Lợi Ích Kép Từ Nuôi Cá - Lúa Vụ 3
Phong trào nuôi cá lúa vụ 3 trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm qua đạt kết quả rất khả quan. Ngoài hiệu quả về kinh tế, nâng cao đời sống cho người nông dân, còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất và giảm chi phí cải tạo đất, phân bón cho vụ Đông Xuân tiếp theo. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có.
Hiệu quả cao, chi phí ít
Nghệ An hiện có khoảng hơn 7.000 ha diện tích lúa có đủ điều kiện để nuôi cá, lúa vụ 3. Tại nhiều cánh đồng ở các địa phương như Hưng Nguyên, Thanh Chương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… có độ thấp trũng và nguồn nước thuận lợi, sau khi vụ hè thu kết thúc, đủ điều kiện thả cá. Trong những năm qua, phong trào nuôi cá vụ 3 trên địa bàn tỉnh đang đưa lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tổng diện tích cá lúa vụ 3 toàn tỉnh năm 2012 đạt khoảng 3.000ha và sản lượng đạt gần 3.000 tấn. Năng suất trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 8 tạ/ha, với giá trị khoảng 20 triệu đồng/ha.
Một trong những địa phương có diện tích nuôi cá lúa vụ 3 tăng nhanh là huyện Thanh Chương. Năm 2011, diện tích của toàn huyện chỉ hơn 500ha, thì đến năm 2012, diện tích này đã tăng lên trên 700 ha. Trong kế hoạch năm 2013, tổng diện tích nuôi cá vụ 3 của huyện sẽ đạt khoảng 1.200 ha. Diện tích tăng đồng nghĩa với việc người dân đã thấy rõ được hiệu quả kinh tế mà nuôi cá vụ 3 mang lại nên yên tâm sản xuất.
Ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: Huyện Thanh Chương có phong trào nuôi cá vụ 3 từ lâu ,nhưng trong 2 năm gần đây, phong trào này phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi sau khi thực hiện xong công tác chuyển đổi ruộng đất, hệ thống bờ bao, kênh mương đã được cải tạo, nâng cấp tương đối hoàn chỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nuôi cá vụ 3.
Gia đình anh Nguyễn Thịnh Thùy, (xóm 1, xã Ngọc Sơn) có trên 5 sào lúa ở vùng thấp trũng. Năm 2012, sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, anh thả cá giống. Sau gần 3 tháng, anh thu hoạch được hơn 2 tạ cá, thu về gần 5 triệu đồng. Gia đình anh nuôi cá vụ 3 cũng đã được hơn 5 năm nay và năm nào cũng cho thu hoạch khá cao. 2 năm nay, do quy hoạch lại đồng ruộng, bờ, thửa hoàn chỉnh, anh mượn thêm ruộng của hộ liền kề mở rộng diện tích nuôi lên 7 sào.
Anh Thùy cho biết: Nuôi cá vụ 3 được rất nhiều cái lợi. Thứ nhất, khi thu hoạch xong thì tận dụng được diện tích ruộng bỏ không, gia đình có công ăn việc làm, và làm tăng thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Thứ 2, khi dâng nước để nuôi cá cỏ, gốc rạ sẽ phân hủy, vừa làm thức ăn cho cá, vừa làm tăng chất mùn cho đất. Nuôi cá vụ 3 tốn ít chi phí, nhờ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Thấy rõ hiệu quả nên năm nay nhiều gia đình mạnh dạn liên kết với nhau cùng thuê ruộng để nuôi cá.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tịnh, ở xóm 10, xã Hưng Long (Hưng Nguyên) có hơn 5 sào ruộng trũng, phù hợp với nuôi cá vụ 3, cứ sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, là thả các loại cá nhỡ, mỗi con chừng 3- 4 lạng, các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép. Cá thả từ tháng 9, đến tháng 12 là thu hoạch. Hiệu quả nuôi cá, đặc biệt là nuôi cá vụ 3 của gia đình bà Tịnh cao gấp 2,5 lần trồng lúa ruộng trũng.
Diện tích giảm sút
Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng kết quả nuôi cá lúa vụ 3 trong những năm qua vẫn đang rất hạn chế. Tổng diện tích nuôi cá lúa vụ 3 của toàn tỉnh năm 2010 đạt 4.500ha, năm 2011 đạt 5.000 ha, đến năm 2012 chỉ còn 3.200 ha. Kế hoạch năm 2013, tổng diện tích nuôi của toàn tỉnh khoảng 3.500 ha.
