Lợn Giống Vừa Thiếu Vừa Đắt
Chỉ tính riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã có tới 40% người dân bỏ chuồng, điều này được thể hiện qua lượng tinh cung ứng và phối giống cho lợn nái so với thời điểm quý I/2010 giảm 39%.
Một thực tế có phần nghịch lý đang diễn ra tại các nông trại hiện nay là giá thịt lợn hơi tăng cao, người nuôi lợn có lãi nhưng nhiều nông dân vẫn bỏ trống chuồng. Ngoài những nguyên nhân do dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao thì việc lợn giống vừa thiếu, vừa đắt cũng là nhân tố thúc đẩy số lượng chuồng bỏ trống gia tăng.
Tham gia mô hình nuôi lợn hàng hóa từ năm 2009 nhưng hiện nay trang trại lợn của ông Trần Văn Hoàng, thôn Bó Luông, xã Vĩnh Lạc (Lục Yên) cũng chỉ còn duy trì trên 30 đầu lợn. Theo ông Hoàng, dù rất muốn tăng đàn và khôi phục sản xuất nhưng việc mua lợn giống hiện nay rất khó khăn có khi đi cả buổi cũng chẳng mua được con giống ưng ý, trong khi giá lợn giống lại tăng đến chóng mặt.
Nếu như ở thời điểm đầu năm, giá lợn giống mới chỉ có 30 nghìn đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên 120-130 nghìn đồng/kg. Thực trạng trên không chỉ khiến ông Hoàng cũng như trên 200 hộ chăn nuôi lợn hàng hóa ở đây gặp khó khăn mà hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng rơi vào trong tình trạng khan hiếm con giống.
Ông Hoàng Văn Thon-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lục Yên cho biết: “Hiện tại, huyện có 15 trang trại nuôi lợn với quy mô trên 100 con nhưng nguồn cung ứng giống cho các cơ sở chăn nuôi lợn hàng hóa trên địa bàn thường xuyên thiếu tới 30% nhu cầu”.
Lí giải cho việc lợn giống vừa thiếu, vừa đắt như hiện nay, các cơ quan chức năng cho rằng thời điểm cuối năm 2009, đầu 2010 giá lợn sụt giảm, lợn giống giảm chỉ còn 18.000đ/kg, người chăn nuôi không có lãi, dẫn đến hiện tượng bỏ trống chuồng. Chỉ tính riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã có tới 40% người dân bỏ chuồng, điều này được thể hiện qua lượng tinh cung ứng và phối giống cho lợn nái so với thời điểm quý I/2010 giảm 39%.
Theo ông Đàm Duy Đức-Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện nay toàn tỉnh chỉ có trên 50 nghìn con lợn nái (trên tổng đàn 440 nghìn con lợn), do vậy việc cung ứng giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ đủ, đa phần người dân vẫn phải nhập con giống từ các địa phương khác.
Mặc dù, hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 3 nơi sản xuất lợn giống tương đối lớn là Trung tâm Chăn nuôi công nghệ cao của Tổng công ty Hòa Bình Minh với 700 lợn nái, cung cấp 14 nghìn lợn giống mỗi năm; Công ty TNHH Bình An, với 300 nái cung cấp 6 nghìn giống và Trung tâm Chăn nuôi thuộc Công ty Cửu Long Vinashin với 220 nái. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đức, đa phần con giống sản xuất ra đều chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ cho chính các đơn vị . Do vậy, việc cung ứng giống mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu trong tỉnh.
Cũng theo ông Đức, thời điểm đầu năm đến nay dưới ảnh hưởng của dịch bệnh việc xuất nhập đàn bị hạn chế rất nhiều, thêm vào đó việc các lái buôn tích cực mua gom con giống bán ra tại các cửa khẩu phía Bắc khiến cho con giống vốn đã khan hiếm nay lại càng khan hiếm hơn. Tuy nhiên, khi nhập lợn giống người dân đa phần đều không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, do đó thường phát sinh dịch bệnh và dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Bài học của ông Nguyễn Kim Hội, thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Năm 2009, khi ông mới bắt đầu chuyển sang nuôi lợn hàng hóa, do thiếu con giống nên đã mua thêm 24 con giống từ lái buôn. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày dịch tả từ số lợn mua về nhanh chóng lan sang đàn lợn của gia đình, gần trăm con lợn của gia đình ông bị đổ gục khiến ông Hội bị thiệt hại gần 80 triệu đồng. Thêm vào đó, đợt dịch bệnh đầu năm làm cho hàng nghìn hộ chăn nuôi khốn đốn một phần do nguyên nhân từ việc nhập đàn không rõ nguồn gốc.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm lợn giống hiện nay, giải pháp trước mắt đã được đưa ra là: xây dựng các mô hình cải tạo giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; đưa vào các con giống mới năng suất cao; vận động người dân chủ động con giống bằng cách nuôi thêm con nái cho phù hợp với nhu cầu con giống của gia đình. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đang tích cực xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn nái nhằm cung cấp lợn giống ngay tại địa phương.
Được biết, từ nay đến cuối năm, Phòng Chăn nuôi của sở NN-PTNT sẽ triển khai thêm 35 cơ sở nuôi lợn nái quy mô 20 con/ trại tương ứng với 700 nái. Tuy vậy, để hướng tới một nền chăn nuôi hàng hóa bền vững, cần có các chính sách, cơ chế hỗ trợ mang tầm vĩ mô dài hơi như chính sách bình ổn giá để tăng đàn, giữ đàn lợn khi chăn nuôi gặp dịch bệnh hoặc giá cả xuống thấp, thua lỗ; xây dựng cơ chế quản lý hợp lý để phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn sinh học; quy tụ “4 nhà” trong sản xuất chăn nuôi: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp để có thị trường ổn định; đầu tư phát triển cơ sở giống vật nuôi của tỉnh để chủ động nguồn con giống cho dân; có chính sách ưu đãi về vốn, đất đai cho phát triển chăn nuôi tập trung trang trại; thủ tục trong quản lý dịch bệnh, cấp phép vận chuyển phải được cải tiến nhanh chóng thuận lợi.
Related news
Không chỉ thiếu nước vì hạn hán, nhiều diện tích lúa ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đang bị chuột cắn phá và sâu bệnh hoành hành, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ khiến bà con nông dân lo lắng.
Hiện nay, sản lượng đường trong nước đang dư thừa, tồn kho tăng cao trong khi đó tình hình buôn lậu đường ở một số cửa khẩu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và tiêu thụ đường trong nước...
Nấm mối chỉ xuất hiện một lần trong năm vào đầu mùa mưa ở ĐBSCL, do nấm càng ngày càng khan hiếm nên giá rất cao, người dân cũng không có bán.