Mô Hình Trồng Dưa Hấu Xen Cao Su Ở Tân Phú (Nghệ An)
Đến xã Tân Phú (huyện Tân Kỳ - Nghệ An) những ngày cuối tháng 4, dưới ánh nắng vàng trải đều trên những cánh đồng dưa nằm xen giữa những vườn cao su, dẫn chúng tôi đi, anh Hồ Sỹ Vân - Chủ tịch xã vui mừng cho biết: "Thêm một vụ dưa hấu mang lại thu nhập cao cho người nông dân, khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây là năm thứ hai, người dân Tân Phú trồng dưa hấu xen cao su".
Dừng chân cánh đồng dưa hấu trải dài bên cạnh những dãy cao su mới trồng của gia đình anh Trần Xuân Công ở xóm Tân Yên, giới thiệu với chúng tôi, anh Công cho biết: Hai năm trước, 2 ha đất của gia đình anh nhận khoán của Công ty Nông nghiệp nông trường Sông Con để trồng cao su chuẩn bị cho thu hoạch. Nhưng do mưa lớn, làm đỗ gãy cao su. Gia đình anh mất trắng. Anh trăn trở tìm hướng đi mới để có thêm thu nhập khi cây cao su còn nhỏ, mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng đất. Bắt tay làm lại từ đầu, hiện nay, 1.100 cây cao su của gia đình anh Công mới được 1 năm tuổi, đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Qua học hỏi kinh nghiệm, anh quyết định trồng dưa hấu xen lẫn cao su. Năm 2011, anh trồng thử nghiệm dưa hấu ở vùng đất trống xen cây cao su. Dù chỉ làm thời vụ với mục đích chính là tận dụng đất đai, năm qua, gia đình anh Công đã có một vụ dưa bội thu, dưa vừa được mùa vừa được giá, thương lái tìm đến tận vườn thu mua, mang lại cho gia đình anh trên 50 triệu đồng. Vụ dưa thứ hai, anh quyết định đầu tư 40 triệu đồng tiền giống, phân bón trồng dưa hấu trong diện tích trồng cao su. Ngoài ra, còn trồng xen cây dứa dưới các gốc cao su, tận dụng đất trống lúc cây cao su chưa khép tán vừa tạo đường đồng mức chống xói mòn cho cây. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình anh Công thu nhập 100-150 triệu đồng từ cây dưa hấu, cộng thêm cây dứa trồng xen 1 năm cũng bán được 50 triệu đồng. Tổng thu nhập từ 1ha trồng xen gia đình anh thu về 200 triệu đồng!
Khi những vườn cao su còn chưa vươn cao, người dân Tân Phú cũng đã tận dụng những vùng đất trống trồng xen dưa hấu, dứa và các loại cây ngắn ngày. Toàn xã Tân Phú hiện có gần 560 ha trồng cây cao su, trong đó diện tích cao su đã đưa vào kinh doanh khai thác là 250 ha. Còn lại hơn 200 ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, một số diện tích mới được trồng lại sau cơn bão số 3 năm 2010. Anh Nguyễn Ngọc Thuần - Trưởng Ban Nông nghiệp xã Tân Phú cho biết: "Cao su là cây công nghiệp dài ngày, thời gian kiến thiết cơ bản từ lúc mới trồng cho đến khi khai thác mủ lần đầu khá dài, thường phải mất 5 - 6 năm.
Do trồng ở những nơi đất có tầng dày, giàu mùn và dinh dưỡng, thời gian này, khi cao su chưa khép tán rất thuận lợi cho việc trồng xen canh thêm nhiều loại cây trồng khác nhằm tăng thêm thu nhập". Từ đặc điểm đó, năm 2011, xã Tân Phú đã chỉ đạo triển khai mô hình trồng xen dưa trên 130 ha cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Hiện nay, ở Tân Phú, hộ trồng dưa nhiều nhất từ 2 ha trở lên, hộ ít cũng có 5 sào. Diện tích trồng dưa xen cao su nằm tập trung ở các xóm Tân Phong, Yên Lương, Tân Xuân, Tân Yên… Dưa hấu là một loại cây mới lần đầu tiên đưa vào đồng đất Tân Phú, vì thế trước lúc triển khai đề án, xã đã mở các lớp tập huấn về KHKT, hướng dẫn cách trồng, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh trên cây dưa cho bà con nông dân. Ban Nông nghiệp và các ban, ngành, đoàn thể tập trung xuống các xóm chỉ đạo bà con xã viên xây dựng mô hình.
Giống dưa hấu mà xã Tân Phú chọn trồng là giống Phù Đổng, quả to, có trọng lượng 5 - 6 kg, ruột đỏ, vị ngọt đậm, thương lái các nơi tìm đến thu mua ngay tại ruộng với giá khá cao. Dưa hấu là giống cây sinh trưởng ngắn ngày, thời tiết thuận lợi nên chỉ khoảng 3 tháng sau, bà con đã có thu hoạch. Trung bình một sào dưa chi phí đầu tư khoảng 6 - 7 trăm ngàn đồng gồm giống và phân bón, không tính công làm đất và chăm sóc, vì nếu thời gian này không trồng và chăm sóc dưa thì bà con cũng phải mất công làm cỏ cho cao su.
Với 130 ha trồng dưa xen cao su, năng suất đạt 13 tấn/ha, vụ dưa vừa qua xã Tân Phú đã thu về 12 tỷ đồng, bình quân 1 ha đạt 100 - 150 triệu đồng. Hiệu quả từ cây dưa hấu trồng xen trên đất cao su đã được khẳng định, thời gian tới địa phương tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng mô hình này, nhất là trong điều kiện quỹ đất của địa phương ngày càng hạn hẹp.
Related news
Ngành chăn nuôi tỉnh ta trong nhiều năm qua mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung kết quả đạt được khá khả quan.
Ngày 30/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP”. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, với trình độ thâm canh cao và khả năng ứng dụng các giải pháp tiên tiến vào quá trình sản xuất như: IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… nông dân ĐBSCL hoàn toàn có đủ khả năng tiến tới sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chưa tìm được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm lúa gạo sản xuất theo quy trình GAP.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 4013/VPCP-KTTH đồng ý với đề nghị miễn thuế xuất khẩu mặt hàng da trăn nuôi và giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cụ thể.