Liên Kết Trong Sản Xuất Rau An Toàn: Vẫn Khó Đầu Ra
Author:
Publish date: Tuesday. June 19th, 2012
KTĐT - Năm 2010, mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất rau an toàn (RAT) được triển khai tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, trong đó, Công ty TNHH Hương Cảnh đứng ra thu mua sản phẩm cho người dân.
Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, lượng rau doanh nghiệp thu mua được còn quá ít so với sản lượng sản xuất ra hàng ngày.
Trên cánh đồng rau bạt ngàn với ớt, cà pháo, bí, dưa… đang vào vụ thu hoạch, ông Đào Văn Anh, thôn Trung Quan, xã Văn Đức nhễ nhại mồ hôi, vác từng bao cà pháo mới thu hoạch lên bờ ngậm ngùi cho biết: "Mỗi ngày công ty chỉ mua được khoảng vài chục cân cà pháo trong khi riêng nhà tôi cũng thu được 150 kg/ngày". Do vậy, hàng ngày, ông Anh phải chở rau sang tận chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai) để tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ ruộng rau kế bên cũng thở dài cho biết, từ mấy năm nay, toàn bộ hơn 1 mẫu ruộng của gia đình chuyển sang trồng rau, sản lượng thu hoạch có lúc lên tới hàng tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng thu mua của phía công ty còn ít, lại không có người chạy chợ nên chị phải bán cả ruộng cho thương lái. "Nếu được thu mua hết toàn bộ số rau, chúng tôi sẽ bớt lo về đầu ra hơn" - chị Ngọc tâm sự.
Theo HTX Nông nghiệp xã Văn Đức, toàn xã có 250ha trồng rau, sản lượng 20.000 tấn/năm. Thu nhập từ rau bình quân đạt 15 - 17 triệu đồng/sào/năm với rau ăn lá, 18 - 20 triệu đồng/sào/năm với rau ăn quả, củ. Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Văn Đức cho biết, chủ yếu rau vẫn được tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Trong khi đó, mô hình liên kết với Công ty Hương Cảnh vẫn còn nhiều hạn chế. Trước năm 2011, diện tích liên kết tiêu thụ RAT 50ha, tuy nhiên, hiện nay, công ty chỉ thu mua được 25ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Công ty Hương Cảnh có công suất chế biến khoảng 35 tấn rau/ngày đêm, nhưng thời điểm cuối năm 2011, lượng rau thu mua của công ty mới đạt 3 - 4 tấn/ngày và hiện bình quân chỉ đạt 1,5 tấn/ngày. Ông Phạm Văn Hưng, cán bộ phụ trách sản xuất của Công ty Hương Cảnh cho biết, công ty mới chỉ bố trí được 1 ca làm việc mỗi ngày cho công nhân với khoảng 9 người, vì ngay cả đầu ra của công ty cũng gặp khó khăn. Hiện mới chỉ tiêu thụ được tại 20 điểm phân phối của các hệ thống siêu thị lớn như FiviMark, BigC, Intimex, Hapro và trên 10 điểm siêu thị lẻ trên địa bàn Hà Nội.
Mở rộng liên kết
Công ty Hương Cảnh đang tìm cách mở rộng kênh phân phối để tăng lượng thu mua RAT cho người dân và dự tính bố trí thêm 1 ca làm việc, nâng tổng số công nhân lên 15 người. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, nếu chỉ trông chờ vào một doanh nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn rất khó khăn. Do đó, HTX Nông nghiệp và địa phương cần mở rộng liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT.
Từ tháng 11/2011, Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai dán nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm RAT Văn Đức. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ gắn nhãn được 1/5 lượng rau tiêu thụ hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Minh cho hay, giải pháp hiện nay là tập trung sản xuất theo hướng VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp đầu tư sơ chế, tiêu thụ, còn HTX tập trung vào khâu sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. Ngoài ra, các sở, ngành, quan tâm đầu tư đồng bộ hóa hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Toàn xã có 14km đường kênh mương nhưng mới cứng hóa được 30%. Hệ thống điện chủ yếu do người dân tự mắc ra, chưa có đường dây riêng phục vụ sản xuất.
Trước mắt, HTX Nông nghiệp Văn Đức đang xúc tiến ký hợp đồng với một số đơn vị doanh nghiệp để mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết được với một số doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc để xuất sản phẩm sang thị trường này, chủ yếu là các mặt hàng cải bắp, cải thảo… Hy vọng, với những động thái này, đầu ra cho RAT ở Văn Đức sẽ được tháo gỡ phần nào.
Related news
Hoa Ngâu Mất Mùa Nhưng Được Giá
Hoa ngâu chính vụ năm nay ở Phù Mỹ (Bình Định) mất mùa nhưng giá bán cao hơn so cùng vụ năm ngoái. “Nguyên nhân ngâu mất mùa là do nắng nóng kéo dài, ngâu héo hoa, không nở hạt; sản lượng giảm”- ông Nguyễn Văn Thu, thôn Diêm Tiêu, Thị trấn (TT) Phù Mỹ, nhiều năm gắn bó cây ngâu cho biết.
Tuesday. June 19th, 2012
Nỗi Lo Tiêu Thụ Muối, Đường
Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2012, lượng tồn dư mặt hàng đường trong nước khoảng trên 70.000 tấn, muối cũng tồn một lượng tương đương. Nguy cơ dư thừa nguồn hàng đang trở thành nỗi lo cần giải quyết.
Tuesday. June 19th, 2012
Trồng Điều Trên Đất Nuôi Tôm
Anh Đặng Chí Linh là Bí thư Chi đoàn ấp Lung Ngang, xã Tam Giang, huyện Năm Căn (Cà Mau). Linh được đánh giá là Bí thư chi đoàn luôn luôn đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế, trong đó, tiêu biểu là mô hình trồng điều trên đất nuôi tôm.
Tuesday. June 19th, 2012