg phân hữu cơ hòa vào 1 kg phân hóa học. Phân hữu cơ sẽ cung cấp đầy đủ 13 chất vi, trung lượng cho cây trồng và hiệu quả lợi ích còn lâu dài cho vùng đất và cây trồng. Quy trình sản xuất, kỹ thuật trồng trọt vẫn theo kinh nghiệm của người dân. Ngoài ra, phương pháp ứng dụng phân hữu cơ còn ứng dụng loại nấm Tricoderma vào quy trình bón lót cho rau màu, giúp khống chế nguồn bệnh trong đất trồng, bảo vệ bộ rễ khỏi sâu bệnh, đặc biệt là dưa hấu, củ cải”.
Mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Điển hình như ông Nguyễn Ngọc Thành, ấp Hưng Thành, xã Châu Hưng, sau khi tìm hiểu học hỏi mô hình, ông áp dụng thành công trên 6.000 m2 đất của mình, ông trồng xen canh 3 vụ ớt, 1 vụ bắp, sau khi trừ chi phí ông thu lãi khoảng 20-30 triệu đồng/1vụ. Ông Nguyễn Văn Tân, ấp Giồng Kiến, xã Phú Long, ông trồng xen canh các loại rau như rau muống, cải bẹ xanh, rau ăn lá và canh tác theo hướng hữu cơ sinh học trên 1.500 m2. Gần 7 tháng canh tác, ông thu hoạch được 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 40 triệu đồng.
Nhìn chung, chương trình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân sản xuất và là một hướng đi đúng cho người dân trồng trọt góp phần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường xung quanh.
Related news
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bắc Giang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT một số huyện, thành phố đang thực hiện một số mô hình nuôi thuỷ sản như nuôi ghép cá rô phi đơn tính theo hướng an toàn sinh học tại xã Tư Mại, Tiến Dũng (Yên Dũng), xã Nghĩa Hồ, Thanh Hải (Lục Ngạn) với diện tích 1 ha; nuôi cá chim trắng theo hướng an toàn sinh học tại xã Yên Mỹ (Lạng Giang) và nuôi cá trắm đen trong ao tại xã Thái Sơn (Hiệp Hoà) với diện tích 0,5 ha.
Như NNVN đã đưa tin loài dịch hại mới xuất hiện và gây hại trên cây có múi ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng). PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh, Bộ môn BVTV, Trường ĐH Cần Thơ xác định đó là sâu đục trái cây có múi, có tên khoa học là Citripestis sagittiferella Moore.
Những ngày qua, giá cà phê tại các tỉnh Tây nguyên đã tăng vượt mốc 43 triệu đồng/tấn. Ngày 28.5, giá cà phê nhân xô ở Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông từ 43,1 - 43,2 triệu đồng/tấn, ở Gia Lai 43 triệu đồng/tấn.