Giám sát và quản lý trại nuôi trồng thủy sản từ xa
Famext - một giải pháp hiệu quả có chức năng giám sát và quản lý trại nuôi trồng thủy sản từ xa. Giải pháp giúp chuẩn hóa quá trình nuôi, giám sát liên tục và là công cụ để người chăn nuôi chứng minh sản phẩm tốt cho người tiêu dùng.
Giám sát và quản lý trại nuôi trồng thủy sản từ xa
Công ty Tép Bạc (TP.HCM), một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là hình thức trang trại 4.0 vừa đưa vào ứng dụng Famext - một giải pháp hiệu quả có chức năng giám sát và quản lý trại nuôi trồng thủy sản từ xa. Đây là công trình nghiên cứu của KS. Trần Duy Phong cùng nhóm cộng sự, dưới sự tài trợ của Công ty Bayer Việt Nam.
Hiện nay tại Việt Nam, việc nuôi trồng thủy sản cần phải được quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa có công cụ để dự báo và nắm bắt được tình hình cho đến khi dịch bệnh đã bùng phát. Trong khi đó, việc cấp và thải nước ra môi trường vẫn tiếp diễn làm lây lan dịch bệnh và gây thiệt hại lớn cho người nuôi cả khu vực.
Với Famext, theo KS. Duy Phong, mọi vấn đề đã được giải quyết triệt để. Hệ thống thông qua ứng dụng kết hợp với thiết bị đặt tại mỗi ao nuôi gửi các chỉ tiêu môi trường nước liên tục về server. Với dữ liệu này và các số liệu nhật ký ao nuôi, hệ thống sẽ đưa ra những cảnh báo và gợi ý hướng xử lý phù hợp.
Nếu so với các phương pháp truyền thống trước đây và cả hiện nay, các trại phải đo môi trường mỗi ngày 2 lần bằng các test kit hoặc máy đo bằng pin, số liệu đo được ghi nhận một cách thủ công thông qua việc ghi chép nhật ký hàng ngày. Việc quản lý này vừa tốn nguồn nhân lực, lại thiếu chính xác và không liên tục nên rủi ro lớn, khó quản lý từ xa cho các trang trại lớn. Đồng thời, không có số liệu để truy xuất thống kê sau này.
Famext giúp hoàn thiện quy trình quản lý trại nuôi tôm, cá và thay đổi mô hình chuỗi cung ứng hiện tại đang là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam. Một giải pháp triển khai rất đơn giản nhưng là một cuộc cách mạng thực sự trong ngành thủy sản vừa giúp trang trại nuôi giảm rủi ro, giảm chi phí, có được đầu ra, vừa giúp cơ quan nhà nước giảm gánh nặng quản lý quy hoạch, hỗ trợ. Người tiêu dùng có được sản phẩm có nguồn gốc rất chi tiết.
Ứng dụng có hệ thống chẩn đoán đưa ra các dự báo và gợi ý kỹ thuật từ dữ liệu lớn, đồng thời hệ thống còn đưa các cảnh báo dịch bệnh sớm theo khu vực từ một vài ao nuôi phát bệnh. Đồng thời còn là một ứng dụng quản lý “n trong 1” cho trại nuôi tôm cá từ nhỏ lẻ đến doanh nghiệp lớn, sử dụng ứng dụng cloud vì vậy người dùng có thể sử dụng ở bất kỳ đâu. Farm có thể hoạt động tốt trên nền tảng webapp, iOS, Android.
Về quản lý: giải pháp giúp ghi nhật ký ao nuôi, quản lý tồn kho, quản lý thu chi, lịch làm việc, lưu lịch sử, phân tích số liệu...
Về theo dõi môi trường ao nuôi: thiết bị giúp theo dõi môi trường nước liên tục cập nhật dữ liệu qua ứng dụng điện thoại và vẽ biểu đồ phân tích. Khi chỉ số vượt giới hạn, máy sẽ lập tức gọi điện cảnh báo.
Về kỹ thuật: Farmext có hệ thống cảnh báo và gợi ý tự động các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nuôi tôm, cá. Ngoài tự động, Farmext còn kết nối tới các chuyên gia trong ngành theo dõi các ao nuôi và hỗ trợ các ao nuôi đó suốt vụ nuôi.
Với doanh nghiệp có những trang trại lớn: Farmext còn giúp quản lý các trại nuôi từ xa thay thế cách ghi nhật ký và báo cáo rất tốn công.
Farmext giúp người nuôi ghi nhật ký ao nuôi dễ dàng hơn, phân tích thống kê đầy đủ liên tục xuyên suốt quá trình nuôi. Kết hợp với bộ theo dõi môi trường liên tục và cảnh báo sự cố giúp giảm rủi ro thiệt hại cho ao nuôi.
Hơn một năm qua, ứng dụng và thiết bị đã được thử nghiệm tại các trại nuôi ở Cà Mau, Cần Giờ, Đồng Nai và thu được kết quả rất khả quan.
Trong năm nay, giải pháp sẽ chính thức đến với người chăn nuôi một cách đại trà. Định hướng tiếp theo, nhóm sẽ tiếp tục phát triển bộ sản phẩm đo môi trường thêm nhiều chỉ số hơn, liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp chế biến, xây dựng tiêu chuẩn truy xuất để hỗ trợ đầu ra cho người nuôi. Cũng như phát triển bộ điều khiển tự động bật/tắt giúp giảm chi phí điện và nhân công.
Tại Việt Nam, ngành nuôi trồng thủy sản không ngừng phát triển và mở rộng về mật độ cũng như diện tích. Tuy nhiên, hình thức canh tác chủ yếu là bán thâm canh và quảng canh, do đó còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chất lượng nước và quản lý thủ công của con người dẫn đến hiệu quả còn thấp.
Nước ta là một trong những nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, tuy nhiên mức độ ứng dụng công nghệ trong sản xuất còn rất ít. Và thực tế là người nuôi thủy sản gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh thường xuyên, giá cả bấp bênh cũng như thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật. Không chỉ thế, họ còn phải đối mặt với vấn đề đầu ra: cá bị trả về, tôm bị kiểm 100% kháng sinh... Tất cả những điều trên cho thấy, người chăn nuôi thiếu sự minh bạch trong sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Ngày nay, bạt HDPE dần được sử dụng rộng rãi trong nhiều hạng mục, công trình khác nhau.
Những năm qua, Tỉnh Quảng Trị đã có những chính sách khuyến khích, hổ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả.
Đến nay, diện tích ao nuôi tôm tại Thừa Thiên – Huế bị bệnh là 44ha, trong đó, gần 16ha bị bệnh đốm trắng và 28ha do tác động điều kiện môi trường.