Lúa đông xuân 2017- 2018 ở Nam bộ đạt hơn 11 triệu tấn
Sáng 7-3, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị sơ kết sàn xuất cây trồng vụ đông xuân 2017- 2018 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2018, ở các tỉnh thành vùng Nam bộ.
Nông dân bán lúa đông xuân được giá cao, thu lãi từ 25- 40 triệu đồng/ha
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong vụ lúa đông xuân 2017- 2018, khu vực Nam bộ sản xuất hơn 1,67 triệu ha lúa, tăng 58.256 ha, năng suất đạt 66,59 tạ/ha, tăng 4,54 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 11,1 triệu tấn lúa, tăng hơn 1 triệu tấn so vụ đông xuân trước.
Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống hơn 1,6 triệu ha, tăng 61.870 ha, năng suất đạt 67,01 tạ/ha; sản lượng hơn 10,7 triệu tấn… Tại ĐBSCL, nông dân sản xuất giống lúa thơm, đặc sản đạt 31,34%; lúa chất lượng cao đạt 32%; lúa thường 17,20%; nếp 9,8%; còn lại là các giống khác…
Cơ cấu giống như trên về mặt tỷ lệ có phần đáp ứng yêu cầu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhất là giống lúa thơm, đặc sản tăng hơn 6% phục vụ tốt nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều đáng mừng là giá lúa vụ đông xuân này dao động ở mức cao, bình quân khoảng 5.300- 6.200 đồng/kg (tùy loại giống), nông dân có lãi khá (khoảng 25- 40 triệu đồng/ha).
Thêm khởi sắc là xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm tăng khá trên nhiều mặt. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2018 các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 842.000 tấn gạo, giá trị 413 triệu USD. Hiện giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam được chào bán từ 425 - 430 USD/tấn, cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 20 USD/tấn; trong khi đó giá gạo thơm bán giá khoảng 600 USD/tấn, nếp 525 USD/tấn… Với tình hình thuận lợi trên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo năm 2018 ước đạt khoảng 6,5 triệu tấn, tăng khoảng 700.000 tấn so với năm 2017. Điều này tạo tâm lý phấn khởi cho vụ hè thu tới.
Theo kế hoạch, vụ hè thu 2018, vùng Nam bộ trồng khoảng 1,74 triệu ha lúa, năng suất dự kiến 5,62 tấn/ha, sản lượng khoảng 9,77 triệu tấn. Trong số này, các tỉnh ĐBSCL đóng vai trò chính với diện tích lúa hè thu chiếm 1,65 triệu ha, năng suất ước khoảng 5,64 tấn/ha; sản lượng 9,32 triệu tấn, tăng 275.000 tấn so cùng kỳ 2017.
Lúa đông xuân 2017-2018 ở ĐBSCL được mùa được giá
Tổng cục Thủy lợi cho biết, trong tháng 1 và tháng 2-2018, xuất hiện một số đợt mưa trái mùa, tổng lượng mưa cao hơn nhiều so TBNN từ 15-30%. Mặn xâm nhập từ đầu mùa khô đến nay với nồng độ 4g/l xuất hiện lớn nhất vào cuối tháng 2, phạm vi ảnh hưởng 15-45km cách biển. Dự báo trong tháng 3-2018, mặn xâm nhập vào trong nội địa, vùng cách biển từ 25-35km bị mặn thường xuyên với nồng độ khoảng 4g/l; vùng cách biển 35-40km mặn xuất hiện 4g/l nhưng không thường xuyên mà chỉ xuất hiện vào đợt triều cường… Căn cứ vào tình hình trên, các địa phương cần chủ động nguồn nước nhằm phục vụ tốt vụ hè thu.
Để né hạn mặn và bố trí lịch thời vụ hợp lý, Cục Trồng trọt lưu ý các tỉnh ĐBSCL: Trong tháng 4-2018, sẽ xuống giống lúa hè thu ở các vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu như: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, một phần Tứ giác Long Xuyên và phía bắc QL 1 ở Vĩnh Long; tháng 5 sẽ xuống giống các vùng phía Nam QL 1 cách biển 70 km thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh; đến nửa đầu tháng 6 xuống giống ở khu vực chịu ảnh hưởng “nước trời” cách biển khoảng 70 km thuộc tỉnh Long An (phía Nam), Tiền Giang (phía Đông), Bến Tre (các huyện ven biển), Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, sản xuất lúa đông xuân 2017-2018 được mùa, được giá tạo sự phấn khởi cho nông dân và ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết luôn bất thường; vì vậy các tỉnh ĐBSCL cần theo dõi thường xuyên để điều chỉnh sản xuất vụ hè thu 2018 hợp lý, đạt hiệu quả cao. Các địa phương cần phát huy thế mạnh sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tăng giá trị hạt gạo…
Related news
Trong năm 2018 này, xuất khẩu gà sẽ sôi động hơn khi đơn hàng gia tăng từ nước ngoài và sự vào cuộc của nhiều DN, trong đó có những công ty lớn.
2 vùng trồng nhãn tại tỉnh Bến Tre, Hưng Yên và có khả năng nhãn của Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Australia từ đầu năm 2019.
Nhờ có những biện pháp kỹ thuật được ứng dụng trong vườn thông minh mà năng suất các sản phẩm nông nghiệp tăng gấp đôi, chi phí giảm 30%.