Minh Oan Cho Tôm Giống Bình Thuận
Tổng cục Thủy sản cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, việc khảo nghiệm sản xuất tôm bố mẹ là chủ trương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được UBND tỉnh khuyến khích. Nếu Việt - Úc thành công thì đây là niềm vui và vinh dự cho ngành sản xuất tôm giống Bình Thuận...
Liên quan đến những thông tin trong thời gian qua nghi vấn về việc Công ty TNHH Việt - Úc Bình Thuận (Công ty Việt - Úc Bình Thuận), có trụ sở tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) sử dụng tôm không rõ nguồn gốc trà trộn bán ra bên ngoài tạo nên nguồn dịch bệnh, chiều ngày 8/3, ông La Châu Trinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức cuộc họp để thông báo kết luận kiểm tra xung quanh vụ việc.
Từ những kiến nghị
Nguyên nhân sự việc xuất phát từ cuối năm 2012, khi tình hình dịch bệnh diễn ra một số nơi, dẫn đến tôm nuôi của người dân chết mà nguyên nhân được đồn đoán là do xuất phát từ tôm giống. Cùng với đó có thông tin việc sản xuất kinh doanh tôm giống của Công ty Việt - Úc Bình Thuận “không lành mạnh” dẫn đến gây nguồn dịch bệnh. Do đó, ngày 7/1/2013, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận có Tờ trình 09/HHTGBT gởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng liên quan kiến nghị thanh kiểm tra việc sản xuất kinh doanh tôm giống của Công ty Việt - Úc Bình Thuận.
Cùng với đó ngày 20/2/2013, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận có Tờ trình kiến nghị số 13 về việc xử lý những sai phạm trong sản xuất kinh doanh của Công ty Việt - Úc Bình Thuận. Trong đó có căn cứ vào các biên bản kiểm tra trước đó về đề nghị xử lý Công ty Việt - Úc về việc nuôi khảo nghiệm tôm giống khi chưa có giấy phép của cơ quan chức năng. Đồng thời nghi vấn Công ty Việt - Úc Bình Thuận đã sử dụng tôm khảo nghiệm trộn lẫn với tôm có nguồn gốc bán ra thị trường và đây là hành vi kinh doanh không lành mạnh, có thể là nguồn gây dịch bệnh những năm qua...
Đến kết quả xác minh
Từ kiến nghị trên, cơ quan chức năng trong tỉnh đã vào cuộc tiến hành kiểm tra. Đồng thời, ngày 5/2/2013, đoàn cán bộ của Tổng cục Thủy sản (có sự tham gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, II, III) đã đến làm việc và khảo sát tình hình phát triển tôm bố mẹ tôm thẻ chân trắng tại Công ty Việt - Úc Bình Thuận. Sau chuyến khảo sát, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản số 333/TCTS - NTTS ngày 18/2/2013, trong đó cho biết việc Công ty Việt - Úc sử dụng nguồn vốn của công ty, kết hợp với tư vấn công nghệ của Viện CSIRO (Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ trực thuộc Chính phủ Úc - PV) để chủ động phát triển đàn tôm bố mẹ tại Việt Nam là việc làm đáng khuyến khích. Đồng thời đề nghị tiếp tục lưu giữ 3 đàn tôm bố mẹ và 8 quần đàn lai chéo hiện có tại công ty để làm nguồn nguyên liệu di truyền ban đầu, có giá trị cho mục đích lâu dài cho Chương trình phát triển đàn tôm bố mẹ tại Việt Nam được Tổng cục Thủy sản chủ trì.
Theo ông La Châu Trinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ nội dung văn bản của Tổng cục Thủy sản, cùng các báo cáo của Thanh tra Thủy sản, Chi cục Thủy sản và kiến nghị của Hiệp hội Tôm giống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp và kết luận việc làm của Việt - Úc là đáng khuyến khích phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Trinh cho biết, tính luôn Việt - Úc hiện cả nước chỉ có 3 trung tâm đang thực hiện việc khảo nghiệm tôm giống. Nếu Việt - Úc thành công, thì đây là niềm vui và vinh dự cho ngành tôm giống Bình Thuận.
