Prices / Tin nông nghiệp

Loay hoay xuất khẩu… vì rào cản thú y

Loay hoay xuất khẩu… vì rào cản thú y
Author: Phương Ngọc
Publish date: Tuesday. February 14th, 2017

Là một trong những quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển, song các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam lại đang chịu áp lực khi chưa phát huy được ưu thế trong xuất khẩu, lý do thì có nhiều, nhưng nổi bật vẫn là những quy định về an toàn thú y.

“Bơi” ra biển lớn

Xuất khẩu các sản phẩm từ ngành chăn nuôi đầy triển vọng khi thị trường nội địa ngày càng bão hòa. Nhận thấy tiềm năng, nhiều địa phương, hiệp hội trên khắp cả nước đã và đang đẩy mạnh công tác xúc tiến để sớm đưa sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đến nhiều thị trường trên thế giới.

Đơn cử như Đồng Nai, tỉnh chăn nuôi trọng điểm tại phía Nam mới đây đã có cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT để bàn bạc phương án mở cửa xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản. Bình Phước vừa tổ chức hội nghị lớn nhằm xây dựng các chuỗi sản phẩm chăn nuôi và tiến tới xuất khẩu sang một số thị trường. Tại TP. Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao cũng vừa tổ chức Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhằm bàn phương án ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân... đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, gia cầm, trứng…

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam năm 2016 cũng có vài điểm sáng, nếu như trước đây chỉ có một số ít sản phẩm truyền thống như mật ong, trứng vịt muối, thịt lợn… được xuất khẩu thì gần đây bắt đầu có thêm những sản phẩm mới như thức ăn chăn nuôi (TĂCN), sữa… Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu TĂCN mỗi năm, nhưng trong năm 2016 cũng đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn TĂCN hỗn hợp. Ngành chăn nuôi cũng ghi nhận sản lượng xuất khẩu thịt lợn tăng đột biến, với khoảng 40% so năm 2015 và có thể đạt khoảng 100.000 tấn cả năm 2016. Đây là tín hiệu tích cực để kỳ vọng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam năm 2017 sẽ có bước đột phá. Song dù được đánh giá là ngành có thế mạnh, nhưng đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa phát huy được ưu thế trong việc xuất khẩu và gia tăng giá trị để trở thành mũi nhọn trong cơ cấu các nhóm ngành hàng lớn của ngành nông nghiệp.

Thú y phải tiên phong

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, Việt Nam hiện có tổng đàn bò khoảng 5,6 triệu con, đàn gia cầm khoảng 328 triệu con, đàn lợn gần 27 triệu con... Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về số lượng vịt, thứ 4 về lợn, thứ 6 về trâu và thứ 13 về tổng đàn bò. Riêng tại khu vực châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Tuy nhiên, do nền chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm phân tán dẫn đến việc tùy tiện trong thực hiện quy trình kỹ thuật, nguy cơ nhiễm bệnh tật cao, tùy tiện trong quá trình phòng dịch tổng hợp như xử lý chuồng trại, dụng cụ chăm sóc... đã tác động không nhỏ đến tình hình xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Theo nhiều doanh nghiệp, các nước sẵn sàng nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam. Song điều họ lo ngại nhất chủ yếu là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), đặc biệt là việc Việt Nam chưa có những bộ tiêu chuẩn về chăn nuôi và thiết chế để thực hiện. Đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi cho biết, nếu không có vùng an toàn dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt vì an toàn dịch bệnh là một trong những đòi hỏi hàng đầu của các nước nhập khẩu trên thế giới, trong đó nổi bật là những quy định về an toàn thú y.

Thực tế, thời gian qua đã có nhiều đối tác muốn nhập khẩu vịt từ Việt Nam nhưng chưa triển khai được do lo ngại không đảm bảo VSATTP. Với ngành thịt, nhiều đối tác từ Nga đã cử phái đoàn đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung nhưng kết quả đã phải chuyển sang các quốc gia khác trong khu vực vì các trại chăn nuôi của Việt Nam không đảm bảo an toàn thú y. Riêng tại thị trường Nhật Bản, do cơ quan thú y hai nước chưa thống nhất với nhau về mã xuất khẩu để làm đầu mối giao dịch nên doanh nghiệp không thể giao dịch được. Với ngành gà cũng vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đã có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT thông báo việc nhiều nước như Australia, Mỹ… muốn nhập khẩu các mặt hàng chăn nuôi của Việt Nam với đơn hàng lớn, song hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lại gặp khó khăn do Việt Nam và các nước chưa có hiệp định về thú y…

Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển chăn nuôi nhưng tốc độ còn hạn chế và chưa bền vững. Để ngành chăn nuôi Việt Nam thực sự phát huy được thế mạnh trên cả “sân nhà” lẫn “sân khách”, nên học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan. Trong bối cảnh nền chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún thì việc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, kiểm soát các mối nguy hại là chìa khóa đem lại cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, cần chọn lựa sản phẩm sơ chế, chế biến phù hợp với thị hiếu của mỗi thị trường để xuất khẩu, nhằm giảm thiểu rủi ro trong thương mại do tác động của tình hình dịch bệnh động vật. Kiểm soát chặt chẽ các mối nguy dịch bệnh và vệ sinh an toàn dịch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về VSATTP thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi cũng là việc làm cấp thiết.

Được biết, Bộ NN&PTNT đã đưa một số mặt hàng chăn nuôi vào danh mục xuất khẩu, chẳng hạn như thịt lợn và trứng gia cầm đã được đưa vào các chương trình đàm phán cấp cao với một số nước để sớm mở cửa xuất khẩu, nhất là tại các thị trường như Trung Quốc, Singapore, Australia... Hiện, Bộ NN&PTNT cũng đã kết hợp cùng các ngành chức năng tăng cường tháo gỡ khó khăn, từng bước giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu; giúp người chăn nuôi gia tăng được lợi nhuận. Rõ ràng, muốn xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các hiệp định thú y phải đi trước một bước.


Related news

Ninh Thuận: Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận: Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao

Ngành Nông nghiệp đã tập trung triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững…

Tuesday. February 14th, 2017
Giải pháp nào cho chăn nuôi bền vững? Giải pháp nào cho chăn nuôi bền vững?

Năm 2016, Việt Nam có những biến động liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm,Và lúc này, khái niệm chăn nuôi bền vững được nhắc đến nhiều

Tuesday. February 14th, 2017
Chăn nuôi - trụ cột ngành nông nghiệp Chăn nuôi - trụ cột ngành nông nghiệp

Không phải vô cớ mà nhiều đại gia sẵn sàng bỏ hàng ngàn tỷ đồng để phát triển chăn nuôi, mà chủ yếu các nhà đầu tư dựa vào thị trường

Tuesday. February 14th, 2017