Một số địa phương có phong trào mạnh như Diễn Châu, Đô Lương… thì diện tích ngày một giảm sút. Những địa phương có tiềm năng lớn như Hưng Nguyên, Yên Thành, Nghi Lộc… diện tích tăng không đáng kể. Như huyện Hưng Nguyên, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của huyện trên 1.550ha. So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, thì tiềm năng nuôi cá của Hưng Nguyên là khá lớn.
Các ao, hồ, ruộng đồng chiêm trũng, quanh năm ngập nước rất thuận lợi cho phát triển ngư nghiệp. Ngoài ra, Hưng Nguyên còn có thị trường vành đai tiêu thụ rộng lớn là TP. Vinh, nên việc vận chuyển tiêu thụ cũng không tốn nhiều chi phí. Thế nhưng, tổng diện tích nuôi cá vụ 3 của huyện luôn đạt thấp.
So với các huyện trên địa bàn tỉnh thì Diễn Châu từng là một trong những địa phương có phong trào nuôi cá lúa vụ 3. Kế hoạch nuôi cá lúa vụ 3 năm 2012 của huyện có chiều hướng giảm. Năm 2011, toàn huyện có khoảng 700 ha, sản lượng đạt khoảng 752 tấn. Năm 2012, kế hoạch của huyện chỉ còn khoảng 450 ha. Chị Phan Thị Thuận, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Tiềm năng nuôi cá lúa vụ 3 của huyện rất lớn nhưng do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nên rất nhiều diện tích chưa được sử dụng. Kế hoạch năm 2013, diện tích nuôi cá vụ 3 của toàn huyện đạt khoảng 320 ha.
Nguyên nhân chính vẫn là rủi ro do thiên tai quá lớn và giá cả giảm mạnh khiến cho người dân không mặn mà. Như đợt mưa lũ vào năm 2011, hơn 100 ha diện tích nuôi cá đã bị trôi theo dòng nước lũ. Bên cạnh đó, giá cá từ 40 ngàn đồng/kg giảm xuống còn hơn 30 ngàn đồng/kg đã khiến cho các hộ sợ phải chịu thua lỗ.
Là một người dân có kinh nghiệm nuôi cá vụ 3 lâu năm, ông Hoàng Thanh Trúc (xóm 5, xã Diễn Tân, Diễn Châu) chia sẻ: Hiệu quả kinh tế của nuôi cá vụ 3 càng ngày càng giảm. Cá thường bị dịch bệnh và chất lượng con giống không cao. Năm nay, gia đình quyết định giảm diện tích xuống còn 2 sào.
Còn gia đình Anh Lê Hữu Linh (xóm 13, Diễn Yên, Diễn Châu) cho biết: Vụ nuôi năm nay, gia đình tôi chỉ thả 0,5ha. Năm trước thì diện tích nuôi nhiều hơn nhưng do thiếu lao động nên không có điều kiện nuôi nhiều. Hơn nữa, do nguồn nước ô nhiễm nặng nên cá thường xuyên mắc các bệnh như đốm đỏ, đường ruột, mỏ neo...
Quy hoạch đồng ruộng là vấn đề then chốt
Ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Nuôi cá - lúa vụ 3 là một hướng phát triển góp phần đổi mới cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, nuôi cá vụ 3 tốn ít chi phí mà còn làm tăng độ phì nhiêu của đất, giảm chi phí cải tạo đất và phân bón cho vụ đông xuân tiếp theo. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi cá - lúa vụ 3 ở tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng diện tích mặt nước sẵn có.
Nguyên nhân là do việc quy hoạch ruộng đồng còn nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng (bờ bao, cống, mương cấp, thoát nước…) chưa được đầu tư. Công tác chăm sóc, quản lý trong quá trình nuôi của bà con chưa thực sự chú trọng nên hiệu quả chưa được phát huy hết. Do đó, việc mở rộng và phát triển diện tích nuôi cá - lúa vụ 3 tại một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Vì thế, biện pháp đầu tiên để người dân có điều kiện sản xuất là tiếp tục dồn điền đổi thửa để tạo thành những thửa ruộng lớn, thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng công trình nuôi cũng như trong công tác quản lý và chăm sóc. Ngoài ra, các hộ trong vùng nuôi có thể thống nhất và hợp tác với nhau trong việc quản lý bờ vùng, mương cống, đăng chắn để công tác cấp, thoát nước được thuận lợi, phòng tránh mưa lũ và thất thoát nước.