Số tôm thẻ chân trắng đang được nuôi tại công ty (gồm 20.600 con tôm thẻ chân trắng có trọng lượng từ 20 - 40g, 85.000 con tôm thẻ post) là số tôm đang trong quá trình khảo nghiệm sản xuất tôm bố mẹ, có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất chọn lọc từ các lô tôm bố mẹ nhập khẩu từ các nước Singapore, Hawaii, Thái Lan. Tuy nhiên trong quá trình triển khai khảo nghiệm, đề cương khảo nghiệm công ty chậm trình cho cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt cũng như chậm đăng ký với cơ quan quản lý thủy sản địa phương, để thực hiện việc giám sát quá trình sản xuất khảo nghiệm... Trên cơ sở đó, sở đã tiến hành chỉ đạo Thanh tra Thủy sản tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 16 triệu đồng đối với Công ty Việt - Úc Bình Thuận và yêu cầu công ty phải hoàn thành các thủ tục phát triển tôm giống bố mẹ tôm thẻ chân trắng theo quy định trong thời gian sớm nhất.
Riêng thông tin việc Công ty Việt - Úc Bình Thuận trà trộn tôm giống không rõ nguồn gốc, trong đó nghi ngờ tôm có xuất xứ từ Trung Quốc vào tôm có nguồn gốc rõ ràng bán ra thị trường, sở cũng đã xác minh, căn cứ vào báo cáo khoa học của các chuyên gia đầu ngành, đồng thời so sánh đối chiếu đầu vào của tôm bố mẹ và đầu ra của công ty. Theo đó số tôm postlarvae và Nauplii của Công ty Việt - Úc Bình Thuận sản xuất và bán ra thị trường trong năm 2012 được sản xuất từ 4.415 cặp tôm bố mẹ thẻ chân trắng nhập khẩu từ Singapore và Hawaill, có nguồn gốc rõ ràng và đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đúng quy định. Do đó không có chuyện trà trộn tôm Trung Quốc bán ra bên ngoài, ông La Châu Trinh khẳng định.
Dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh?
Huyện Tuy Phong được xem là “thủ đô” tôm giống của cả nước, nhờ được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn nước thuận lợi trong việc phát triển tôm giống. Mỗi năm Bình Thuận sản xuất trên dưới 14 tỷ con tôm giống và được hầu hết nông dân cả nước chọn lựa bởi chất lượng và uy tín. Đây cũng là 1 trong 6 sản phẩm lợi thế của Bình Thuận được khuyến khích phát triển từ đây đến năm 2020. Theo ông La Châu Trinh, việc phản ánh của Hiệp hội là kịp thời nhằm giúp cơ quan chức năng địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót để giữ vững thương hiệu tôm giống Bình Thuận.
Tuy nhiên trong vụ việc này, xuất phát từ những thông tin chưa chính thống, dư luận đã đẩy vụ việc đi quá xa, cũng như có dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh khi một công ty (không nằm trong Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận) đã lấy biên bản kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng gởi (fax) đi cho hầu hết các đối tác của Công ty Việt - Úc Bình Thuận, dẫn đến có đối tác đã hủy hợp đồng. Qua đó đã tạo nghi ngờ trên thị trường, làm ảnh hưởng đến đơn vị nói riêng và thương hiệu của tôm giống Bình Thuận nói chung.
Chúng tôi không dại đánh mất thương hiệu
Ông Bùi Văn Tịch, Phó Giám đốc điều hành Công ty Việt - Úc Bình Thuận cho biết: Cách đây 12 năm chúng tôi đã chọn Tuy Phong làm nơi đặt cơ sở sản xuất đầu tiên bởi điều kiện tự nhiên đặc biệt ở đây. Trải qua từng ấy năm có mặt trên thị trường, Công ty Việt - Úc hiện với gần 10 chi nhánh và đang tiếp tục mở rộng thị trường trên phạm vi toàn quốc. Với uy tín xuyên suốt quá trình kinh doanh tạo dựng được, chúng tôi không dại gì trà trộn tôm nhập lậu để bán đứng thương hiệu tôm giống Việt - Úc.
Related news
Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tìm tới trang trại gà siêu trứng của ông Đôn Đức Hùng tại Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ một người tàn tật, giờ đây ông Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.
Ngày 27/5, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm khai thác tối đa lợi thế đất đai, khí hậu của vùng đất phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh bao gồm 03 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, tỉnh khẩn trương xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển cà phê chè tại các huyện này.