Mô Hình Trồng Cây Trên Đất Dốc
Thuận Bắc là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, do địa hình nhiều đồi núi nên loại đất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp không nhiều. Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác lợi thế, phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên ở các xã có nhiều đồi núi, Thuận Bắc xác định phải hướng dẫn nông dân biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện uỷ về “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi giai đoạn 2011-2015”, từ năm 2011, UBND huyện Thuận Bắc đã xây dựng đề án theo nội dung nghị quyết và giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện xây dựng kế hoạch từng năm và từng giai đoạn. Trước khi xây dựng đề án, Phòng NN-PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện tổ chức 2 chuyến đi nghiên cứu một số mô hình ở các tỉnh Khánh Hòa, Tiền Giang, Lâm Đồng, Bình Phước.
Từ thực tế ghi nhận, Phòng NN-PTNT huyện đã đúc kết xây dựng Đề án theo thực trạng của địa phương và chọn ra một số đối tượng cây trồng phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như mít nghệ, chuối, thơm…đồng thời tìm đối tác giải quyết đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả. Khởi động thực hiện đề án từ giữa tháng 9 năm 2011 đến nay,Thuận Bắc đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Với mô hình thí điểm trồng 8 ha cây mít nghệ, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với UBND các xã chọn hộ đủ điều kiện đáp ứng tham gia.
Cụ thể xã Phước Chiến có 3 hộ trồng 3,3 ha, xã Công Hải có 2 hộ trồng 2,9 ha và xã Lợi Hải có 2 hộ trồng 2,8 ha. Đáng chú ý là trước khi hỗ trợ giống, Phòng NN-PTNT huyện còn tổ chức cho các hộ tham gia Đề án và cán bộ xã đến tham quan mô hình phát triển cây mít nghệ tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Trong những tháng đầu mới trồng tại mô hình thí điểm, cây mít nghệ đã tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Anh Nguyễn Đức Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện nhận xét: “Được sự quan tâm, theo dõi, đôn đốc của các cấp chính quyền địa phương, sự nhiệt tình phối hợp của các cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, nên mô hình thí điểm đang phát triển rất khả quan”.
Được biết ở xã Phước Chiến, nhờ các hộ dân tích cực chăm sóc nên tỷ lệ cây mít nghệ sống đạt 93-95%, đơn cử tại các hộ ông Chamaléa Xưa và Ka-tơ Tượng, cây phát triển bình thường với chiều cao cây trung bình 50 cm, có cây đã đạt gần 70 cm. Ngược lại ở các xã khác, có một số hộ dân chưa làm đúng theo quy trình, chưa chú trọng chăm sóc và bảo vệ cây, còn để gia súc vào ăn phá dẫn đến tỷ lệ cây sống thấp.
Thực hiện kế hoạch năm 2012, giữa tháng 9 vừa qua, huyện Thuận Bắc tiếp tục triển khai mô hình thí điểm trồng 5 ha chuối, trong đó có 3 ha (1 hộ tham gia) ở Phước Chiến và 2 ha tại Lợi Hải (2 hộ), và mô hình thí điểm trồng 1,5 ha mít nghệ ở Phước Kháng (4 hộ).
Anh Nguyễn Châu Cảnh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện giải thích: “Vùng đồi núi lâu nay bà con chỉ làm nương rẫy, canh tác cây ngắn ngày như bắp, đậu nhưng rất bấp bênh, vì vậy việc trồng cây ăn quả có mục đích ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”. Theo đó, người tham gia mô hình thí điểm sẽ được Nhà nước đầu tư giống, hỗ trợ thêm một phần vật tư, phân bón và quan trọng nhất là hướng dẫn kỹ thuật canh tác trên vùng đất dốc.
Anh Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kháng phấn khởi cho biết: “Ngoài 4 hộ tham gia mô hình thí điểm vừa xuống giống trồng mít được hơn tuần nay, Phước Kháng còn có 130 hộ được hỗ trợ cây giống theo Đề án. Đây là một hướng đi mới đầy triển vọng để hình thành nên các vườn đồi của địa phương”.
Cùng với mô hình thí điểm, Thuận Bắc dự kiến triển khai trồng cây mít nghệ đại trà trên tổng diện tích 462 ha (tương đương 92.400 cây giống) tại vùng đất dốc, triền núi các xã: Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn, Công Hải và Lợi Hải. Tuy nhiên do hạn chế kinh phí, trong năm nay huyện Thuận Bắc chỉ hỗ trợ 43.200 cây mít nghệ giống cho 864 hộ dân, bình quân mỗi hộ 50 cây, để trồng trên diện tích 216 ha tại các xã nói trên. Theo anh Nguyễn Đức Hùng, từ mô hình thí điểm và việc hỗ trợ giống trồng đại trà, đã có cơ sở để tin rằng trong thời gian tới, cây mít nghệ và chuối sẽ có mặt khắp các vùng đất dốc, triền núi của Thuận Bắc.
Related news
Từ khi Tam Phước (Phú Ninh - Quảng Nam) xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao dần khẳng định vị thế. Trang trại heo của một người từng là cán bộ nông nghiệp xã là một trong những mô hình để bà con nông dân học hỏi.
Ở giữa lòng thị trấn, nhưng chị Lê Thị Bích Ngọc, khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn (huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) có một trại lợn rừng với số lượng gần 100 con và nuôi hoàn toàn theo quy trình bán hoang dã
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) thời gian qua đã nghiên cứu thành công nhiều giống cây trồng mới. NNVN giới thiệu 10 giống điển hình.