Giá / Nuôi bò

Mẹo nâng cao năng suất bò sinh sản

Mẹo nâng cao năng suất bò sinh sản
Tác giả: Hoàng Ngân
Ngày đăng: 18/04/2019

Để nâng cao năng suất và chất lượng của đàn bò nuôi sinh sản nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, người nuôi cần lưu ý những vấn đề như: con giống, dinh dưỡng, hình thức nuôi, phối giống…

Con giống quyết định lớn đến năng suất sinh sản

Chọn con giống tốt

Để đảm bảo tốc độ tăng đàn và chất lượng bê con nuôi thịt thì phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sinh sản của bò mẹ. Một con bò có khả năng sinh sản tốt phụ thuộc vào các yếu tố di truyền của giống, gia đình, cá thể… Khi chọn con giống, người nuôi cần lưu ý các đặc điểm sau: tuổi phối giống lần đầu, khoảng cách lên giống, số lần đậu thai, trọng lượng của bê con, tình trạng sức khỏe, năng suất sữa, độ bền tiết sữa, chất lượng sữa…

Hình thức nuôi

Với những con bò được chăn thả trên đồng cỏ, những rắc rối trong sinh sản thường ít xảy ra. Tuy nhiên, nếu bò nuôi quy mô lớn theo hình thức nhốt chuồng thường dễ phát sinh những vấn đề như chậm lên giống, lên giống ngầm khó phát hiện, đẻ khó… Vì vậy, người nuôi cần phải tạo điều kiện cho bò được đi lại, vận động và tiến hành quan sát, ghi chép các hoạt động của bò để xử lý kịp thời. Người nuôi cũng cần lưu ý rằng, không được khai thác hoặc sử dụng quá mức làm cho bò mất sức, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Dinh dưỡng hợp lý

Việc cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp bò tích sữa và phát triển cơ thể, giúp các bộ phận của cơ quan sinh sản hoạt động tốt và sẵn sàng đáp ứng cho các hoạt động sinh sản. Đồng thời, đảm bảo bò cung cấp đủ sữa để nuôi con và có được bê con phát triển khỏe mạnh. Bò phải được ăn theo khẩu phần cho phù hợp với từng con, từng nhóm ứng với tình trạng cơ thể, năng suất sữa, mang thai.

Người nuôi có thể tham khảo khẩu phần cho ăn đối với một con bò sinh sản có trọng lượng trung bình 200 - 220 kg/con như sau: Nếu bò được nuôi trong điều kiện chăn thả hàng ngày thì cung cấp thêm thức ăn theo công thức 1 kg (bột hoặc cám ngô, cám gạo) + 0,2 - 0,3 kg khô dầu lạc  + 20 g premix khoáng, vitamin; Nếu bò được nuôi nhốt, cần cung cấp cho bò khoảng 20 - 25 kg thức ăn thô (cỏ xanh) và bổ sung thêm lượng thức ăn tinh tương tự như đối với bò được nuôi thả. Đối với bò có trọng lượng > 220 kg/con thì tăng thêm lượng thức ăn theo tỷ lệ 2,5 - 3 kg vật chất khô/100 kg thể trọng.

Khi bò đang mang thai hoặc nuôi con, cần bổ sung thêm thức ăn tinh nhằm tăng hàm lượng dinh dưỡng để nuôi thai và sản xuất sữa cho con bú. Có thể cho bò ăn lượng thức ăn/ngày theo khẩu phần sau: 30 - 35 kg cỏ tươi + 2 kg rơm ủ + 1 kg thức ăn tinh hoặc cám tổng hợp + 25 - 30 g muối + 30 - 35 g bột xương. Khi cần thiết, có thể bổ sung lượng thức ăn tinh lên tới 6 kg/ngày, tuy nhiên cần phải sử dụng thức ăn của nhà cung cấp có uy tín, chất lượng và đảm bảo an toàn để tránh ảnh hưởng đến bò nuôi. Đồng thời, phải cung cấp thêm khoáng chất và đủ lượng nước sạch cho bò sinh sản.

