Giá / Cà phê

Lo lắng cà phê vàng lá, rụng quả sau khi bón phân

Lo lắng cà phê vàng lá, rụng quả sau khi bón phân
Tác giả: PV
Ngày đăng: 10/09/2019

Vừa qua, chúng tôi nhận được phản ánh của một số hộ dân ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, Đắk Nông cho biết, về việc cà phê trở nên vàng lá, rụng quả sau khi sử dụng sản phẩm phân bón của Công ty Cổ phần Bình Điền Lâm Đồng. Chúng tôi đã về xã Quảng Hòa để tìm hiểu vấn đề.

Kiểm tra vườn cà phê của các hộ dân sau khi sử dụng phân bón của Bình Điền Lâm Đồng.

Theo gia đình ông Nông Văn Mân, thôn 6, xã Quảng Hòa - 1 trong 9 hộ trên địa bàn xã phản ánh về việc vườn cà phê của gia đình ông trở nên vàng lá, rụng quả sau khi sử dụng sản phẩm phân bón. Ông Mân cho biết, gia đình ông mua 40 bao phân bón NPK, tại đại lý Nhật Huyền ở xã Đạr Sal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng (giáp ranh với xã Quảng Hòa). Sau khi sử dụng và phát hiện cà phê vàng lá ông đã báo cho đại lý, cũng như nhà sản xuất.

Sau khi nhận phản ánh, Cty cổ phần Phân bón Bình Điền Lâm Đồng đã mời TS. Phạm Công Trí – Trưởng bộ môn Hệ thống nông – lâm nghiệp, Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên trực tiếp xuống thăm vườn để tìm hiểu nguyên nhân và hướng dẫn bà con xử lý. Bước đầu TS. Phạm Công Trí xác định, do thành phần dinh dưỡng của sản phẩm phân bón NPK 16-7-17–8S+TE với hàm lượng kali cao, đòi hỏi lượng nước lớn để huy động dinh dưỡng cho cây. Nhưng do năm nay khí hậu khô hạn kéo dài, mưa nắng thất thường nên cây cà phê bị sốc nhiệt ẩm, gây vàng lá. Đối với những diện tích cà phê có cây che bóng mát thì không gặp hiện tượng trên.

Theo TS. Phạm Công Trí: “Năm 2019 là năm mưa nắng thất thường cho nên là vấn đề sốc nhiệt ẩm của cây trồng diễn ra rất khốc liệt. Với 1 vườn cây mà nông dân vừa xử lý cỏ xong thì mặt đất trơ cho nên bộ rễ cây dễ bị đốt nóng do nắng chiếu trực tiếp. Quan sát chúng ta thấy những cây càng bị ánh nắng mặt trời chiếu rọi thì bộ rễ càng dễ bị sốc nhiệt. Khi bón phân có hàm lượng Kali cao, cây sẽ huy động dinh dưỡng rất mạnh sẽ làm cho mất cân bằng các chất trung, vi lượng, từ đó xảy ra các hiện tượng cây bị vàng lá, rụng trái non”.

Để xử lý hiện tượng trên, TS. Phạm Công Trí đã hướng dẫn nông dân khắc phục bằng cách phun phân bón lá để cung cấp trung vi lượng cho cây, đồng thời sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để kích thích bộ rễ cân bằng dinh dưỡng.

Nằm trong trường hợp bị cây cà phê bị vàng lá, gia đình ông Mai Tuấn Anh, thôn 10 xã Quảng Hòa, được hướng dẫn và đã mua phân bón lá và bón gốc về để xử lý vườn cây. Đến nay, đã hơn 10 ngày, vườn cà phê đã dần phục hồi.

Về phía các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông, ông Trần Mậu Dũng, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT cho biết, ngay khi nhận được công văn của UBND xã Quảng Hòa đề nghị kiểm tra, làm rõ nguyên nhân một số diện tích cà phê của 9 hộ dân trên địa bàn xã phản ánh có hiện tượng vàng lá và rụng quả sau khi sử dụng phân bón của Cty cổ phần Phân bón Bình Điền Lâm Đồng, đơn vị đã cử nhân viên phối hợp với chính quyền địa phương, người dân và một số đơn vị liên quan tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm tra để xác định nguyên nhân.

Hiện mẫu phân bón, đất, rễ và lá của các vườn cà phê của 9 hộ dân trên đã được Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông gửi đến Cty cổ phần Chứng nhận và giám định SaiGonCERT tại TP.HCM để giám định xác định nguyên nhân cà phê vàng lá, rụng quả có phải do chất lượng phân bón hay không. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quý vị và các bạn khi có kết quả giám định.


Có thể bạn quan tâm

Giải pháp phục hồi vườn cà phê già cỗi Giải pháp phục hồi vườn cà phê già cỗi

Cà phê Khe Sanh là một trong những thương hiệu cà phê chè nổi tiếng ở khu vực miền Trung, đây cũng là cây công nghiệp chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn

10/09/2019
Canh tác cà phê, hồ tiêu hữu cơ thông minh Canh tác cà phê, hồ tiêu hữu cơ thông minh

Hồ tiêu và cà phê liên tục rớt giá. Giải pháp nào giúp nhà vườn tiết kiệm, đất khỏe, cây vẫn duy trì năng suất bền vững?

10/09/2019
Bệnh thán thư khô cành, khô quả cà phê Bệnh thán thư khô cành, khô quả cà phê

Bệnh thường xuất hiện trên các bộ phận non, trên hoa và quả. Trên các cành non và trái non, vết bệnh có màu đen và lõm vào.

10/09/2019