Giá / Mô hình kinh tế

Lúa Chất Lượng Cao, Bán Với Giá Thấp

Lúa Chất Lượng Cao, Bán Với Giá Thấp
Tác giả: 
Ngày đăng: 27/06/2012

Tại Kiên Giang, lúa Hè thu đang vào vụ thu hoạch ở một số huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng..., nhưng nông dân không vui vì giá lúa xuống thấp, năng suất Hè thu không cao, dịch bệnh nhiều, hiếm thương lái thu mua. Bên cạnh đó, lúa chất lượng cao từ vụ Đông xuân đến nay còn tồn đọng vì không được giá khiến nông dân đã khó lại chồng thêm khó.

Một khoảng thời gian dài kể từ khi vụ Đông xuân thu hoạch cho đến nay giá lúa luôn trên đà tụt dốc so thời điểm cùng kỳ. Không chỉ lúa chất lượng thấp giảm giá mà lúa chất lượng cao cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều nông dân không nỡ bán với giá thấp cho thương lái nên dự trữ chờ giá… Khi thực hiện chính sách mua gạo tạm trữ, nông dân phấn khởi vì giá lúa tăng hơn từ 300 - 500 đồng/kg, song niềm vui chưa lâu thì giá lúa lại trở về vị trí cũ.

Cách đây khoảng một tháng, nông dân trồng lúa IR50404 “mừng như mở cờ trong bụng” khi giống lúa tưởng đã “hết thời” lại có dịp “lên hương” trở lại. Lúc này, giá lúa IR 50404 ở mức xấp xỉ bằng giá lúa dài OM 5451, OM4218… Còn các giống lúa chất lượng cao vẫn dậm chân tại chỗ. Chờ mãi, lúa chất lượng cao vẫn không nhích giá nên đến khi vụ Hè thu đã thu hoạch mà nông dân vẫn còn dự trữ lúa Đông xuân. Không ít nông dân bày tỏ nỗi thất vọng về giống lúa chất lượng cao vốn khó trồng, năng suấ thấp lại bán ngang bằng với lúa chất lượng thấp.

Thậm chí, lúa OM5451 và một số giống lúa chất lượng cao khác thương lái không thèm để ý đến mà chỉ ngắm vào IR50404. Ông Đỗ Văn Luông - Chủ nhiệm Hợp tác xã kênh 5, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp bức xúc: “Thương lái chuyên mua IR50404, còn lúa chất lượng cao vẫn chất đầy nhà không thương lái nào mua, nếu có mua giá cũng tương đương với IR50404”. Mặc dù rớt giá, nhưng sau khi thu hoạch nhiều hộ nông dân vẫn phải cắn răng bán cho thương lái để có tiền trả nợ nhân công, vật tư nông nghiệp và tiền vay ngân hàng.

Dự trữ lúa OM5451 từ vụ Đông xuân đến nay, bà Lâm Thị Hoa ngụ xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng vẫn chưa bán được. Bà cho biết: “Đầu vụ Đông xuân thương lái đến mua trả giá thấp quá, lúa khô chỉ 5.000 đồng/kg, tôi đành trữ lại, đến nay kẹt tiền phải bán, thì thương lái chê lúa xấu, ẩm vàng không mua”. Hơn 1 ha lúa vẫn còn nằm chờ, hy vọng thu vốn của bà Hoa càng mong manh hơn khi lúa Hè thu đang bước vào vụ thu hoạch. Đồng cảnh ngộ, nhiều nông dân phải bán lúa Đông xuân làm thức ăn cho vịt với giá 4.500 đồng/kg.

Hiện, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 3.000 ha lúa Hè thu, riêng huyện Tân Hiệp có khoảng 1.300 ha, năng suất từ 4,5 - 5,3 tấn/ha. Vừa bước vào đầu vụ, giá lúa đã giảm hẳn so với mấy ngày trước từ 200 - 300 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa IR50404 bán tại đồng chỉ còn khoảng 4.000 - 4.100 đồng/kg nếu lúa đẹp, tươi sáng. Còn lúa nhiễm bệnh thì chỉ có giá 3.800 - 3.900 đồng/kg. Các giống lúa chất lượng cao giá tương đương, nếu bị chê xấu thì giá còn 3.900 đồng/kg. Anh Phạm Thanh Sơn - Cán bộ kỹ thuật UBND xã Thạnh Đông, Tân Hiệp cho biết: “Bây giờ khác trước rồi, thương lái đến tận ruộng, chỉ vào lúa nào ưng ý rồi nói giá chứ lúa thu hoạch bằng máy suốt rồi thì không thương lái nào chịu mua”.

