Mô Hình Nuôi Ba Ba Làm Chơi Ăn Thiệt
Gần như không tốn thuốc điều trị bệnh, ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp nhưng giá trị lại cao là những lợi thế của mô hình nuôi ba ba trong bồn. Tuy thời gian nuôi có hơi dài (khoảng 18 tháng) nhưng lợi nhuận thu được gấp 3 lần vốn bỏ ra. Hơn nữa, người nuôi chỉ cần cho ăn mỗi ngày một lần, thỉnh thoảng mới phải thay nước bồn…
Hiệu quả ở xã vùng sâu:
Anh Nguyễn Thanh Sang, nông dân ấp Tân Lợi (xã Tân Tuyến, Tri Tôn, An Giang), có thể xem là người tiên phong đem ba ba về nuôi ở vùng đất, nơi phần lớn nông dân chỉ tập trung trồng lúa hoặc dưa hấu. Trên khoảng đất trống rộng hơn 60m2 cặp hông nhà, anh Sang dùng những miếng tôn dày ngăn vách, chia 2 bồn nuôi, phía trong lót cao su để trữ nước. Anh lại đổ đất thành gò ở giữa, thả lục bình vào để tạo môi trường tự nhiên cho ba ba.
Ở lứa nuôi thử nghiệm đầu tiên năm 2011, anh Sang thả nuôi 500 con ba ba, lấy giống từ cơ sở Hồng Hân (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). “Ba ba là loài ăn tạp, dù là ốc, cá, cua… chúng đều không kén. Khi ba ba còn nhỏ, mình chịu khó xoay nhuyễn thức ăn sống, khi chúng lớn thì chỉ cần cắt thức ăn thành khúc, mỗi ngày cho ăn một lần.
Lượng thức ăn nên cho vừa đủ, tăng dần theo thời gian. Nếu không có thức ăn thừa thì nước trong bồn lâu bị dơ, cách 3 – 4 ngày thay nước cũng được, không cần thay hàng ngày như nuôi lươn hay ếch. Ba ba cũng là loài ít bệnh, hầu như không tốn tiền thuốc điều trị. Tuy nhiên, khi ba ba sắp trưởng thành, phải tách con đực và con cái ra 2 bồn riêng, tránh hiện tượng con đực cắn con cái”, anh Sang chia sẻ kinh nghiệm.
Xuất phát điểm là 500 con ba ba giống chỉ nhỏ bằng nắp chai nước ngọt, sau 18 tháng nuôi, loại ra những con còn nhỏ, anh Sang thu hoạch được hơn 450 con ba ba thương phẩm. Đối với ba ba loại I (từ 1,4kg/con trở lên), được thương lái vào tận nơi thu mua với giá 380.000 đồng/kg, loại II (từ 1 – dưới 1,4kg/con) có giá 230.000 đồng/kg, còn loại III (từ 0,8 – dưới 1kg/con) bán với giá từ 180.000 – 190.000 đồng/kg.
Với lứa ba ba đầu tiên, anh Sang bán được trên 40 triệu đồng, trong khi vốn đầu tư chỉ hơn 10 triệu đồng. Thấy “làm chơi ăn thiệt”, anh Sang tiếp tục thả nuôi lứa thứ 2 với 600 con giống, giá 3.500 đồng/con của cơ sở Hồng Hân. Sau 10 tháng nuôi, hiện tại đàn ba ba của anh Sang đã đạt trọng lượng 0,4 – 0,5kg/con, dự kiến sẽ đạt hơn 1kg/con sau 8 tháng nữa.
Mở rộng ở cù lao Ông Hổ:
Thấy nhiều nơi nuôi ba ba có hiệu quả, một số hộ dân ở ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), tận dụng nguồn nước ngọt của sông Hậu đầu tư nuôi loài vật được xem là đặc sản này. Trong đó, anh Hà Nguyên Toàn (40 tuổi) đi tiên phong mô hình mới này, thu được lợi nhuận cao. Anh Toàn kể, vào năm 2008, sau khi học tập kinh nghiệm từ người quen, anh về nhà xây 3 bồn xi-măng (diện tích khoảng 80m2), rồi mua con giống về nuôi. Con giống lúc này chỉ bằng nửa ngón tay, bán với giá 8.000 đồng/con.
Sau khoảng một năm rưỡi chăm sóc, anh thu hoạch thành công, trừ chi phí còn lời trên 30 triệu đồng. Thấy kết quả khả quan, anh tiếp tục thả nuôi 600 con ba ba. Sau 14 tháng chăm sóc, ba ba đạt trọng lượng gần 1kg. Anh Toàn phân tích: “Hiện, giá ba ba thịt loại I dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Sau 4 tháng nữa, tôi có thể bán được số ba ba này trên 80 triệu đồng, sướng hơn nuôi cá bè”.
Thấy anh Toàn làm ăn có hiệu quả, bà con ấp Mỹ Khánh 2 cũng bắt đầu nuôi ba ba. Trong đó, anh Nguyễn Thái Sáu (30 tuổi) đã xây 2 bồn xi-măng và 1 bồn cao su với chiều cao 1,5m, thả nuôi 500 con ba ba giống. Toàn bộ bồn đều có hệ thống dẫn nước và thoát nước, dưới bồn phủ một lớp cát để ba ba không bị trầy xước. “Thức ăn hằng ngày của ba ba được tận dụng từ nguồn cá tạp hoặc thức ăn công nghiệp.
Nên cho ba ba ăn vào ban đêm yên tĩnh để chúng ăn được nhiều, tăng trọng nhanh”, anh Sáu chia sẻ và cho biết sẽ xây thêm bồn, nhân rộng mô hình nếu lợi nhuận cao. Ông Trần Văn Lữ, Trưởng ban ấp Mỹ Khánh 2, cho biết, do đây là mô hình mới nên trên địa bàn ấp chỉ có 3 hộ nuôi trong bồn xi-măng với số lượng khoảng 1.700 con, bước đầu cho thấy hiệu quả khá cao, tạo thu nhập đáng kể cho hộ dân và góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương.
Anh Nguyễn Thanh Sang cho biết, nếu có đủ vốn, anh sẽ đào ao nuôi ba ba trong chân ruộng, dùng tôn dày bao xung quanh, thả nuôi 6 con/m2, hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với nuôi chật hẹp trong bồn. “Tôi thấy bên Lấp Vò, người ta đào ao nuôi ba ba. Chỉ với vài công đất ruộng, nhiều người đã trở thành tỷ phú. Nếu được hỗ trợ vay vốn, tôi sẽ mở rộng cách làm này”, anh Sang nói.
Related news
Thông tin về chất cấm Trifluralin trong cá điêu hồng đã được giới truyền thông đưa tin lại một cách đầy đủ để tránh thiệt hại cho nông dân. Song gần một tháng trôi qua, giá cá điêu hồng trong tỉnh vẫn không tăng, đầu ra khó khăn hơn.
Tại thôn Công Dồn (xã Zuôih, huyện Nam Giang, Quảng Nam), hơn 10 năm qua, hàng chục hộ dân nơi đây đã có biện pháp bảo vệ hàng ngàn cây ươi ở địa phương, nhằm tránh loài cây quý hiếm này bị hủy diệt.
Tin từ Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên cho biết, đơn vị này vừa nuôi trồng thử nghiệm thành công nấm Hoàng Bạch (tên khoa học là Pleurotus Cornucopiae - ảnh).