Ông Phan Văn Trường - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Sở dĩ nghề nuôi trồng thuỷ sản của Hưng Nguyên vẫn trong tình trạng manh mún là do bên cạnh việc chăn nuôi thiếu sự đầu tư của người dân, thì các cơ chế chính sách, và quy hoạch, áp dụng nhân rộng mô hình chưa được quan tâm đúng mức.
Cho đến nay, nguồn vốn đầu tư xây dựng vùng nuôi tập trung, hỗ trợ người dân đang có phần hạn chế, làm cho việc mở rộng vùng nuôi tập trung chưa được cao; chưa kịp thời hỗ trợ người dân khi bị thiên tai, bão lụt, mất mùa, dịch bệnh. Đây là điều mà nông dân vẫn đang băn khoăn. Ông Trường còn cho rằng, tỉnh cần có quy hoạch, căn cứ vào quy hoạch đó để định hướng, nếu như xác định Hưng Nguyên là vùng trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, thì cần có sự đầu tư hạ tầng vùng, đặc biệt là hệ thống bờ bao, kênh tiêu, kênh cấp, đảm bảo cho tính vững chắc.
Về con giống, ông Nguyễn Xuân Học cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 công ty, 7 trại cá và nhiều trại cá tư nhân khác tại các huyện Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương… dư năng lực sản xuất giống cá cho người dân. Trong những năm qua, do có nguồn hỗ trợ quỹ gen của UBND tỉnh nên việc lai tạo giống cá bố mẹ để sản xuất giống được đảm bảo về chất lượng.
Theo khuyến cáo của Chi cục NTTS: Khi thả cá, nên thả cá kích cỡ lớn, đều, khỏe mạnh, để ít bị hao hụt trong quá trình nuôi. Ngoài các đối tượng nuôi là các loài cá truyền thống, cần mạnh dạn đầu tư đưa các đối tượng có giá trị kinh tế như: Cá rô đồng, cá rô đầu vuông, tôm càng xanh… để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Trong quá trình nuôi, ngoài nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, cần bổ sung thêm thức ăn tinh như: Cám gạo, bột sắn, bột ngô…, thức ăn xanh: Bèo, cỏ, lá khoai, lá sắn… để cá lớn nhanh và cho năng suất cao.
Nuôi cá vụ 3 sau 2 vụ lúa là một tiềm năng cần được khai thác. Lợi ích về kinh tế, về môi trường đã được khẳng định, vì vậy việc phát triển nuôi cá vụ 3 cần được đầu tư quan tâm nhiều hơn nữa, chính quyền các cấp phải coi trọng việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo sản xuất cá vụ 3 như là 1 vụ chính và cần có chính sách hỗ trợ nông dân, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật để việc nuôi cá vụ 3 phát triển thành một nghề có thu nhập cao và ổn định. Việc thiết lập các đầu mối tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường ổn định cho người nuôi là một vấn đề quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế vụ sản xuất.
Related news
Nhìn lại năm qua, với tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh lên khoảng 63.669 tấn, vượt 11,7% kế hoạch và tăng 13,9% so với năm trước, có thể lạc quan trước sức phát triển mới về năng lực tàu cá tỉnh ta. Tuy nhiên, nếu nhìn ở cơ cấu hải sản đánh bắt với 80% sản lượng là cá cơm, cá nục và hầu như chưa có sự chuyển dịch đáng kể nào về thuyền nghề, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước tương lai nghề cá tỉnh nhà.
Ông Trần Phương là tấm gương nông dân sản xuất giỏi ở thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Từ trồng lúa và nuôi bò sinh sản, mỗi năm gia đình ông thu về cả trăm triệu đồng.
Chuyện con bò tót “lạc đàn” về xã Phước Bình “gắn kết” với bò nhà sản sinh những con bê lai F1 “cường tráng” đang trở thành đề tài thời sự thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước.