Lo Lắng Dịch Cúm Trên Đàn Chim Cút
Dịch cúm gia cầm vừa bùng phát trên đàn chim cút ở tỉnh Tiền Giang. ở Đồng Nai, nơi có tổng đàn chim cút khá lớn, nguy cơ bùng phát dịch khá cao. Phóng viên Báo Đồng Nai có trao đổi với ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh. Ông cho biết:
- Tổng đàn chim cút ở Đồng Nai hiện nay khoảng 1,5 triệu con. Các địa phương có đàn chim cút nhiều là: Trảng Bom, Xuân Lộc và Thống Nhất.
Thưa ông, tỉnh Tiền Giang mới công bố dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim cút khiến nhiều người dân trong tỉnh lo lắng dịch cúm có thể bùng phát ở Đồng Nai?
- Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Đồng Nai cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh không để xảy ra một ổ dịch nhỏ nào. Riêng đối với đàn chim cút được nuôi tập trung khá lớn tại địa bàn huyện Trảng Bom, Xuân Lộc. Để phòng chống dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với Trạm Thú y các huyện, thị yêu cầu bà con chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. đa số các trại đều áp dụng biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy 2.690 mẫu huyết thanh xét nghiệm để phục vụ công tác kiểm dịch vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm cho bà con chăn nuôi và tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính (không có virus cúm A/H5N1).
Tổng đàn chim cút ở Đồng Nai khá lớn và đa số được nuôi gần nhà ở. Nếu xảy ra dịch cúm thì nguy cơ rất khó lường, tỉnh đã có giải pháp gì?
- Chim cút được bà con chăn nuôi nhiều năm và trên thực tế đã góp phần tạo công ăn, việc làm tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Song, chim cút cũng là động vật cảm nhiễm với bệnh cúm gia cầm A/H5N1, tuy nhiên chưa có thử nghiệm tiêm phòng vaccine cúm gia cầm và kiểm tra hiệu quả kháng thể sau tiêm phòng. Vì thế, hiện vẫn chưa đánh giá được khả năng bảo hộ của vaccine phòng bệnh cúm gia cầm đối với chim cút. Do đó, tỉnh đã khuyến cáo người chăn nuôi, phòng bệnh hiệu quả nhất cho đàn cút thời điểm này vẫn là áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên sát trùng tiêu độc chuồng trại... Người chăn nuôi phải thường xuyên kiểm tra đàn, nếu phát hiện chim chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan thú y để kịp thời lấy mẫu xác định căn bệnh và có biện pháp kịp thời.
Ngoài ra, thời gian tới ngành thú y sẽ tăng cường công tác lấy mẫu huyết thanh để kiểm tra và bắt buộc các hộ nuôi chim cút phải thực hiện việc kiểm tra huyết thanh trước khi vận chuyển tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và an toàn cho người tiêu dùng. Các ngành chức năng khi kiểm tra phát hiện việc vận chuyển, buôn bán chim cút và trứng chim cút không có giấy chứng nhận kiểm dịch sẽ tịch thu và tiêu hủy.
Vì sao đàn chim cút tại Đồng Nai cũng như cả nước tương đối nhiều, song đến nay vẫn chưa có vaccine để tiêm phòng cúm?
- Trước tình hình dịch cúm gia cầm xảy ra trên đàn cút nuôi tại tỉnh Tiền Giang, ngày 19-7-2013, tại cuộc họp giao ban vùng, Cơ quan Thú y vùng VI đã công bố sẽ tiến hành tiêm phòng thử nghiệm cho đàn chim cút bằng vaccine phòng bệnh cúm gia cầm hiện đang sử dụng cho các loại gia cầm. Sau khi tiêm phòng sẽ kiểm tra hiệu giá kháng thể để đánh giá khả năng bảo hộ của vaccine trên đàn chim cút. Nếu kết quả bảo hộ cao sẽ khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng đồng loạt để phòng bệnh cúm gia cầm trên đàn chim cút.
Xin cảm ơn ông!
Related news
Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, nhiều địa phương ven biển của tỉnh Nam Định đã phát triển mô hình tổ hợp tác trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000 tổ hợp tác; trong đó, có 58 tổ hợp tác có đăng ký sản xuất kinh doanh.
Ở Lục Yên (Yên Bái) có giống vịt bầu - giống vịt cho thịt thơm, ngon được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giống vịt này đang mai một.
Mặc dù lợi nhuận tăng trên 40%, nhưng cánh đồng mẫu lớn vẫn chưa thể làm thỏa mãn được kỳ vọng của người dân về hiệu quả đích thực mà mô hình kiểu mẫu này mang lại sau một năm thực hiện.