Mô Hình Nuôi Thỏ Bước Đầu Giúp Dân Thoát Nghèo
Thỏ lại là loài vật nuôi có vòng đời sản xuất rất ngắn, nhanh tăng đàn, hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy những ưu điểm đó, Phòng LĐ – TB&XH huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã triển khai mô hình nuôi thỏ cho 30 hộ nghèo ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú, bước đầu đạt kết quả khả quan.
Nhận nuôi 6 con thỏ giống từ cuối năm 2012, đến nay 30 hộ nghèo ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú (Trà Bồng) đã có được lứa thỏ con đầu tiên, mang đến niềm hy vọng “thoát nghèo” cho bà con. Ông Nguyễn Bổn năm nay đã 75 tuổi, hai vợ chồng già làm chưa tới sào ruộng, năm được năm mất, gạo không đủ ăn, gia đình ông Bổn thuộc diện hộ nghèo trong thôn. Cuối năm vừa qua, ông được cấp mấy cặp thỏ giống. Ban đầu ông cũng e ngại “cái giống động vật nhìn mềm yếu thế kia chắc khó chăm sóc lắm đây”.
Nhưng được cán bộ khuyến nông khuyến khích, đưa đi tập huấn về cách chăm sóc, ông Bổn mới biết nuôi thỏ không khó khăn là mấy vì thỏ là loại động vật gặm nhấm, có ưu điểm dễ nuôi, có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, cỏ, lá tự nhiên. Nếu nuôi 3 – 3,5 tháng là đã làm thịt tốt. Còn nuôi tới 5,5 – 6 tháng thì thỏ bắt đầu sinh sản. Thỏ đẻ rất khỏe, mỗi lứa 6 – 7 con và 1 năm thỏ đẻ 6 – 7 lứa.
Đồng thời, nuôi thỏ cũng có nhiều ưu điểm như đầu tư chuồng trại kinh phí thấp, cần ít diện tích, tận dụng được các nguyên vật liệu của địa phương và công lao động gia đình. Phân thỏ tốt hơn các loại phân gia súc khác, có thể dùng để bón cây, nuôi cá, nuôi giun làm thức ăn cho gà, vịt, cá... Thế là ông nhận về nuôi luôn, giờ thỏ giống đã cho lứa đầu tiên với số lượng gần gấp 5 – 6 lần đàn thỏ giống. “Lúc thỏ mẹ mang bầu đã có mấy quán ăn trên thị trấn tới liên hệ mua rồi” – ông Bổn hồ hởi bảo.
Cũng như gia đình ông Bổn, gia đình ông Nguyễn Bằng cũng thuộc diện khó khăn trong thôn, ông Bằng lại bị liệt nửa người, đi lại rất khó khăn, làm việc đồng áng lại càng không thể, “nhưng mấy con thỏ tôi lại chăm sóc được” – ông Bằng cho biết. Hằng ngày ông Bằng chỉ việc cắt các loại rau trong vườn nhà chủ yếu như lá khoai lang, rau muống, cỏ, thân cây chuối, lá các loại cây họ đậu... rồi cho thỏ ăn thế là xong. Thỏ có bệnh thì kêu cán bộ thú y đến khám, cho thuốc. Việc chăm sóc đàn thỏ khá dễ, các hộ dân có thể coi đây là hình thức chăn nuôi phụ. Được biết, hiện nay giá thỏ hơi lên đến cả trăm ngàn 1 kg, nên người nuôi thỏ có thu nhập khá.
Ông Võ Văn Nhụ - Trưởng thôn Phú Hòa cho biết: “Đàn thỏ phát triển nhanh lắm, nuôi lại dễ, ít mắc bệnh, giá thương phẩm lại cao nên bà con rất thích. Nếu giá cả thị trường tiếp tục ổn định, mô hình này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người dân trong thôn, xã thấy được lợi ích kinh tế từ mô hình này đã đến các hộ đang triển khai mô hình để tìm hiểu cách thức nuôi và hỏi mua thỏ giống”.
Hy vọng, trong tương lai không xa từ mô hình này sẽ giúp các hộ nghèo của thôn Phú Hòa sớm thoát nghèo.
Related news
Nghề nuôi rắn ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng đã phát triển mạnh và sản phẩm rắn đã xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực châu Á, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân.
Tỉnh Đồng Nai, nơi được coi là “vương quốc heo” đang điêu đứng vì giá heo liên tục tụt dốc, từ 52.000 đ/kg nay chỉ còn 42.000 đ/kg. Điều đáng nói, trong khi nhiều mặt hàng như lúa gạo, cá ba sa, cá tra khi giá rớt “đáy” Chính phủ đều có gói giải pháp để cứu, nhưng con heo thì chẳng thấy ai quan tâm.
Ông Lộc Mậu Triển - Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung đã trở thành người bạn thân thiết của nhà nông Tây Bắc, là người có công đầu đưa Sơn La thành vựa ngô của cả miền Bắc.