Giá / Tin nông nghiệp

Lúa thu đông không thể làm liều

Lúa thu đông không thể làm liều
Tác giả: Đ.T.Chánh - Lê Hoàng Vũ
Ngày đăng: 18/08/2017

Nhiều nơi ở ĐBSCL, nông dân vẫn “liều mình” xuống giống lúa thu đông (TĐ) ngoài đê bao bất chấp khuyến cáo lũ sớm đang đổ về có thể gây thiệt hại hoàn toàn.

Nhiều nơi nông dân vẫn liều xuống giống lúa TĐ bất chấp khuyến cáo khung thời vụ đã kết thúc

Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang mới chỉ gieo sạ được 82.996/90.000 ha lúa TĐ 2017 theo kế hoạch. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương không tiếp tục xuống giống, do lo ngại nước lũ tràn về có thể gây thiệt hại. Hơn nữa, khung thời vụ xuống giống của tỉnh giáp biển này đã kết thúc từ ngày 15/7. Thế nhưng, ở một số huyện, nông dân vẫn tiếp tục xuống giống, bất chấp khuyến cáo.

Tại huyện Tân Hiệp, diện tích gieo sạ lúa TĐ đến nay đã đạt 33.902 ha, vượt khá xa so với kế hoạch của huyện đề ra (32.000 ha) và của tỉnh giao (33.000 ha). Trong đó, có không ít diện tích nông dân vừa thu hoạch lúa xong đã tiếp tục xuống giống, không có thời gian cho đất nghỉ cũng như bảo đảm thời gian cách ly ít nhất là 3 tuần.

Còn tại huyện Giồng Riềng, diện tích xuống giống lúa TĐ 2017 là 37.000 ha. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không đạt do lúc cao điểm xuống giống gặp mưa bão liên tiếp. Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, diện tích gieo sạ lúa TĐ của huyện năm nay chỉ đạt 32.400 ha và đã khuyến cáo nông dân không tiếp tục xuống giống vì khung thời vụ đã hết. Thế nhưng, theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, diện tích của huyện này đã tăng lên 32.612 ha. Tại khu vực ấp Đồng Tràm, xã Long Thạnh, nông dân vừa thu hoạch lúa hè thu xong đã vội vàng xuống giống tiếp lúa TĐ. Theo ông Khải, khu vực này nông dân “làm 2 năm tới 7 vụ” nên đất không có thời gian nghỉ. Nông dân cũng không tuân thủ lịch thời vụ, vì cứ “cắt xong là sạ tiếp”.

“Xuống giống lúa TĐ trễ sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền các vụ tiếp theo. Vụ này có thể bị lũ đe dọa, còn vụ sau lại có nguy cơ bị khô hạn và xâm nhập mặn”, ông Khải lo ngại.

Còn tại tỉnh An Giang, để có vụ TĐ đảm bảo ăn chắc, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Hiện An Giang có 450 tiểu vùng SX kiểm soát lũ với tổng diện tích gần 200.000 ha. Do sự khắc nhiệt của thời tiết, lũ năm nay về sớm và cao hơn mọi năm, nên vụ TĐ năm 2017 An Giang chỉ xuống giống khoảng gần 160.000 ha. Ngành nông nghiệp tỉnh cùng với các địa phương chủ động ngay từ đầu vụ, kiểm tra khảo sát, gia cố lại hệ thống đê bao, chuẩn bị sẵn phương tiện chống ngập úng… Đồng thời, khuyến cáo nông dân xuống giống tuân thủ lịch thời vụ, tuyệt đối không xuống giống những vùng ngoài đê bao, không có đê bao chắc chắn... Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới xuống giống được gần 30.000 ha, hiện các địa phương đã nỗ lực để hoàn thành số diện tích còn lại.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú, An Giang, cho biết: Vụ TĐ toàn huyện xuống giống khoảng hơn 5.000 ha, từ đầu tháng 7, ngành nông nghiệp của huyện đã chuẩn bị rất kỹ, gia cố các đê bao, nạo vét các kênh mương để nước chảy được và lưu thông ra ngoài các trạm bơm, nhằm đảm bảo các trạm bơm để đủ năng lực phục vụ hút nước ra. Toàn huyện đã thu hoạch xong vụ HT, đang khuyến cáo nông dân chấp hành lịch xuống giống lúa TĐ nằm trong đê bao an toàn. Kế hoạch xuống giống vụ TĐ dứt điểm 31/8 là kết thúc.

Theo ông Tâm, một số nơi không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, xuống giống sớm vụ lúa TĐ nằm ngoài đê bao, khiến gần 70 ha lúa còn 15-20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch đã bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn.

