“Mái Nhà” Của Ngư Dân

Ngày 11/11/2011, Nghiệp đoàn khai thác hải sản Bình Hưng 3 (Phan Thiết, Bình Thuận) ra đời trên cơ sở Tổ hợp tác sản xuất trên biển số 3 trước đây, thu hút 121 đoàn viên của năm tàu đánh bắt xa bờ, công suất mỗi chiếc trên 300 CV. Tổng Liên đoàn Lao động VN đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho mô hình này của Bình Thuận.
Đến tháng 7/2012, thêm ba nghiệp đoàn ở ba huyện, thị xã trọng điểm nghề cá hình thành đó là: Nghiệp đoàn khai thác hải sản của xã Tam Thanh (huyện đảo Phú Quý), của phường Phước Hội (TX La Gi) và của thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong). Tổng cộng bốn nghiệp đoàn với 600 thuyền viên đánh bắt xa bờ trên 54 tàu công suất lớn…
Cái được của mỗi nghiệp đoàn nghề cá khi đánh bắt xa bờ là các tàu cá thông tin cho nhau về luồng cá, ngư trường trong mỗi chuyến khai thác hải sản ở Trường Sa, Hoàng Sa. Các tàu đều dồn sản phẩm đánh bắt lại cho một chiếc chở vào bờ tiêu thụ, những chiếc còn lại có thời gian đánh bắt, hiệu quả khai thác xa bờ cao hơn. Mỗi chủ tàu trong nhóm gắn chặt với nhau, hỗ trợ nhau trước những hiểm nguy giữa vùng biển khơi…
Họ thường xuyên được thông tin về một số chủ trương, chính sách áp dụng cho nghề cá xa bờ. Thời gian qua, hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá đã tạo được niềm tin, phấn khởi cho ngư dân. Họ không còn đơn độc giữa biển khơi, nâng cao nhận thức của chủ tàu, ngư dân trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển…
Nhờ đó ngư dân an tâm hơn trong việc vươn khơi, bám biển, hình thành được sự liên kết, hợp tác giữa các đoàn viên. Đặc biệt nghiệp đoàn nghề cá hình thành trong bối cảnh khu vực biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam nên đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội đối với ngư dân; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về tổ chức lại sản xuất và khai thác hải sản trên biển một cách bền vững.
Cùng với đó, nghiệp đoàn nhận được sự hỗ trợ của nhiều địa phương, đoàn thể xã hội qua việc trao và tặng một số trang thiết bị đi biển cần thiết cũng như trao tặng học bổng cho con em ngư dân nghèo. Điều đó làm ngư dân của nghiệp đoàn cảm thấy ấm lòng trước mỗi chuyến ra khơi.
Tại buổi sơ kết 2 năm (2011 - 2013) thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành, Liên đoàn Lao động đã bám sát chủ trương, đóng vai trò nòng cốt để 4 nghiệp đoàn nghề cá đi vào hoạt động, làm cầu nối tập hợp, đoàn kết, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ ở các ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa; ngư dân vững tin bám biển khai thác, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Related news

Nếu như trước đây, người trồng nấm ở Bảo lộc gần như chỉ tập trung vào sản xuất giống nấm mèo bởi có đầu ra ổn định (dù không đem lại giá trị kinh tế cao) và cũng không đòi hỏi kỹ thuật cao trong nuôi trồng. Nay, các loại nấm cao cấp như sò đùi gà, bào ngư nhật, bào ngư xám… đã được các hộ trồng nấm mạnh dạn đưa vào sản xuất, bởi ngoài lợi ích kinh tế họ còn không phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống.

Ngày 30/5/2012, đoàn cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực theo hướng GAP trong ao tại tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.

Đến xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ (Long An), ai cũng biết anh Trịnh Văn Bé Sáu là nông dân điển hình thực hiện nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm lãi hơn 500 triệu đồng.