Lợi Trước Mắt, Hại Lâu Dài
Tình hình nuôi tôm biển (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) trong vùng quy hoạch ngọt hóa (VQHNH) đã và đang xảy ra. Nếu diện tích này tăng, sẽ gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ vùng nước ngọt trong hệ thống Cống đập Ba Lai (Bến Tre).
Ông Nguyễn Văn Măn - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, tính đến 12-7-2013, toàn huyện Bình Đại có 609ha nuôi tôm biển trong VQHNH (trong đó có phá vườn dừa để nuôi tôm biển). Trong đó, 6 tháng đầu năm 2013, nông dân đào mới gần 30ha, tập trung ở các xã: Thới Lai, Lộc Thuận, Thạnh Trị, Phú Vang...
Nông dân đã đào tổng cộng 985 giếng nước mặn (đang sử dụng 364 giếng, số còn lại không sử dụng). Việc làm này ảnh hưởng xấu đến VQHNH, tác động xấu đến môi trường sinh thái vùng nước ngọt. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp bền vững của huyện.
Một phần do khách quan
Công trình thủy lợi ngọt hóa Bắc Bến Tre chưa được thi công hoàn chỉnh, chỉ mới hoàn thành hạng mục cống đập Ba Lai. Các hạng mục còn lại, nhất là ven sông Tiền, cứ vào mùa nước mặn, nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng. Mùa khô năm 2012 - 2013, nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng Bình Đại (cách Cửa Đại khoảng 50km). Độ mặn trên 10‰ đã xâm nhập vào các xã tiểu vùng II và một phần tiểu vùng I (Phú Thuận, Long Định…).
Mặc dù đã được quy hoạch ngọt hóa nhưng hệ thống đập ngăn mặn để ngọt hóa cục bộ ở các xã tiểu vùng II chưa khép kín. Trong đó có xã Phú Long, một phần xã Định Trung, ấp 3, ấp 4 của xã Thạnh Trị chưa được thi công theo kế hoạch nên nông dân đào ao nuôi tôm biển trước khi có quy hoạch.
Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép các tỉnh ven biển nuôi tôm thẻ chân trắng (trong đó có Bến Tre). Tôm thẻ chân trắng phát triển được ở các vùng nước lợ có độ mặn thấp, nhất là vùng đất mới, tôm phát triển nhanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Thời gian nuôi khoảng 2 tháng rưỡi là thu hoạch. Năm 2012 và đầu năm 2013, giá tôm thẻ ổn định ở mức cao. Trong khi đó, dừa, mía, lúa xuống giá.
Vì lợi nhuận trước mắt, một số nông dân đã đốn dừa, đốn mía, bỏ lúa nuôi tôm biển hoặc cho người khác thuê đất để nuôi tôm biển. Diện tích nuôi tập trung ở các xã: Phú Long, Phú Vang, Lộc Thuận, Vang Quới Đông, Thới Lai, Định Trung, Thạnh Trị. Ở Phú Thuận, Long Định, Long Hòa có người thuê 1,1 - 1,2ha để nuôi tôm biển. “Về căn cứ pháp lý: Trước tháng 8-2011, chưa đủ căn cứ để huyện xử phạt hành chính đối với các hộ nuôi tôm biển trong VQHNH” - ông Chủ tịch huyện cho hay.
Và quá chủ quan
Ông Chủ tịch huyện cho biết thêm, trong những năm vừa qua, công tác vận động, tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống chính trị chưa vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt. Công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên, nhất là chưa ngăn chặn kịp thời khi phát sinh mô hình khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm biển trong VQHNH.
Hiện tại, chưa có căn cứ pháp lý để xử phạt hành chính người khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm biển trong VQHNH và chính quyền địa phương chưa vận dụng các quy định xử phạt: chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; khoan giếng trái phép. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng huyện và xã chưa đồng bộ, kịp thời, còn đùn đẩy trách nhiệm, huyện hướng dẫn xử lý chưa cụ thể.
Xã chưa chủ động thực hiện chức năng thuộc thẩm quyền, còn trông chờ cấp trên. Công tác nắm tình hình của các ngành chức năng huyện cũng như việc báo cáo của các xã thiếu kịp thời. Nhiều trường hợp khoan giếng nuôi tôm biển trong VQHNH chưa bị xử lý triệt để. Trong đó, một số cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên chưa tiêu biểu gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện về việc không được nuôi tôm biển trong VQHNH.
Những biện pháp khắc phục
Trước tình hình trên, ngày 11-10-2011, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2200 về việc thành lập Tổ công tác vận động và xử lý các hộ khoan giếng nuôi tôm biển trong VQHNH. Về công tác xử lý hành chính, năm 2012, Tổ công tác của huyện đã phối hợp với UBND các xã có liên quan lập biên bản xử phạt nhiều trường hợp. Bên cạnh đó, Tổ công tác ngăn chặn 5 trường hợp vận chuyển máy kobe (phương tiện đào ao), phạt hành chính 20 triệu đồng đối với 1 hộ khoan giếng nuôi tôm biển trong VQHNH.
Theo ông Huỳnh Quang Triệu - Bí thư Huyện ủy, từ nay đến cuối năm, huyện tập trung xử lý các trường hợp đào ao nuôi tôm biển trong VQHNH bằng cách phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả. Đối với các hộ khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm biển trong VQHNH: vận động trám, lấp các giếng.
Nếu không tự trám, lấp, huyện sẽ thuê đội trám, lấp giếng; chi phí do hộ khoan giếng trái phép chi trả. Trước mắt, huyện tập trung tháo dỡ, trám, lấp 621 giếng đã khoan. Lập bản cam kết để các hộ ký không tái phạm.
Chiều 15-7-2013, tại buổi làm việc giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Đại, ông Lê Phong Hải - Giám đốc Sở đề nghị xử phạt nặng, kết hợp giáo dục đối với các hộ cố tình vi phạm. Trong đó, xử lý nghiêm những người hành nghề khoan giếng trái phép.
Riêng những hộ đang nuôi tôm biển trong VQHNH phải chấm dứt nuôi vào cuối năm 2013. Huyện, xã hướng dẫn những hộ này nuôi thủy sản nước ngọt: tôm, cá lóc… trong thời gian tới. Những hộ nuôi tôm biển ngoài VQHNH chỉ được dẫn nước biển tự nhiên để nuôi tôm chớ không được khoan giếng lấy nước mặn. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải làm gương trong việc nêu trên.
Related news
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã vươn lên tìm hướng thoát nghèo, trong đó có mô hình nuôi heo rừng lai.
Để việc ương cá giống đạt kết quả cao, người nuôi cần lưu ý thực hiện tốt những điều sau:
Theo nhiều ngư dân huyện Tuy An (Phú Yên), trong hơn tuần qua với nghề đi mành, bình quân mỗi tàu có công suất từ 20CV đến 45CV khai thác được 120 đến 150 giỏ cá giò, cá nục trong một đêm; nhiều tàu gặp luồng cá lớn, ngư dân trúng đậm từ 300 đến 340 giỏ cá.