Ngoài việc lũ năm nay về sớm và cao hơn mọi năm, điều đáng lo ngại nữa là tình hình sâu bệnh; dự báo rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện mật độ cao.

Không tuân thủ khuyến cáo, nhiều diện tích lúa TĐ ngoài đê bao ở ĐBSCL đã bị lũ nhấn chìm

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV An Giang cho biết: Để phòng chống rầy nâu một cách hiệu quả, ngành nông nghiệp chỉ đạo nông dân xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy, khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, phát hiện bệnh vừa chớm là có giải pháp phòng trị. Thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh với 3 cấp độ để xử lý kịp thời: thứ nhất là biện pháp phòng ngừ rầy nâu lan truyền bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, thứ hai là phòng trừ dập dịch rầy nâu bằng thuốc bảo vệ thực vật, thứ ba là tiêu hủy nguồn bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên đồng ruộng.

“Vấn đề rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá là một vấn đề nguy hiểm, xuống giống trễ cũng bị, xuống giống sớm hơn cũng bị nên ý thức của người dân rất quan trọng. Để hạn chế rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá, phải tuân thủ khung lịch thời vụ. Vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm thì mới đạt hiệu quả", ông Hiền nói.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Vụ lúa TĐ toàn thành phố xuống giống trên 73.000 ha, đều nằm trong đê bao an toàn. Tuy nhiên, có 15 ha ở huyện Vĩnh Thạnh người dân bất chấp khuyến cáo, xuống giống ngoài đê bao nên đã bị thiệt hại do nước lũ về. Kế hoạch của người dân sẽ tiếp tục sạ lại nhưng trước sự vận động của địa phương và ngành nông nghiệp khuyến cáo nên người dân đã tạm dừng xuống giống, xả nước lũ vào ruộng lấy phù sa.

Bà Kiều khuyến cáo, vụ lúa năm nay dự báo lũ về sớm, sâu bệnh, rầy nâu xuất hiện nhiều nên nông dân cần cảnh giác cao độ và thường xuyên thăm đồng. Năm nay đỉnh lũ có thể xuất hiện vào giữa tháng 10, đạt mức báo động 3, nước dâng cao lên 2,9-3m, ngay vào lúc cao điểm thu hoạch lúa TĐ của địa phương. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân phải tính toán lịch gieo sạ, để tranh thủ thu hoạch lúa trước tháng 10 khi đỉnh lũ về.

Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực và cây thực phẩm (Cục Trồng trọt):

Đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống vụ thu đông được khoảng 430.000 ha. Đến thời điểm này, nhìn chung lúa vụ thu đông ở ĐBSCL vẫn chưa thiệt hại do lũ.

Tuy nhiên trước tình hình lũ về sớm và cao hơn năm ngoái, Cục Trồng trọt vừa đi kiểm tra lại tình hình xuống giống lúa thu đông tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang. Tinh thần chung là với diễn biến lũ thực tế tại các địa phương, những nơi nào cảm thấy xuống giống lúa thu đông không an toàn, thì dù đã đưa vào kế hoạch sản xuất, cũng khuyến cáo nông dân không xuống giống. Các tỉnh cũng rất đồng tình và kiên quyết trong việc này.

Để đảo bảo sản xuất vụ thu đông an toàn, hiệu quả và không ảnh hưởng tới vụ đông xuân 2017-2018, chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân không xuống giống ở vùng ngoài đê bao hay đê bao không an toàn, không xuống giống trễ so với lịch thời vụ.

Thanh Sơn


Có thể bạn quan tâm

Thu 8-9 tỷ đồng/ha từ rau, hoa: Có thể học tập Lâm Đồng những gì? Thu 8-9 tỷ đồng/ha từ rau, hoa: Có thể học tập Lâm Đồng những gì?

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao toàn quốc

18/08/2017
Kỹ sư nông nghiệp kỳ cựu và chuyện gieo hạt giống bằng cả trái tim Kỹ sư nông nghiệp kỳ cựu và chuyện gieo hạt giống bằng cả trái tim

Ông Huỳnh Đoàn Thông vốn là một kỹ sư nông nghiệp và lại am hiểu về thị trường cũng như nhu cầu của nông dân trong lĩnh vực hạt giống.

18/08/2017
Trồng măng mai xóa nghèo, từng bước vươn tới khá giả Trồng măng mai xóa nghèo, từng bước vươn tới khá giả

Dễ trồng, sản phẩm làm ra luôn được các doanh nghiệp săn đón, cây măng mai ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực

18/08/2017