Thời điểm phối giống

Trong  phối giống nhân tạo cho bò, việc phát hiện bò cái động dục rất quan trọng, nếu không phát hiện được thì sẽ không tiến hành phối giống được hoặc phát hiện động dục sai thì phối sẽ không có chửa, làm tốn kém chi phí cho các công việc chăn nuôi bò cái. Phát hiện động dục là công việc quan sát, theo dõi bò cái để nhận biết các hiện tượng động dục và đưa bò cái vào nơi chờ phối giống. Khi bò động dục sẽ có một số biểu hiện sau:

- Bò hay đi lại, ăn ít, hay kêu rống, có xu thế tìm gặp con khác (tìm đực), có con muốn tách khỏi đàn.

- Bò cái tỏ ra thân thiện theo đuổi nhau, hay tụ lại thành nhóm, nhảy chồm lên lưng nhau.

- Bò cái dễ bị kích thích, không ở yên, hay đi lại, có xu hướng đến gần người và người dễ đến gần; mắt tinh và sáng hơn thường lệ.

- Nếu là bò vắt sữa thì lượng sữa trong ngày động dục sẽ giảm chút ít so với các ngày liền kề trước đó.

- Phần lông ở mông, lưng có để lại các dấu vết do bò cái bị các con khác nhảy lên hay bị con khác liếm.

- Âm hộ sưng, căng phồng, hơi ướt bóng, các lông xung quanh âm hộ cách xa nhau và dựng đứng lên so với các ngày thường.

- Niêm dịch chảy ra dính xung quanh âm hộ, loãng, trong suốt hay đục keo dính, đứt đoạn; nhiều khi dính xung quanh âm hộ, khấu đuôi, mông, tùy theo pha động dục. Niêm dịch là dấu hiệu thường được dùng để xác định chính xác giai đoạn động dục đang ở pha nào để xác định thời điểm phối giống tốt nhất.

Việc phát hiện động dục cần phải tiến hành ít nhất 4 lần/ngày (sáng sớm - buổi trưa - chiều tối - đêm). Tùy theo số lượng cái trong đàn mà phát hiện hàng ngày hay phát hiện theo chu kỳ động dục. Trong chăn nuôi quy mô lớn, người nuôi nên đeo số cho bò và tổ chức phân đàn bò cái để phát hiện động dục dễ dàng, không bỏ sót bò cái động dục, không tốn công quan sát và chăm sóc.

Thời điểm phối giống thích hợp nhất là sau khi kết thúc chịu đực. Để đảm bảo tỷ lệ thụ tinh cao, tốt nhất nên phối giống 2 lần (lần 1 phối vào lúc sau khi phát hiện động dục 6 đến 8h và lần 2 phối lại sau đó 12h). Có thể quan sát tình trạng dịch nhày keo lại thì phối giống là tốt nhất hoặc theo dõi nếu thấy bò động dục vào buổi sáng sớm thì phối giống vào buổi chiều cùng ngày. Nếu bò động dục vào buổi chiều thì phối giống vào sáng ngày hôm sau.

Ngoài những yếu tố trên, người nuôi cũng cần quan tâm đến việc đỡ đẻ và chăm sóc bò sau sinh cũng như cần thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh thú y. Đồng thời, phải điều trị sớm và triệt để những bệnh sinh sản ở bò cái để mang lại hiệu quả tốt nhất.


Có thể bạn quan tâm

Kinh nghiệm vỗ béo bò Kinh nghiệm vỗ béo bò

Chia sẻ một số kinh nghiệm vỗ béo bò, bê trước khi làm thịt: chọn mua bò, bê để vỗ béo; công tác chuẩn bị trước khi vỗ béo, chuẩn bị chuồng trại và thức ăn

18/04/2019
Thức ăn cho bò cho nuôi bò khổng lồ Thức ăn cho bò cho nuôi bò khổng lồ

Có thể chia làm một số loại thức ăn như sau: thức ăn tinh, thức ăn thô, thức ăn phụ phẩm và thức ăn bổ sung.

18/04/2019
Làm giàu với mô hình nuôi bò sinh sản Làm giàu với mô hình nuôi bò sinh sản

Anh Hồ Văn Thái, 43 tuổi, ở thôn Khe Me từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã vươn lên thoát nghèo với mô hình nuôi bò sinh sản.

18/04/2019