Vụ Hè thu năm nay, nhiều dịch bệnh diễn ra ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng, màu sắc của hạt lúa. Cộng thêm thời tiết mưa nhiều làm lúa bị ngã đổ khiến chi phí thu hoạch tăng cao nhưng nông dân phơi, sấy xong lại cất vào trong nhà vì không thương lái nào mua. Ông Nguyễn Văn Chữ ngụ ấp Kinh 9A, xã Thạnh Đông, Tân Hiệp thu hoạch 3 công lúa Hè thu bị gãy đổ nên màu lúa đen sạm, cho biết: “Lúa này không ai mua, tôi phơi xong chất vào nhà. Tiền vốn đổ vào xem như không thu lãi được, nào phân, thuốc liên miên tăng giá, nhân công thu hoạch đắt đỏ nhưng giá lúa thì cứ trượt dài, thương lái chê đủ điều”.

Đặc biệt, thương lái rất chuộng mua những cánh đồng IR50404 cắt sớm. Theo một số nông dân thì hạt lúa IR50404 cắt sớm xay ra hạt gạo trong, dài, không bạt bụng, nhìn bề ngoài thì không phân biệt đâu là IR50404, OM5451.

Ông Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trong quý I năm 2012 do chịu ảnh hưởng bởi thị trường cạnh tranh gay gắt nên lúa chất lượng thấp của chúng ta không xuất khẩu được. Sang quý II, Trung Quốc mua lúa chất lượng thấp nên nông dân bán IR50404 được giá và chạy hơn do các nước trên thế giới dự trữ lương thực vào 6 tháng đầu năm. Còn lại 6 tháng cuối năm, chúng ta tập trung cho các hợp đồng thương mại nên lúa chất lượng cao sẽ chiếm được thị trường. Trong vụ Thu đông tới, đảm bảo ăn chắc mặc bền, nông dân nên chọn lúa chất lượng cao, hạn chế lúa chất lượng thấp dưới 15% để tránh rủi ro về thị trường, giá cả và nhất là đủ sức cạnh tranh với các nước khác”.


Có thể bạn quan tâm

Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Hiệu Quả Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Hiệu Quả

Khắc phục tình trạng đất nhiễm mặn khó canh tác bằng cách trồng những cây ăn quả phù hợp, đưa thêm giống mới vào sản xuất, áp dụng mô hình VAC để làm giàu, là hướng đi đúng đã giúp gia đình anh Phan Quốc Hùng, ấp Tân Hưng, Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), dựng nên cơ nghiệp vững vàng.

27/06/2012
80% Giống Rau Lai Của Việt Nam Phải Nhập Khẩu 80% Giống Rau Lai Của Việt Nam Phải Nhập Khẩu

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện nay diện tích trồng rau của cả nước vào khoảng 780 nghìn ha với năng suất bình quân 165 tạ/ha, đạt giá trị 650 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% GDP của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các giống rau lai F1 phải nhập khẩu từ nước ngoài. Giá thành hạt giống cao, chất lượng giống bấp bênh đã ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân.

27/06/2012
Toàn Tỉnh Lâm Đồng Có 44.159 Ha Rau Sản Xuất An Toàn Theo Tiêu Chuẩn Vietgap Toàn Tỉnh Lâm Đồng Có 44.159 Ha Rau Sản Xuất An Toàn Theo Tiêu Chuẩn Vietgap

Theo số liệu kiểm tra của các ngành chức năng, hiện nay Lâm Đồng có 44.159 ha rau sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap với sự hỗ trợ của Canađa, thông qua dự án “Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FaPQDCP)”.

27/06/2012