Mô hình nuôi cá tầm ở Bình Liêu
Tại thôn Khe Tiền - thôn xa nhất của xã vùng cao Đồng Văn (huyện Bình Liêu), đang phát triển mô hình nuôi cá tầm quy mô lớn nhất tỉnh. Mô hình này được HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc triển khai từ năm 2015, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho đơn vị.
Cá tầm có thể đạt trọng lượng lên tới 30 kg và cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Lao động HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc kiểm tra một con cá tầm)
Ông Đoàn Đình Kha, Giám đốc HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc, cho biết: Qua khảo sát nhiều địa bàn trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy khu vực Khe Tiền đảm bảo đầy đủ các yếu tố về nhiệt độ, nguồn nước, diện tích ao hồ... để phát triển mô hình nuôi cá tầm. Về quy trình nuôi, cá tầm được ươm giống từ Sa Pa (Lào Cai) khi được một tuần tuổi thì đưa về HTX nuôi trong ao nhỏ có diện tích 3m2. Sau 3 tháng cá phát triển đạt 100g/con chuyển sang ao có diện tích 12m2; cá đạt 500g/con chuyển sang ao nuôi 30m2; cá tầm đạt trọng lượng 1kg/con sẽ chuyển sang ao lớn có diện tích 300m2 đến lúc thu hoạch.
Tuy thời gian nuôi lâu, từ 13-17 tháng mới thu hoạch, nhưng cá tầm có trọng lượng lớn, có thể đạt 30kg/con, thậm chí lên tới 40kg/con. Tại mô hình nuôi cá tầm ở thôn Khe Tiền, cá cung cấp ra thị trường đạt kích cỡ bình quân từ 10-20kg/con. Giá cá tầm hiện nay khá ổn định, dao động từ 200.000-250.000 đồng/kg.
Mô hình nuôi cá tầm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc.
Để thường xuyên cung ứng sản phẩm cho thị trường, HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc thực hiện nuôi cá gối nhau, mỗi đợt nuôi cách nhau từ 5-7 tháng. Hiện tại, HTX đang có 3,5 vạn con cá, trong đó có 1 vạn con đang cho thu hoạch. Mỗi đợt, HTX thu hoạch 2-3 tấn.
Từ mô hình này, HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc đạt doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Không những vậy, HTX còn tạo việc làm cho nhiều lao động là người dân địa phương với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.
"Chúng tôi đang thực hiện quy trình nuôi cá tầm theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm cá an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá sang địa bàn xã Húc Động, tiến tới xây dựng thương hiệu cá tầm Bình Liêu" - Ông Kha chia sẻ thêm.
Đánh giá về mô hình nuôi cá tầm ở thôn Khe Tiền, ông Hoàng Xuân Tân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Mô hình nuôi cá tầm của HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc mở ra cơ hội lớn cho Bình Liêu trong phát triển sản phẩm không phải thế mạnh của huyện. Điều này đã góp phần khích lệ các doanh nghiệp, HTX đầu tư các mô hình mới, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn huyện.
Có thể bạn quan tâm
Độ mặn dao động từ 0 - 8‰ khá phù hợp cho sự tăng trưởng của cá bông lau, từ đó có thể nhân rộng mô hình ra những huyện có điều kiện sinh thái tương tự.
Nghiên cứu đã cung cấp cho người đọc, đặc biệt là các nhà sản xuất giống những thông tin chi tiết về tác động của độ cứng đến quá trình ương nở trứng
Famext - một giải pháp hiệu quả có chức năng giám sát và quản lý trại nuôi trồng thủy sản từ xa. Giải pháp giúp chuẩn hóa quá trình nuôi, giám sát liên tục