Lưu ý nuôi cá “sông trong ao”
Hỏi: Tôi đang có ý định nuôi cá theo mô hình “sông trong ao”(IPRS). Xin hỏi phải chuẩn bị cơ sở vật chất như thế nào?
(Nguyễn Văn Thực, xã Hải Đông, huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời:
Để nuôi cá theo quy trình công nghệ này, người nuôi phải tạo “sông trong ao”. Theo đó, tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước. Trong sông có sóng và dòng chảy tuần hoàn, nước luôn lưu chuyển khắp ao. Mỗi bể nhỏ nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng, máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy… bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá.
Ao nuôi phù hợp để áp dụng công nghệ này có diện tích khoảng 10.000 m2 , đáy ao bằng phẳng, độ sâu mực nước là 2 m, đảm bảo tổng thể tích nước trong ao luôn duy trì ổn định khoảng 20.000 m3 . Tùy theo diện tích và độ sâu mực nước cụ thể của ao mà thiết kế số máng nuôi phù hợp, thể tích nước ao bên ngoài quyết định số máng nuôi, yêu cầu tối thiểu 10.000 m3 /máng. Máng nuôi cá được xây bằng gạch vữa xi măng, bên ngoài trát nhẵn, đáy máng bằng bê tông và cũng được trát nhẵn, hai đầu máng có cổng chắn bằng lưới thép không rỉ hoặc bọc nhựa PVC để ngăn giữ cá. Ở đầu máng được lắp đặt hệ thống máy thổi khí nén, tạo dòng chảy liên tục một chiều dọc theo chiều dài máng. Cuối máng được lắp đặt hệ thống thu gom phân, chất thải cá, được vận hành tự động 3 lần/ngày đảm bảo phân, chất thải của cá luôn được thu gom triệt để ra bên ngoài ao nuôi. Hệ thống cung cấp điện ổn định, liên tục và phải có máy phát điện dự phòng để có thể tự động thay thế điện lưới. Chi phí đầu tư xây dựng máng nuôi, lắp đặt thiết bị ban đầu trung bình khoảng 200 – 250 triệu đồng/máng nuôi.
Hỏi: Thời gian qua, ở nước ta có nhiều cơ sở áp dụng mô hình IPRS nhưng không mang lại hiệu quả cao. Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?
(Nguyễn Hoài Thanh, xã Hà Toại, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa)
Trả lời:
Trên thực tế, một số cơ sở nuôi cá có năng suất 10 – 15 tấn/máng, tức là khoảng 30 tấn/ha. So với các cách nuôi truyền thống, IPRS chưa mang lại năng suất và lợi nhuận vượt trội. Bên cạnh đó, nhiều có cơ sở nuôi cá IPRS không có lãi thậm chí thua lỗ, do chi phí xây dựng vận hành cao nhưng cá chậm lớn và năng suất thấp, chỉ đạt 3 – 5 tấn/máng, tức là khoảng 8 – 10 tấn/ha. Theo khảo sát của các chuyên gia, có thể do những nguyên nhân sau:
Một số hệ thống IPRS được xây dựng không đúng quy cách thiết kế ban đầu, dẫn đến quá trình vận hành không đạt mục tiêu là loại bỏ phần lớn chất thải do cá thải ra, đồng thời không xử lý triệt để được nguồn hữu cơ hòa tan trong nước một cách tự nhiên. Do đó, trong môi trường mật độ cao, cá nuôi không đạt được tốc độ lớn như mong đợi; Diện tích không đủ rộng theo thiết kế, số máng xây dựng nhiều hơn thiết kế dẫn đến chu kỳ tuần hoàn của nước ngắn, không đủ thời gian để nước được làm sạch trước khi quay trở lại máng nuôi cá.
Hệ thống sục khí tự thiết kế, tự thi công không tuân thủ nguyên tắc và mục tiêu. Quá trình tự xử lý nước trong ao nuôi cũng cần ôxy nhưng không được cung cấp bổ sung.
Hệ thống hút chất thải rắn hoạt động không hiệu quả và không liên tục dẫn đến nước ao nhanh chuyển sang tình trạng phì dưỡng và ô nhiễm.
Lượng cá thả ngoài hệ thống IPRS quá nhiều, số cá này tiêu thụ thức ăn, thải chất thải rắn mà không được thu gom làm ô nhiễm nước, tiêu hao ôxy…
Related news
Do không có trí nhớ miễn dịch nên ý tưởng Vaccine trên tôm vẫn được xem là không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu làm được thì vaccine trên tôm sẽ từ ý nghĩ vô lý
Nắm vững bản chất và mối quan hệ giữa các yếu tố nhạy cảm để quản lí chất lượng nước trong hệ thống RAS một cách hiệu quả.
Mưa bão sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ và chăm sóc thủy sản. Vì vậy, để quản lý các biến động từ môi trường một cách có hiệu quả thì bà con nông dân