Giá / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Tôm Công Nghiệp

Mô Hình Nuôi Tôm Công Nghiệp
Tác giả: 
Ngày đăng: 20/07/2013

Hợp tác xã 22/12 là một trong những hợp tác xã (HTX) nuôi tôm công nghiệp (NTCN) thành công nhất của xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.

Từ khi thành lập đến nay, nhờ đi lên từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) của đa số cựu chiến binh ấp Thị Tường A, xã Hưng Mỹ, HTX đã giúp được nhiều hộ nghèo thoát nghèo.

Xây dựng mô hình hiệu quả

Là người thực hiện mô hình NTCN chậm nhất ở ấp Thị Tường A nhưng ông Trịnh Tấn Nghiệp, Chủ nhiệm HTX 22/12 đã gặt hái thành công. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm để xây dựng ngay mô hình NTCN nên ông bắt tay vào loại hình nuôi tôm QCCT để làm bước đệm. Chỉ 1 ha đất nuôi vụ đầu ông thu hoạch lãi trên 40 triệu đồng.

Có ít kinh nghiệm, vụ 2 ông càng thắng đậm hơn. Ông cho biết: “Có được sự thành công trên là do tôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật học từ anh em, bạn bè trong và ngoài tỉnh. Trong đó, phải có ao lắng nước, ao chứa thải và ao vèo tôm trước khi thả vào ao nuôi. Sau khi có kinh nghiệm, từ năm 2008 tôi chuyển sang thực hiện mô hình NTCN và thành công nhiều vụ liên tiếp”.

Chính việc xem trọng vai trò của ao lắng nước, ao vèo tôm và ao xả thải cùng với sự đúc kết kinh nghiệm qua từng vụ nuôi và sự trưởng thành từ nền tảng của mô hình nuôi tôm QCCT nên tỷ lệ thành công trên mô hình NTCN của 22 xã viên của HTX 22/12 từ năm 2008 đến nay trên 70%. Được biết, tôm trước khi thả vào nuôi thì được thả vèo 1 tháng.

Chính cách làm này giúp tôm mau lớn và ít rủi ro. Ngược lại, nếu có rủi ro thường xảy ra trong ao vèo, từ đó chi phí cũng thấp hơn so với cách thả tôm giống thẳng vào ao nuôi. Theo đó, sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của các xã viên khi gia nhập HTX và nuôi theo hình thức công nghiệp được phát huy.

Anh Mai Đức Thư, Bí thư Chi bộ ấp Thị Tường A, thành viên HTX, cho biết, HTX đã giúp đỡ cho anh em xã viên về vật chất, kỹ thuật nuôi rất nhiều. Đặc biệt, HTX đã gây quỹ giúp đỡ trên 80 triệu đồng cho các xã viên nghèo thiếu vốn sản xuất để tiếp tục thực hiện mô hình phát triển kinh tế.

Trong quá trình nuôi, các xã viên luôn tuân thủ việc ghi chép số liệu vào sổ nhật ký nuôi tôm, đặc biệt là các chỉ số môi trường như: pH, độ mặn, độ kiềm… và định kỳ 1-2 ngày là có tổ kỹ thuật đến kiểm tra, góp ý đưa ra biện pháp ổn định yếu tố môi trường ao nuôi. Từ đó mang đến thành công hơn cho từng xã viên. Tuy trong quá trình nuôi vẫn còn xảy ra rủi ro, nhưng nhờ sự giúp đỡ nhau về mọi mặt của HTX nên sự thành công trong nuôi tôm luôn chiếm tỷ lệ cao.

Ông Trịnh Tấn Nghiệp cho biết, các thành viên HTX còn thả nuôi tôm trái vụ, với cách làm này, vào cuối năm 2012, khi giá tôm tăng mạnh, ông thu từ 3 ao nuôi được 1,2 tỷ đồng, lãi trên 700 triệu đồng.

Đồng thời, Ban chủ nhiệm luôn vận động anh em xã viên thực hiện phương châm ngắt vụ khi ao có sự cố dịch bệnh xảy ra và cho ao nghỉ ngơi sau vụ nuôi. Vận dụng các loại thuốc nam tại chỗ để giúp tăng đề kháng cho tôm nuôi, từ đó giảm chi phí qua từng vụ nuôi.

Mô hình cho người nghèo

Nếu như ở loại hình NTCN chỉ có những hộ khá giàu có vốn mới thực hiện mô hình, thì ở HTX 22/12 lại có nhiều hộ nghèo thực hiện mô hình NTCN này và thành công cao qua từng vụ nuôi. Trong 4 hộ nghèo thực hiện mô hình này, điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Hà.

Là hộ nghèo, thiếu vốn, ông vay bên ngoài 15 triệu đồng để cuốc bờ nuôi tôm theo mô hình QCCT. Về sau, được sự giúp đỡ kỹ thuật và giúp vốn từ Chủ nhiệm HTX nên trong 2 năm nuôi tôm công nghiệp, ông đã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, ông luôn thành công trong mô hình NTCN bằng bước đệm nuôi tôm QCCT.

Sự thành công của HTX 22/12 trong nhiều năm qua đã thu hút được sự chú ý của người nuôi tôm trong xã xin gia nhập HTX, nên từ 22 thành viên khi thành lập, đến nay số xã viên có 32 người. Năm 2012, HTX đã giúp 4 xã viên thoát nghèo bền vững.

Hiện trong ấp còn 17 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo được xã viên là cán bộ, đảng viên nhận giúp đỡ, trong đó có 7 hộ nghèo thực hiện mô hình nuôi tôm QCCT của HTX. Anh Mai Đức Thư cho biết, trong thời gian tới, HTX quyết tâm hướng dẫn anh em thực hiện mô hình này để thoát nghèo sau 1-2 vụ nuôi tôm.


Có thể bạn quan tâm

Điều Tươi Giá Cao Khiến Doanh Nghiệp Gặp Nhiều Rủi Ro Điều Tươi Giá Cao Khiến Doanh Nghiệp Gặp Nhiều Rủi Ro

Nhiều DN đang mua điều tươi với giá rất cao, nếu chế biến để bán ngay sẽ lỗ, còn lưu kho đợi giá tăng mới bán thì nhiều rủi ro

20/07/2013
Tập Trung Phát Triển Chăn Nuôi Thủy Sản Ngay Từ Đầu Vụ Ở Bắc Ninh Tập Trung Phát Triển Chăn Nuôi Thủy Sản Ngay Từ Đầu Vụ Ở Bắc Ninh

Hiện đang là thời điểm thích hợp để đưa các giống thủy sản vào nuôi trồng, vì vậy thời gian qua Chi cục Thủy sản tỉnh đã tích cực chỉ đạo nông dân tập trung chuẩn bị các điều kiện về ao nuôi, con giống, thức ăn nhằm phát triển chăn nuôi thủy sản ngay từ đầu vụ, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

20/07/2013
Thành Lập Hiệp Hội Cá Tra Việt Nam Thành Lập Hiệp Hội Cá Tra Việt Nam

Ngày 2-3, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội nghề cá Việt Nam, đại diện các tỉnh khu vực ĐBSCL đã tham dự đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam.

20/07/2013